pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghiên cứu đưa chỉ tiêu thúc đẩy phụ nữ tham chính vào văn bản pháp quy
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (nay là Uỷ ban Xã hội) của Quốc hội.
Đánh giá về vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội là sự đóng góp quan trọng. Không chỉ đối với xã hội mà ngay trong gia đình, phụ nữ cũng là chỗ dựa vững chắc. Điều này càng thể hiện rõ trong bối cảnh chúng ta đang gồng mình chống dịch Covid-19 như chống giặc, thực hiện "mục tiêu kép".
Thực tiễn ở Việt Nam, phụ nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động và tham gia mọi mặt của đời sống xã hội; là lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần. Với truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phụ nữ luôn là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, là minh chứng sinh động và tiếp tục được khẳng định một cách rõ nét hơn bao giờ hết.
Để người phụ nữ đảm đương được vai trò của mình, đồng thời phát huy được hết khả năng bản thân, yếu tố tự thân của mỗi phụ nữ là rất quan trọng. Chỉ khi nào tính tích cực, chủ động của người phụ nữ được khơi dậy, phụ nữ mới vừa có thể đảm đương tốt công việc ngoài xã hội, vừa duy trì được mối quan hệ gia đình bền chặt, một tổ ấm hạnh phúc.
- Theo ông, những rào cản với phụ nữ tham chính hiện nay là gì?
TS Bùi Sỹ Lợi: Hiện nay, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền ở một số bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, còn chưa thực chất, chưa thật sự sát sao, chưa quan tâm đúng mức cho công tác bình đẳng giới tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Một số giải pháp đặt ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, chưa có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức chưa nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Đội ngũ cán bộ nhìn chung còn thiếu về số lượng, hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu kinh nghiệm trong tổ chức triển khai nhiệm vụ. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới của các cấp, các ngành và bản thân người phụ nữ, nam giới còn hạn chế, chưa hiệu quả. Sự đầu tư bài bản cả về nhân lực và vật lực còn hạn chế. Chúng ta đang thiếu các quy trình chuẩn, tiêu chuẩn hóa về bình đẳng giới làm cơ sở để xã hội hóa công tác này. Chừng nào, việc đảm bảo bình đẳng giới và quyền con người của phụ nữ chưa được quan tâm thực chất thì chưa thể đem lại hiệu quả thực tế.
Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng là phụ nữ không tự ti, luôn vươn lên trong học tập, rèn luyện bản thân và sẵn sàng đảm nhận trọng trách được phân công; không ngừng quan tâm giúp đỡ, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ nữ tham gia các hoạt động chính trị.
- Làm thế nào để thúc đẩy phụ nữ tham chính ở Việt Nam, thưa ông?
TS Bùi Sỹ Lợi: Trong giai đoạn hiện nay, với những thách thức mới từ quá trình toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, các vấn đề an ninh phi truyền thống như các dịch bệnh mới nổi... đòi hỏi chúng ta phải xem xét, đánh giá lại các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện vấn đề bình đẳng giới và quyền phụ nữ tham chính. Làm sao để các yếu tố này đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, đi vào thực chất hơn, bền vững hơn, phù hợp với xu hướng hội nhập với thế giới.
Ngoài ra, cần thể chế hóa các chỉ tiêu thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, gắn với mục tiêu bình đẳng giới được xác định trong Luật Bình đẳng giới, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, hài hòa với các chỉ số đánh giá bình đẳng giới của quốc tế. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đưa một số chỉ tiêu thúc đẩy phụ nữ tham chính vào các văn bản quy phạm pháp luật thích hợp để tăng cường việc thực thi chính sách.
"Nữ đại biểu Quốc hội có sự nhạy cảm đặc biệt trong việc quan sát và thấu hiểu cuộc sống. Trên nghị trường, nhiều nữ đại biểu Quốc hội đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất thiết thực, xác đáng để chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Họ có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề có thể tác động đến xã hội, những vấn đề liên quan đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương như người già, người khuyết tật, trẻ em... từ đó đưa ra các khuyến nghị, kiến nghị phù hợp. Chính điều này đã giúp nữ đại biểu Quốc hội đóng góp tích cực vào việc bảo đảm sự công bằng, bao trùm trong các chính sách, pháp luật được trình Quốc hội. Với sự tinh tế và nhạy cảm, họ không chỉ suy nghĩ bằng lý lẽ mà còn bằng sự thấu hiểu, giúp cho mỗi chính sách, mỗi quy định pháp luật không chỉ hợp lý mà còn hợp tình", bà Lê Thị Nguyệt, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội)
Việc đảm bảo sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong các hoạt động chính trị-xã hội không chỉ giúp nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và tiến bộ lâu dài của xã hội.
Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đặt ra, giải pháp nhằm thúc đẩy phụ nữ tham chính trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 8/2021.
Mọi ý kiến xin gửi về toà soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com.