pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghỉ hưu trước tuổi: "Cánh cửa mới" cho nhân lực tinh giản

Ảnh minh hoạ
Nghỉ hưu nhưng vẫn muốn làm việc
Vậy nên, vấn đề đặt ra là bên cạnh hỗ trợ tài chính cũng cần các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo ra cơ hội việc làm mới cho những cán bộ không còn tiếp tục công tác trong bộ máy Nhà nước, để không có cán bộ trong diện tinh giản phải đối diện với khó khăn, bất an trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp.
Ông Trần Minh Thái (SN 1969, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) là một trong số những trường hợp cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178. Ông Thái là tiến sĩ quản lý giáo dục và đã từng có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Ngoài ra, ông cũng có hơn 1 năm công tác trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
Ủng hộ chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy nên dù còn 5 năm công tác, ông Thái đã viết đơn để xin được nghỉ hưu trước tuổi. Cũng giống như nhiều cán bộ khác, quyết định của ông Thái được đưa ra nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan trong việc bố trí cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho các công chức trẻ có điều kiện phấn đấu, cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước.
Xin nghỉ hưu trước tuổi nhưng không đồng nghĩa với việc ngừng lao động, ông Thái cho biết đã ấp ủ nhiều dự định về việc làm sau khi ra khỏi khu vực công. Dự định đầu tiên ông Thái chia sẻ đó là sẽ viết phần mềm dạy học, hai là có thể sẽ thành lập một công ty để chuyển giao công nghệ hoặc bồi dưỡng đào tạo về trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, bồi dưỡng về kỹ năng, văn hóa cho học sinh cũng là một trong những dự định ông Thái đang ấp ủ.
Đã từng làm qua và có kinh nghiệm với công việc này nên ông Thái tin rằng bản thân sẽ không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sẽ cần phải học hỏi và chau dồi thêm kiến thức thực tế để bắt kịp được sự phát triển của thời đại.
Đầu tháng 2/2025, sau khi Trung tâm Văn hóa Thể thao Từ Sơn sáp nhập với Đài Phát thanh thành phố Từ Sơn để trở thành Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh), nhằm tạo điều kiện để lực lượng trẻ cống hiến, phấn đấu, ông Trương Ngọc Tuấn (nguyên giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Từ Sơn) đã làm đơn xin nghỉ hưu sớm.
Nghỉ công tác, ông Tuấn có thêm nhiều thời gian để chăm sóc bản thân và gia đình. Tuy nhiên, ông chia sẻ rằng bản thân cũng mong muốn tiếp tục làm việc để tăng thêm thu nhập khi còn sức khỏe. "Cái khó của tôi bây giờ là chưa định hướng được bản thân sẽ làm gì tiếp theo. Sau 25 năm công tác tại khu vực công, bây giờ muốn chuyển sang ngành nghề khác đòi hỏi tôi sẽ cần phải được đào tạo lại đồng thời mong muốn sẽ được chính quyền hỗ trợ tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp", ông Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, do tính chất công việc ở khu vực nhà nước và tư nhân khá khác nhau nên để đội ngũ lao động nghỉ việc sớm hòa nhập với thị trường lao động cũng cần có một khoảng thời gian nhất định.
Thành công nhờ mạnh dạn chuyển đổi
Không phải bây giờ mà từ trước đến nay, nhiều lao động đã mạnh dạn chuyển đổi từ khu vực công sang khu vực tư để tìm kiếm công việc phù hợp hơn với năng lực và sở trường của bản thân. Dù gặp phải không ít khó khăn ban đầu nhưng đến nay, không ít người đã gặt hái thành công từ quyết định chuyển đổi này. Ông Phan Xuân Diện (SN 1977, trú tại huyện Con Cuông, Nghệ An) là một trong những ví dụ như thế.
Ông Diện nguyên là Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông. Năm 2017, nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế lớn từ cây dược liệu nên ông Diện đã xin nghỉ việc trong cơ quan Nhà nước để ra ngoài làm kinh tế trồng cây dược liệu. Đến thời điểm hiện tại, sau nhiều năm nỗ lực, theo đuổi, ông Diện cũng đã đạt được những thành công nhất định. Bên cạnh phát triển kinh tế, ông Diện cũng tạo được công ăn việc làm cho nhiều người dân.
Theo ông Diện, để cán bộ, công chức khi nghỉ việc ở khu vực công có thể khởi nghiệp, tham gia vào các hoạt động kinh tế, ngoài các chính sách hỗ trợ chung, Chính phủ nên có các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để những người thuộc diện tinh giản biên chế vay.
Ông Diện cho rằng, đây chính là chiếc "cần câu cơm" để họ có thể tham gia vào thị trường kinh tế đầy sôi động. Bên cạnh đó, các ban, ngành địa phương nên có khóa đào tạo cho họ tiếp cận kỹ năng, công nghệ bán hàng mới, hiện đại phù hợp với xu thế hiện nay", anh Diện nêu ý kiến.

Ảnh minh hoạ
Hỗ trợ chuyển đổi việc làm
Việc tinh gọn bộ máy diễn ra thường xuyên ở tất cả các nước trên thế giới. Và lao động chuyển đổi từ khu vực công sang khu vực tư cũng là điều bình thường. Trong một xã hội hiện đại, dù làm việc ở đâu thì cơ hội cho người lao động cũng như nhau nếu họ biết tận dụng và phát huy được điểm mạnh của bản thân.
Tại hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ đầu năm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc cơ cấu lại việc làm, thúc đẩy thị trường lao động phát triển trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm nói: "Chúng ta đã nói rất nhiều về việc chuẩn bị "tổ" cho "đại bàng", điều này rất đúng, rất nên làm. Nhưng tại sao chúng ta ít đề cập tới kế hoạch chuẩn bị những "cánh rừng", những "cánh đồng" cho các "đàn ong" lấy hoa làm mật?
Tại sao chúng ta chưa đưa ra các chỉ tiêu tạo ra việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực? Giai đoạn tới sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và 100.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Vậy Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó? Chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thị trường việc làm?"
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 53,2 triệu người, tăng hơn 625.000 người so với năm 2023. Thị trường lao động ổn định với 51,9 triệu lao động có việc làm, tăng 585.000 nghìn người (tương đương tỷ lệ tăng 1,14%) so với năm trước. Con số trên cho thấy, mỗi năm có thêm cả triệu vị trí việc làm. Từ đó, ông Doanh cho rằng, số lượng 100.000 cán bộ tinh giản, thị trường lao động vẫn đủ khả năng hấp thụ.
Vị chuyên gia này kỳ vọng, với kinh nghiệm, lực lượng này sẽ thành lập những doanh nghiệp tư nhân hoặc tham gia vào các công ty tư vấn, công ty về giáo dục đào tạo… tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Ông Doanh cũng cho rằng, những cán bộ tinh giản khi đã quyết ra khỏi khu vực nhà nước sẽ có đủ ý chí, đủ quyết tâm để bắt đầu một "khởi nghiệp" mới một cách độc lập.
Còn theo ông Lê Quang Trung (nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), những người về hưu trước tuổi khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh giản bộ máy ở các đơn vị Nhà nước thì hầu hết là những người có ưu thế, thuận lợi về đào tạo và đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và có kỹ năng, tác phong làm việc, sức khỏe, am hiểu pháp luật... và luôn có tâm thế mong muốn sớm có việc làm... để tham gia thị trường lao động.
Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, nhóm này cũng gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi vị trí việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp và những thiếu hụt của bản thân để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Từ đó, vị chuyên gia này gợi mở, cùng với các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 178, rất cần có các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành và các đơn vị, doanh nghiệp để người thôi việc sớm có việc làm và việc làm phù hợp.
Một số gợi ý về giải pháp để hỗ trợ nhóm đối tượng này theo ông Trung đó là rà soát, đánh giá về trình độ đào tạo và nhu cầu đào tạo bồi dưỡng, khả năng làm việc, nguyện vọng cá nhân trong việc đào tạo và việc làm của từng người thôi không làm việc do thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh giảm, bộ máy.
Tiếp đó, cần có một chương trình hay dự án hỗ trợ việc làm cho những người thôi không làm việc do thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh giảm, bộ máy để thích ứng với thị trường lao động trong một giai đoạn nhất định; trong đó xác định rõ đối với từng đối tượng, từng hoạt động hỗ trợ, điều kiện để thực hiện từng hoạt động, đơn vị thực hiện, kết quả thực hiện.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm và thu hút thêm lao động cho những người thuộc đối tượng này.
Cùng với đó là việc nghiên cứu và ban hành các chính sách, biện pháp hỗ trợ đối với những người lớn tuổi, phụ nữ, khó tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã từng được đào tạo...