"Nhà trọ 0 đồng" - Điểm tựa cho bệnh nhân ung thư

"NHÀ TRỌ 0 ĐỒNG" - ĐIỂM TỰA CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ

Gần Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều (Hà Nội) có một mái nhà đặc biệt mang tên "Nhà trọ 0 đồng". Đó không chỉ là nơi che nắng, tránh mưa mà còn là điểm tựa tinh thần, giúp những bệnh nhân ung thư bớt đi phần nào gánh nặng trên hành trình chiến đấu với bệnh tật.

Ngôi nhà của lòng nhân ái

Cách Bệnh viện K cơ sở Tân Triều khoảng 800 mét, ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (SN 1979) nằm tại số 65, ngõ 4 Cầu Bươu (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là chốn dừng chân của những bệnh nhân ung thư nghèo và người nhà đi chăm bệnh suốt nửa năm qua. 

Từ tháng 9/2024, chị Oanh đã quyết định bỏ hơn 100 triệu đồng để cải tạo tầng 1 ngôi nhà của mình thành nhà trọ 0 đồng. Để vận hành nơi này, mỗi tháng chị Oanh phải chi khoảng 1 triệu đồng, bao gồm tiền điện, nước. 

Căn phòng không quá rộng nhưng luôn gọn gàng, với 4 chiếc giường tầng đủ chỗ cho 16 người. Những bệnh nhân tìm đến đây đều mang trong mình nỗi lo về tài chính nhưng khi trọ tại căn nhà này, họ tìm thấy sự sẻ chia từ chủ nhà và những người đồng cảnh ngộ. 

"Ở đây, ai đến trước thì nằm trước, ai đi trước thì dọn chỗ gọn gàng cho người đến sau. Mọi người sống với nhau như một gia đình, nương tựa và động viên nhau mỗi ngày", chị Oanh chia sẻ.

Nhiều bệnh nhân đến đây với hai bàn tay trắng và điều họ nhận được không chỉ là một chỗ ngủ mà còn cả những bữa cơm miễn phí, sự quan tâm ân cần của chủ nhà. Một số người còn được hỗ trợ tiền xe đi lại, thuốc men, quần áo. 

Những bệnh nhân đến với nhà trọ 0 đồng này không chỉ đối mặt với bệnh tật mà còn với nỗi lo chi phí điều trị, phí sinh hoạt. Thế nhưng, chính trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tình người lại tỏa sáng. 

Có những buổi tối, mọi người trong nhà trọ cùng nhau ngồi tâm sự, động viên nhau cố gắng. Những tiếng cười, giọt nước mắt, những cái nắm tay động viên trở thành nguồn sức mạnh vô hình giúp họ kiên trì chống chọi với bệnh tật.

Chị Oanh vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ chị đã thấm thía cảnh cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. 

Những người đến đây ai cũng khó khăn cả. Mình giúp được gì thì giúp, không lấy tiền bạc gì hết, chỉ mong họ có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng để có sức chữa bệnh”.

Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, chủ nhà trọ 0 đồng

"Tôi từng trải qua những ngày bụng đói cồn cào, cái lạnh thấu xương khi phải ngủ ngoài đường, nên tôi thấu hiểu nỗi khổ ấy. Từ tháng 9/2024 đến nay, có khoảng 100 bệnh nhân đã đến ở nhà tôi", chị Oanh nói.

"Vào đây mới biết quanh mình còn nhiều người tốt"

Bé Nhím (6 tuổi, quê Nam Định) ôm chầm lấy mẹ nói: "Mẹ ơi, hôm nay con không phải ngủ ngoài hành lang nữa rồi!" khi 2 mẹ con bước vào phòng trọ 0 đồng. Trước khi đưa con tới đây, chị Nhung, mẹ của Nhím, không nghĩ rằng nhà trọ miễn phí lại được trang bị đầy đủ giường, chăn ga gối đệm sạch sẽ và các vật dụng sinh hoạt như vậy. 

"Nhà trọ 0 đồng" - Điểm tựa cho bệnh nhân ung thư- Ảnh 1.

Căn phòng trọ miễn phí có 4 giường hai tầng, chứa được 16 người

Chị Nhung đưa con gái lên Hà Nội chữa bệnh tại Bệnh viện K từ tháng 2/2025. Không còn tiền thuê phòng, 2 mẹ con chỉ biết co ro ngoài hành lang bệnh viện. Nhưng rồi, một bệnh nhân cùng phòng đã giới thiệu cho chị "nhà trọ 0 đồng" - nơi những bệnh nhân ung thư nghèo có thể tá túc miễn phí trong suốt quá trình điều trị. 

"Nghe tin có chỗ ở miễn phí, tôi không tin vào tai mình nữa. Đến khi dọn vào đây, tôi mới biết hóa ra giữa thành phố tấp nập này vẫn còn nhiều người tốt đến thế…", chị Nhung rưng rưng nói.

Căn nhà nhỏ của chị Oanh trước đây là nơi buôn bán của gia đình nhưng chị đã quyết định dành tầng 1 làm chỗ ở miễn phí cho bệnh nhân ung thư. Họ đến từ nhiều nơi: Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… Hành trang mang theo của họ là những túi quần áo cũ.

Ngồi ở góc phòng trọ, bà Nguyễn Thị Hoa (62 tuổi, quê Hòa Bình) lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ. Bà vừa kết thúc một đợt truyền hóa chất và đang nghỉ ngơi trước khi vào bệnh viện tái khám. Bà kể, từ ngày phát hiện mình bị ung thư vú, gia đình bà gần như kiệt quệ về tài chính. 

Hai năm nay, bà đi bệnh viện như cơm bữa, có những ngày chỉ dám ăn gói mì tôm để tiết kiệm tiền mua thuốc. "Giờ mà đi thuê trọ thì không còn tiền để vào viện mất. May có chỗ này, tôi mới có thể tiếp tục đi bệnh viện điều trị", bà Hoa nói.

Ngồi gần đó, anh Hoàng Văn Hiệp (34 tuổi, quê Sơn La) đang bón cháo cho con trai. Cậu bé 4 tuổi bị ung thư máu, được truyền hóa chất suốt 6 tháng qua. Hai cha con anh Hiệp từng nhiều lần phải trải chiếu ngủ ngoài sân bệnh viện. 

"Có những đêm Hà Nội lạnh, tôi phải ôm con thật chặt, sợ nó bị nhiễm lạnh mà sốt lên. Nhưng giờ thì không còn lo nữa rồi, hai cha con có chỗ ngủ đàng hoàng, có cơm ăn, có cả những người cùng cảnh ngộ để chia sẻ", anh Hiệp nói, mắt ánh lên niềm biết ơn.

"Giúp đỡ người khác không chỉ là trách nhiệm…"

Anh Lý Văn Thương (28 tuổi, đến từ Thái Nguyên) là bệnh nhân ung thư đại tràng. Gia đình khó khăn, con còn nhỏ, trước đây, anh Thương chỉ dám thuê phòng trọ với giá 100.000 đồng/đêm, ban ngày thì anh đi xin cơm từ thiện. 

"Nhà trọ 0 đồng" - Điểm tựa cho bệnh nhân ung thư- Ảnh 2.

Nhờ phòng trọ 0 đồng của chị Oanh mà anh Thương tiết kiệm được 1-2 triệu đồng, vợ con của anh ở quê cũng đỡ vất vả lo tiền điều trị cho anh

Những ngày lạnh, bệnh ung thư hành hạ, căn phòng trọ đơn sơ càng khiến anh thêm suy kiệt. Biết đến khu trọ miễn phí, anh Thương lập tức gọi điện trình bày hoàn cảnh và được chị Oanh nhận vào ở. 

"Tôi không ngờ không mất một đồng nào mà lại có nơi ở sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi như vậy. Nhờ chị Oanh mà mỗi lần xuống Hà Nội điều trị, tôi tiết kiệm được 1-2 triệu đồng, vợ con ở quê cũng đỡ khổ phần nào", anh Thương nói.

Mỗi người trong phòng trọ 0 đồng này đều có nỗi niềm riêng nhưng họ có chung một thứ: Khát vọng sống. Giữa những ngày tháng chiến đấu với bệnh tật tưởng như bế tắc, họ tìm thấy niềm hy vọng giữa tình người. 

Nhà trọ 0 đồng này đã giúp họ có thêm sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật. Đó không chỉ là mái nhà che nắng, che mưa mà là nơi sưởi ấm lòng người bởi sự nhân ái, sẻ chia.

Ngoài khu trọ miễn phí, chị Oanh còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Từ năm 2020, chị lập Câu lạc bộ thiện nguyện, mở bếp ăn miễn phí trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, hỗ trợ các khu cách ly, giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương. 

Hàng năm, chị vào Tây Nguyên hỗ trợ đào giếng nước sạch cho bà con, hay hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Dù bận rộn, chị vẫn dành thời gian xuống khu trọ trò chuyện, động viên bệnh nhân, tư vấn cho họ về chế độ ăn uống, khuyên họ tránh mua thực phẩm chức năng không cần thiết. 

"Tôi chưa bao giờ nghĩ việc mình làm là lớn lao. Nhưng tôi tin, những điều nhỏ bé này có thể mang lại ý nghĩa", chị tâm sự.

Gia đình từng phản đối, cho rằng chị "hâm" khi lo chuyện thiên hạ nhưng chị vẫn kiên định, bởi với chị, giúp đỡ người khác không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm hạnh phúc. 

Ước mơ lớn nhất của chị Oanh là một ngày nào đó có thể xây dựng một viện dưỡng lão miễn phí cho người già neo đơn, để họ có nơi nương tựa và sống vui vẻ trong những năm tháng cuối đời.

VĂN LONG (thực hiện)