Nghèo đói và mù chữ vẫn đang đè nặng lên phụ nữ dân tộc thiểu số

21/05/2019 - 07:45
Trong 6 vấn đề nóng nhất hiện nay với phụ nữ dân tộc thiểu số thì vấn đề nghèo đói và mù chữ cần được xác định là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết.

Hàng loạt những vấn đề liên quan đến nghèo đói, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; mù chữ/tái mù, bất bình đẳng giới, đẻ thuê/lấy chồng nước ngoài, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thiếu hụt các dịch vụ cơ bản… liên quan đến phụ nữ vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã được TƯ Hội LHPN và các chuyên gia cùng đưa ra và bàn thảo trong một cuộc tham vấn chiều 20/5.

dan-toc-ton-giao2.jpg
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa (bên phải) chủ trì hội thảo.

 

Chủ trì và phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa cho biết: “Hội thảo về những vấn đề của phụ nữ DTTS của TƯ Hội LHPN VN diễn ra trong bối cảnh sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về Công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về công tác vùng dân tộc Mông cho thấy còn không ít vấn đề xã hội của phụ nữ DTTS đang còn tồn tại như nghèo đói dai dẳng, tái nghèo với tỷ lệ cao; mù chữ, thiếu hiểu biết về pháp luật, bị các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập; tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn cao... Những yếu tố này tiếp tục là rào cản đối với sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ DTTS. Làm thế nào để giúp phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển? Cần điều chỉnh các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cụ thể như thế nào để giúp chị em có cơ hội và điều kiện tiếp cận hiệu quả?... là những nội dung rất cần quan tâm nghiên cứu và có ý kiến đánh giá xác đáng.

Theo TS Hoàng Xuân Lương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người Vùng dân tộc và miền núi), giải quyết những vấn đề khó khăn của phụ nữ DTTS rất cần sự cụ thể, thiết thực. Theo đó cần ưu tiên những vấn đề đang “nóng” nhất với phụ nữ DTTS hiện nay, đó là tình trạng nghèo đói, mù chữ, tái mù chữ, gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ như chăm sóc sức khỏe sinh sản, thông tin, việc làm, pháp lý…

“Nghèo đói và mù chữ vẫn đang đè nặng lên người phụ nữ DTTS. Trong số những người nghèo, phụ nữ DTTS đang chiếm khoảng 90%; trong 21% mù chữ, phụ nữ DTTS cũng chiếm tới 95%”, ông Hoàng Xuân Lương nêu con số cụ thể.

dan-toc-ton-giao3.jpg
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, cụ thể liên quan đến những vấn đề "nóng" nhất đối với phụ nữ DTTS hiện nay.

 

Nhìn nhận dưới góc độ kinh tế hộ gia đình, TS Đào Đoan Hùng (Ban Dân vận Trung ương) cho rằng phụ nữ DTTS đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình nhưng còn thiếu những kỹ năng trong quản trị, quản lý không tốt và không bền vững. Hiện, vấn đề này đang là khoảng trống.

TS Nguyễn Cao Thịnh (Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Dân tộc) cho biết: “Mặc dù Đảng, Nhà nước có rất nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào DTTS nhưng những vấn đề liên quan đến chính sách riêng cho phụ nữ DTTS hiện vẫn đang là một khoảng trống”.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã gợi mở thêm những vấn đề “nóng” liên quan đến phụ nữ DTTS mà Hội có thể quan tâm đó là, an sinh xã hội cho đối tượng phụ nữ DTTS nghèo, tàn tật, đơn thân; Các vấn đề liên quan đến mất an toàn của phụ nữ DTTS như kết hôn/đẻ thuê xuyên biên giới…

Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa đánh giá cao những góp ý của các chuyên gia và hy vọng cuộc tham vấn này sẽ là tiền đề để TƯ Hội LHPN VN chuẩn bị cho Hội thảo chính thức được dự kiến diễn ra vào tháng 8/2019. Đây thực sự trở thành một diễn đàn để trao đổi, thảo luận nhằm tổng kết lý luận, thực tiễn về một số vấn đề xã hội ảnh hưởng tới đời sống, sự phát triển của phụ nữ DTTS, trên cơ sở đó đề xuất về phương hướng và giải pháp đổi mới phương thức vận động, hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ DTTS sát với tình hình thực tế và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ DTTS…

dan-toc-ton-giao1.jpg
 

6 vấn đề “nóng” với phụ nữ DTTS hiện nay

Tình trạng nghèo đói tồn tại dai dẳng, thoát nghèo thiếu bền vững trong các hộ gia đình DTTS;

Chất lượng nguồn nhân lực nữ người DTTS còn nhiều bất cập;

Trình độ nhận thức của phụ nữ DTTS hạn chế, tình trạng thiếu hiểu biết về luật pháp dễ bị lợi dụng; hiện tượng nổi lên của một số tôn giáo cực đoan…;

Tình trạng phụ nữ di cư xuất cảnh lao động trái phép, nạn buôn bán người, lấy chồng nước ngoài tại các tỉnh biên giới;

Tình trạng bất bình đẳng giới, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở vùng DTTS, nguy cơ tuyệt chủng ở một số dân tộc rất ít người;

Phụ nữ DTTS còn gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận với các chính sách dân tộc hiện hành (vốn, lao động việc làm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, thông tin, pháp luật…)…

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm