pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghiên cứu loại vaccine làm giảm nguy cơ tái phát ung thư thận

Ảnh minh họa
"Huấn luyện" hệ thống miễn dịch tấn công tế bào ung thư
TS. Toni Choueiri, đồng tác giả cấp cao và đồng nghiên cứu viên chính, Giám đốc Trung tâm Ung thư Tiết niệu Lank tại Viện Ung thư Dana-Farber, cho biết: "Bệnh nhân ung thư thận giai đoạn 3 hoặc 4 có nguy cơ tái phát cao. Các công cụ hiện tại để giảm thiểu rủi ro này vẫn chưa hoàn hảo và chúng tôi vẫn đang tìm kiếm những công cụ hiệu quả hơn".
Sau khi trải qua phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính, 9 bệnh nhân tham gia nghiên cứu đã được tiêm vaccine, với mục tiêu "huấn luyện" hệ thống miễn dịch để nhận diện và tấn công những tế bào ung thư còn sót lại.
Vaccine được thiết kế riêng biệt, tùy chỉnh theo loại khối u của bệnh nhân, dựa trên các tế bào ung thư được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật. Các tế bào này chứa neoantigen - một loại kháng nguyên đặc hiệu hiện diện trên bề mặt tế bào ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thuật toán để xác định loại neoantigen tối ưu, giúp vaccine kích thích phản ứng miễn dịch mạnh nhất. Ngoài ra, 5 bệnh nhân trong nhóm còn được dùng ipilimumab, một loại thuốc hỗ trợ miễn dịch.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, cả 9 bệnh nhân đều có phản ứng miễn dịch chống ung thư thành công. Sau trung bình 34,7 tháng theo dõi, tất cả bệnh nhân đều không còn dấu hiệu ung thư.
Đặc biệt, chỉ trong vòng 3 tuần sau khi tiêm vaccine, số lượng tế bào T, loại tế bào miễn dịch giúp tiêu diệt ung thư, đã tăng hơn 166 lần. Nghiên cứu cũng cho thấy, các tế bào T có thể tồn tại trong cơ thể bệnh nhân suốt 3 năm và tiếp tục tấn công tế bào ung thư nếu chúng xuất hiện.
Đối với hầu hết bệnh nhân ung thư thận giai đoạn 3 hoặc 4, phương pháp điều trị tiêu chuẩn hiện nay là phẫu thuật cắt bỏ khối u, sau đó sử dụng thuốc miễn dịch Pembrolizumab (Keytruda).
Theo Viện Ung thư Dana-Farber, Pembrolizumab giúp kích thích phản ứng miễn dịch, giảm nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, khoảng 2/3 bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát và gặp hạn chế trong các lựa chọn điều trị.
TS. David A. Braun, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Ung thư Yale và Trường Y Yale, nhấn mạnh rằng phương pháp thử nghiệm trong nghiên cứu này thực sự khác biệt so với các nỗ lực phát triển vaccine trước đây cho ung thư thận.
"Chúng tôi lựa chọn các mục tiêu đặc hiệu cho ung thư, khác hoàn toàn so với bất kỳ bộ phận bình thường nào của cơ thể. Điều này giúp hệ miễn dịch được định hướng một cách chính xác để tấn công tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh.
Chúng tôi tin rằng, công trình này sẽ đặt nền móng cho sự phát triển của vaccine tân kháng nguyên trong điều trị ung thư thận", TS. Braun giải thích.
Phương pháp điều trị đầy hứa hẹn
Bác sĩ Charles Nguyễn, chuyên gia ung thư thận tại City of Hope, Quận Cam, California (Mỹ), cho biết ung thư thận là 1 trong 10 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ tại Mỹ.
Ông nhận định: "Đây là một phương pháp đầy hứa hẹn. Nếu tiếp tục phát triển, chúng ta có thể tiến gần hơn đến mục tiêu chữa khỏi ung thư thận cho tất cả bệnh nhân. Thử nghiệm lâm sàng này rất đáng chú ý vì nó đánh giá một loại vaccine ung thư được cá nhân hóa.
Vaccine sử dụng thông tin di truyền từ khối u của từng bệnh nhân để huấn luyện hệ miễn dịch nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư, giúp ngăn chặn nguy cơ tái phát", ông giải thích.
Mặc dù đây là một nghiên cứu nhỏ, kết quả rất tích cực nhưng một số bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ nhẹ, như phản ứng tại chỗ tiêm và có triệu chứng giống cúm. Ngoài ra, một số bệnh nhân trong nghiên cứu đang trong giai đoạn ung thư di căn.
Để đánh giá đầy đủ hiệu quả của vaccine, các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn đang được lên kế hoạch thực hiện, mở ra hy vọng mới trong "cuộc chiến" chống ung thư thận.