pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghe tiếng ve ran lại nhớ Cầm
Chiều 20/4, câu hỏi "Hoàng Nhuận Cầm sao rồi?" xôn xao khắp các trang mạng xã hội. Nghe chính xác tin dữ, tôi thảng thốt nhớ mấy câu thơ anh viết từ 30 năm trước: Một mai chết thật buồn cười/Tóc tôi buông xuống như người ngủ mơ/Một mai chết thật tình cờ/Thuốc trên tay khói vẫn dờ dật bay... Vậy là anh cũng tiên liệu rất sớm sự ra đi của mình, giống như bạn anh – liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, tác giả Nhật ký Mãi mãi tuổi 20, đoán được chính xác ngày mất của mình trước nửa năm. 30 năm sau, như đã hẹn đồng hồ báo tử, Hoàng Nhuận Cầm cũng lịm đi ngay trên bàn viết, với chiếc điếu cày còn gác bên đùi.
Trong nỗi đau buồn, thương nhớ, trong đầu tôi hiện dần lên từng trang ký ức…
Sống hồn nhiên như thơ
Năm 1970, chúng tôi cùng Hoàng Nhuận Cầm học vào học năm thứ nhất khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi đọc những câu thơ treo trên báo tường Cầm viết: Mẹ tôi giã gạo nuôi tôi/Chày mùa thu hát mãi lời nước non… chúng tôi hình dung Cầm như một chàng trai hiền lành, chất phác. Khi gặp mới biết đấy chính là chàng sinh viên đã có thơ in báo từ khi học phổ thông trung học, nhưng sống rất hồn nhiên, phóng khoáng. Nhiều đêm, đã hai ba giờ sáng, chàng vẫn ôm đàn ghi ta đi lang thang, bập bùng bản nhạc Phiên chợ Ba Tư gì đó nghe rất lạ tai. Chàng hát không hay và hát nhiều quá, làm cả ký túc xá thức giấc.
Nhiều nữ sinh mến mộ tài năng thi ca của chàng nhưng bị chàng làm mất ngủ, cứ nằm thở dài, bịt tai, cau có. Nhưng rồi chàng chẳng hành hạ bạn được lâu. Học hết năm thứ nhất, chàng cùng mấy chục sinh viên trong lớp chúng tôi đã lên đường nhập ngũ. Với bút danh Ánh Biếc, chàng đã khẳng định tên tuổi của mình như một nhà thơ trẻ. Nhưng đất nước lúc này đang cần người cầm súng, trước khi cần tới các nhà thơ.
Ngày huấn luyện bộ binh ở Nhã Nam, Hoàng Nhuận Cầm đã bị nhiều cô gái làng tò mò nhìn như nhìn một người lập dị. Đêm đêm anh vẫn hay mất ngủ vì thơ, thậm chí có thể tình nguyện gác hộ đồng đội mấy phiên liền, để rồi ngày hôm sau phải tìm một bụi rậm trên thao trường chui vào ngủ bù. Tuy vậy trong huấn luyện anh cũng đã nhiều lần lập công, kể cả những chiến công trên "mặt trận ái tình". Anh sống rất tự nhiên, dễ mến, lại nhanh mồm miệng nên chúng tôi hay khích anh đi "dân vận", xin bà con tre, gỗ về tu bổ lán trại hoặc làm trận địa giả.
Trước ngày vào chiến trường, đại đội lính sinh viên chúng tôi được thả lỏng chút ít. Chương trình luyện tập 3 tháng bộ binh đã xong hết rồi, mà đằng nào thì ngày một ngày hai cũng chia tay nhau, mỗi người về một đơn vị, để vào chiến trường, đám lính trẻ chúng tôi trên thao trường chỉ ngồi "buôn dưa lê" và nghĩ ra các trò tiêu khiển. Một hôm, chúng tôi thách Cầm tán xem có "đổ" được một cô giáo xinh nhất trong làng đóng quân hay không. "Đổ" nhưng phải có bằng chứng đổ, chứ không chỉ về kể lại vu vơ. Cầm nghe khích liền đứng bật dậy, gửi súng. Chờ chỉ huy sơ ý, Cầm trốn khỏi đồi bạch đàn, tiến vào một lớp học cấp một ở ngay dưới chân đồi.
Thấy anh bộ đội đẹp giai, có quân phục, sao, mũ nghiêm chỉnh vào lớp, cô giáo xinh đẹp sáng bừng khuôn mặt. Cô gõ thước kẻ đánh cốp một cái xuống mặt bàn, lệnh cho cả lớp đứng lên chào. Cầm giơ bàn tay lên cao đáp lại. Cô giáo vui lắm. Cô hình dung ngay trong đầu một buổi học ngoại khóa. Chú bộ đội này sẽ kể chuyện chiến trường, sẽ giáo dục cho các em tinh thần yêu nước. Cô hồi hộp chờ. Nhưng chú bộ đội chỉ đến ghé tai cô hỏi nhỏ: "Cô có lạc bán không, lạc cả vỏ cũng được". Cô giáo trố mắt, nhìn anh bộ đội đẹp giai nhưng nhỏ thó này từ đầu đến chân một lát rồi "à" một tiếng vỡ lẽ.
Cô đi xuống cuối lớp hỏi lần lượt mấy hàng ghế học trò. Ngay tức khắc có mấy em được phép nghỉ học chạy về nhà. Mươi lăm phút sau, cô giáo không chịu cầm tiền. Binh nhì Hoàng Nhuận Cầm nhét mấy đồng hào rách vào túi, ôm rá lạc góp, cảm ơn cô giáo, trở lại thao trường. Nhưng mươi phút sau, cô giáo lại thấy chú bộ đội nhỏ bé đó quay lại. Lớp trưởng theo lệnh cô giáo, gõ thước cho cả lớp buông bút, đứng dậy chào lần nữa. Cầm chào đáp lễ rồi ghé vào tai cô giáo thì thầm: "Cô có nồi rang không". Lần này, cô giáo không ngạc nhiên nữa. Cô lệnh cho ba em về nhà kiếm nồi rang. Lát sau, chú bộ đội chọn luôn chiếc chảo gang to nhất, rồi không quên chào cô trò lần nữa. Dường như chỉ chào lần này nữa là thôi.
Chờ cho chú bộ đội đã hưởng đủ tình quân dân cá nước, có thể đã xông ra chiến trường rồi, cô giáo ổn định trật tự, lệnh cho quản ca bắt nhịp hát vang bài "Hoan hô chú bộ đội"… Nhưng lớp chưa hát hết đoạn "Hoan hô chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê/Tàu bay Mỹ đến đây chú bắn cho tan tành" thì có tiếng kêu to: "Cháy nhà, khói quá"!
Cô giáo chạy bổ ra ngoài, tìm nguyên nhân ngọn khói. Thì ra chú bộ đội chưa trở lại thao trường. Chú đã rút hết một góc mái gianh lớp học của cô, dồn được một ôm lớn, kê mấy hòn gạch vỡ, nhóm lửa rang lạc ngay bên chân lũy lớp học. Cô giáo nhìn chảo lạc một lát rồi quyết định cho lớp giải tán. Đằng nào thì vừa khói, vừa có mùi lạc cháy bay vào lớp, học trò không học nổi.
Tiểu đội chúng tôi thấy Hoàng Nhuận Cầm cởi trần, dùng áo sơ mi bọc một bọc gì đó, kiêu hãnh trở về. Chúng tôi băn khoăn không biết vì sao Cầm cởi trần, không biết cô giáo xinh đẹp đó có "đổ" hay không, thì đã thấy Cầm đổ ra cho tiểu đội đầy một mũ cối lạc rang thơm lừng.
Bữa trưa hôm đó, y tá đại đội rất lo: Không hiểu vì sao cả tiểu đội của Hoàng Nhuận Cầm chỉ ăn hết nửa suất.
Tôi nhớ rõ chuyện này, kể lại để muốn chứng minh rằng Cầm là người sống rất hồn nhiên. "Người thơ phong vận như thơ vậy", sống hồn nhiên và thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng rất hồn nhiên. "Hồn nhiên" ở đây không có nghĩa là dễ dãi, mộc mạc. Đây là cái hồn nhiên từ trong bản chất sâu xa tận cùng của thi ca, mà dân châu Âu hay gọi là "thơ sạch", thơ không dính "bụi trần".
Vào trận nhưng không thành nhà thơ chiến trận
Có lần đọc thơ Cầm được nhận giải Nhất báo Văn Nghệ, cố giáo sư Lê Đình Kỵ cười, bình luận: Để rồi xem, Cầm sẽ suốt đời làm thơ sinh viên thôi… Nghe thầy Kỵ nói, chúng tôi nghi ngờ nhà phê bình tinh tế này đã quá khắt khe, khó tính, đã lấy model thơ Chế Lan Viên làm tiêu chí đánh giá thơ Hoàng Nhuận Cầm. Mãi sau này chúng tôi mới ngộ: Thơ sinh viên mà nhà phê bình nói như tiên đoán ấy là một khái niệm không mang tính định giá, mà là một khái niệm xác định một phong cách. "Thơ sinh viên" không phải là một lời chê sự non nớt. Thơ sinh viên là một phong cách thơ thời chống Mỹ, thời cả nước lên đường, thầy trò từ các học đường đại học đều ra trận. Thơ sinh viên là cả một thời thơ, một đi không trở lại.
Quả là vào trận nhưng Cầm không thành nhà thơ chiến trận, không làm sử thi hay viết những anh hùng ca hoành tráng như một lớp nhà thơ chống Mỹ trước mình. Thơ Cầm cổ vũ những người cầm súng theo một cách riêng, không ồn ào, kích động mà chỉ chạm nhẹ vào cái phần sâu thẳm của tình yêu sự sống. Vì Cầm sinh ra ở đời không để cầm súng mà chỉ để làm Thơ, làm rung lên những tiếng đàn vàng. Thơ Cầm viết năm 1972 rất nhiều tiếng ve. Đó là tiếng ve của ký ức tuổi thơ. Đó cũng là tiếng ve có thật, ran lên ồ ạt, rồi kéo dài đằng đẵng trên những cánh rừng Trường Sơn, những đồi sim Quảng Trị. Cầm viết hẳn cả bài Vào mặt trận giữa mùa ve đang kêu. Thơ Việt Nam viết về tiếng Ve, có lẽ đó là bài thơ dài nhất và cũng là hay nhất. Nhưng khi sang bài Thơ mùa thu, đọc câu thơ Cầm viết: Ta chẳng còn bắt ve, ta chẳng còn thơ bé/Thay cho việc bắt ve, ta lùng bắt quân thù quanh những gốc xà nu, tôi thấy rất hay nhưng đã bật cười. Chả ai đánh giặc thế bao giờ. Cầm chưa bao giờ làm lính bộ binh nên mới viết hồn nhiên đến thế. Cầm là lính cao xạ, bắn máy bay. Nếu là lính bộ binh, Cầm không thể viết được những câu thơ ngộ nghĩnh, đáng yêu và "sinh viên" đến thế. Mà nếu bị phiên vào đơn vị lính bộ binh, Cầm sẽ bị thương hoặc hy sinh sớm, mãi mãi tuổi 20 như Nguyễn Văn Thạc, bạn Cầm.
Ăn ít, làm nhiều, để có tiền nuôi mẹ, nuôi con
Tôi có nhiều kỷ niệm với Cầm vì là bạn đồng môn, đồng ngũ, đồng mặt trận và cũng rất gần nghề! Tuy vậy bạn bè cùng lớp chúng tôi gặp được nhà thơ "bác sĩ Hoa Súng" một thời này hơi khó. Nhà thơ rất bận: bận làm phim, duyệt phim, dẫn chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp cho VOV, và nói chung là bận kiếm tiền để chiều vợ, nuôi con. Lần ngồi với Cầm gần nhất là đèo xe máy chở Cầm về từ tòa soạn báo Nhân Dân. Đó là buổi họp chọn đại biểu dự Đại hội Nhà văn toàn quốc. Mặc dù đã thành danh, nổi tiếng và có thâm niên Hội viên đã hàng chục năm rồi, Cầm vẫn tỏ ra sung sướng khi mình trúng cử, phiếu cao. Chàng thi sĩ khi vui, khi giận, khi thèm thuốc, và khi yêu đều rất tự nhiên và quá thật thà. Ngồi sau xe máy tôi đèo, Cầm tỏ ra rất nóng ruột vì đang phải chăm mẹ ốm ở nhà. Cầm kêu nhận duyệt phim nước ngoài rất mệt, phải dán mắt vào màn hình cả buổi, có khi xem suốt cả ngày cho kịp ký lệnh phát hành. Vì phải kiếm thêm tiền nuôi con, thuốc thang cho mẹ nên cứ cố mở mắt xem có đoạn nào "nhạy cảm" quá không. Đã mấy lần Cầm ngủ quên, phim chạy qua hàng mươi lăm phút, chẳng biết thế nào. Cũng may mà có bạn bè xem vòng 2, duyệt lại…
Sau lưng tôi, Cầm ngồi chuyện ríu rít. Anh kể rằng thật ra anh rất yêu điện ảnh, từ bé đã mơ thành một diễn viên, nhưng thi môn năng khiếu vào trường Sân khấu Điện ảnh không đỗ. "Mình nghĩ giám khảo hồi đó dốt. Mình đã sáng tạo được một cảnh diễn đánh rơi cốc nước nóng rất thú vị. Vừa chạm vào cầm chiếc cốc không có nước mình đã rụt tay, làm chiếc cốc rơi vỡ tan dưới chân hội đồng, thế mà cả hội đồng giám khảo đều nhăn mặt… Sau mới biết là mình dốt chứ không phải hội đồng…".
Tôi biết giấc mơ điện ảnh thuở nhỏ của Cầm đã được thực hiện. Lớp Văn Tổng hợp khóa 15 chúng tôi đã xem phim Cầm dựng hoặc làm diễn viên rất nhiều lần. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, được ông nội đặt cho họ tên đầy đủ là Hoàng Nhuận Cầm, nghĩa là cây đàn vàng của tương lai, nhưng Cầm lớn lên đã không trở thành một nhạc sĩ - Hoàng Giác như cha, mà thành thi sĩ. Tôi đọc cho Cầm nghe những câu thơ Cầm viết những ngày đầu chiến dịch Quảng Trị 1972: Mẹ tôi giã gạo nuôi tôi/Chày mùa thu hát mãi lời nước non, rồi bình luận: "Trong thơ ông tiếng chày giã gạo cùng nhẹ nhàng như tiếng ve kêu". Cầm nghe khoái chí vỗ vai tôi làm tay lái tròng trành.
Tôi giật mình nhận ra rằng năm nay cơ thể Cầm như khô đi, nhẹ quá. Ba lần cưới vợ, bốn lần có con, mà hình như ăn ít, làm nhiều, để có tiền nuôi mẹ, nuôi con, sức khỏe anh mỗi ngày một suy kiệt mà anh không hề hay biết. Đêm đêm anh "bị Thơ làm", ban ngày anh đi đóng phim, dựng chương trình phát thanh trực tiếp cho đài phát thanh, đọc thơ như xé thân ở các câu lạc bộ, và… rít điếu cày, các túi phế nang trong phổi anh đã teo đi, không còn khả năng chứa khí. Tôi đèo anh mà như chở cuộn băng ghi âm của VOV đang mở sau lưng. Tôi không có cảm giác đèo người. Những câu chuyện anh kể dài dài, nghe như tiếng ve ran sau lưng.
Ai biết anh ra đi nhanh thế.
Có lẽ từ nay, nghe tiếng ve kêu lại nhớ Cầm.