Nghiên cứu đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc

Hải Yến
23/05/2022 - 11:18
Nghiên cứu đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Quochoi.gov.vn

Sáng 23/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã khai mạc. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) những tháng đầu năm 2022.

Công tác bảo vệ trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới được chú trọng

Tình hình KTXH những tháng cuối năm 2021 phục hồi rõ nét và có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2021. 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021. Một số chỉ tiêu KTXH đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội.

Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, kinh tế trong nước mở ra trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề cho phục hồi và phát triển KTXH.

Về phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới. Đến ngày 15/5/2022 đã tiêm chủng trên 217 triệu liều; 100% người thuộc diện tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 59,6%; 100% trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm 1 mũi, 96,4% tiêm 2 mũi; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm 1 mũi đạt 29,9%. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát

Về kinh tế, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,1%, Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Tính chung 4 tháng có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ.

Về văn hóa, xã hội và môi trường, Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 49,6 triệu lượt người lao động, 728,4 nghìn lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 81,6 nghìn tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại, tổ chức SEA Games 31 được thực hiện chu đáo, an toàn, thành công. Đoàn thể thao Việt Nam dẫn đầu các nước đoạt huy chương vàng và tổng các loại huy chương.

Các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm; công tác chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới được chú trọng.

Nghiên cứu đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã khai mạc vào sáng 23/5

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% - 6,5% là thách thức rất lớn

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn và thách thức. Cu thể: hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH triển khai còn chậm. Các lĩnh vực y tế, giáo dục còn một số hạn chế. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và đại dịch COVID-19.

Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% - 6,5% là thách thức rất lớn.

Chính phủ quyết tâm tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi nhanh, phát triển KTXH bền vững. Chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát;

Nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông.

Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện tốt công tác chăm sóc người cao tuổi, bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em. Chú trọng thực hiện các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm