pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghị lực phi thường của cô gái mắc bệnh hiểm nghèo và cái kết có hậu của chuyện tình cổ tích
Khó khăn không lùi bước
Anh chị gặp nhau lần đầu tiên trong "Kết nối đỏ", một câu lạc bộ do bệnh nhân tan máu bẩm sinh thành lập. Trong nhiều hoạt động của nhóm, anh luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt với chị, cô gái có khuôn mặt hiền dịu, hơi xanh xao và dáng người nhỏ nhắn. Mặc dù nhiều hơn anh vài tuổi nhưng sự ân cần của anh đã khiến trái tim chị rung động. Qua tâm sự, chị biết anh mặc cảm về hoàn cảnh của bản thân do kinh tế chưa vững vàng, nhiều lần đắn đo khi muốn bày tỏ tình cảm với chị.
"Một lần tôi bị ngã gãy chân, anh hay sang giúp đỡ và giặt cả quần áo cho tôi, từ đó tình cảm cứ lớn dần lên. Bỗng một ngày, anh hỏi liệu tôi có chấp nhận tình cảm của một người như anh không rồi anh nói: "Nếu chị không chê em nghèo, thì chị yêu em đi". Lúc đó, tôi không dám trả lời vì bản thân tôi bị bệnh, không muốn ai khổ vì mình. Nhưng anh cứ thế kiên trì cho đến khi tôi hiểu rằng trong tình yêu không chỉ nhìn vào việc mình có xứng đáng với người kia hay không, mà quan trọng nhất vẫn là sự rung động, sự quan tâm, chia sẻ và cảm thông với nhau để cùng chung bước", chị Thoan xúc động nhớ lại.
Trước khi nhận lời yêu anh, chị Thoan đã quyết định mở một cửa hàng giặt là cho những bệnh nhân đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nơi chị cũng đang điều trị. Quá trình mở cửa hàng ban đầu gặp nhiều khó khăn, sức khỏe của chị lại yếu nên anh luôn ở bên động viên, giúp đỡ chị, từ vận chuyển đồ đến chuyển nhà trọ và nhiều việc khác. Khi hiệu giặt vận hành, chị lại tự mình đi thu gom quần áo của bệnh nhân, chở xe máy về giặt. Ban ngày, chị đi chuyển hàng, trưa thì mang nước mía vào viện bán, tối giặt quần áo... Anh thương chị nên tối tối đều sang giúp chị phân loại quần áo, đến 11h đêm anh lại đạp xe về.
Dần dần tình cảm của anh chị sâu đậm hơn nhưng chị vẫn chưa sẵn sàng để đi đến hôn nhân. Đến 2 năm sau, chị mới quyết định đưa anh về ra mắt gia đình và làm đám cưới đơn giản, ấm cúng. Tình yêu đến với chị Thoan như một câu chuyện cổ tích với nhân vật chính là một "nàng Lọ Lem" ốm đau, bệnh tật. Tuy không gặp được chàng hoàng tử trong cung điện giàu sang nhưng ấm áp tình yêu thương.
Chị Thoan phát hiện bệnh tan máu bẩm sinh năm 11 tuổi và phải sống chung với căn bệnh đó đến giờ. Gia đình chị nghèo, bố mẹ chị đã phải đi vay mượn tiền để chữa bệnh cho con. Nợ cũ chồng nợ mới, cả nhà vì chị mà điêu đứng, các anh chị em cũng chịu khổ lây vì gia đình luôn thiếu thốn. Vay mãi người thân, bạn bè rồi cũng không còn chỗ để vay, bố chị đành tìm đến ngân hàng vay tiền để chữa bệnh cho chị.
"Năm tôi học xong lớp 9 muốn được đi học cấp 3 nhưng do sức khỏe yếu và nhà không có tiền nên tôi phải nghỉ học. Khi đó, tôi rất bi quan khi nghĩ về số phận của mình. Cuộc sống vật vờ với thân hình gầy, xanh như lá do bệnh tật, lại bị kỳ thị nên tôi luôn sống khép mình, không dám giao tiếp với ai. Hàng ngày, tôi ở nhà nấu cơm, nuôi lợn, giúp bố mẹ làm việc nhà, mỗi năm bố đưa đi viện một lần, về nhà thấy khỏe hơn thì lại cố gắng sống tốt hơn để không phụ lòng bố mẹ. Tôi cứ thế lớn lên, dù cơ thể phát triển chậm hơn các bạn cùng trang lứa nhưng vẫn cảm nhận được sự cô đơn khi các bạn có người yêu đi chơi vui vẻ còn mình không. Nhưng rồi tôi nghĩ bản thân cần có việc làm, kiếm được tiền để vừa chữa bệnh cho mình, vừa để bố mẹ không phải vất vả nữa. Tôi đã làm nhiều công việc, từ làm công nhân may, đi ship hàng, bán hàng nước... nhưng cũng rất khó khăn do sức khỏe yếu. Cuối cùng, tôi quyết định lên Hà Nội xin việc để tiện đi bệnh viện điều trị. Tôi bán hàng ăn, dọn dẹp theo giờ, rửa bát thuê, bán bánh khoai... Dù có vất vả bao nhiêu, được sống có ý nghĩa, có trách nhiệm với chính cuộc đời mình là hạnh phúc rồi", chị Thoan kể lại.
Tuổi thơ ốm yếu, bệnh tật, nghèo khó là thế nhưng chị vẫn cố gắng vươn lên. Ngay cả khi gặp được anh Phát, chị vẫn không dựa dẫm vào anh mà tự tạo cho mình một công việc ổn định, cùng anh hướng tới tương lai.
Tình yêu là động lực sống
Chị chia sẻ rằng, anh là động lực sống của chị vì anh chấp nhận lấy và yêu thương một người bệnh như chị. Anh luôn yêu thương, làm mọi việc để chị được nghỉ ngơi nhiều hơn. Sau khi kết hôn, chị thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn, có nhiều thứ để quyến luyến, để yêu thương, để có trách nhiệm với bản thân và gia đình mình hơn.
Anh Phạm Phú Phát tham gia hiến máu từ năm 18 tuổi, đến nay anh đã có tổng cộng 50 lần hiến máu. Anh cùng chị tham gia nhiều chương trình thiện nguyện để cùng sống tốt và làm việc có ý nghĩa cho cộng đồng. Đối với anh chị, câu lạc bộ tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo như là ngôi nhà thứ hai của anh chị.
Qua câu chuyện mình, chị Phạm Thị Thoan muốn chia sẻ tới những bệnh nhân như chị, rằng ai cũng có quyền được yêu thương, được chia sẻ, đừng vì mặc cảm, hoàn cảnh, bệnh tật mà sống khép mình hay suy nghĩ bi quan. Chị Thoan mong muốn mọi người hãy sống tốt và có trách nhiệm với cộng đồng để chiến đấu với bệnh tan máu bẩm sinh. Khi có suy nghĩ tích cực thì mọi thứ tốt đẹp sẽ đến.