pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngoại hình, tài năng hay thị hiếu cái đẹp?
Megan Rapinoe, “ngôi sao” bóng đá kiêm nhà vận động bình đẳng giới, là 1 trong 7 “gương mặt” được Victoria’s Secret “chọn mặt gửi vàng” cho tầm nhìn thương hiệu mới của hãng
Những hành động tưởng nhỏ nhặt nhưng mang thông điệp bình quyền sâu sắc về việc coi trọng tài năng thực sự của mỗi cá nhân chứ không phải đánh giá qua hình thức, trang phục của họ.
Những cú "chuyển mình"
Hồi đầu tháng 10/2021, hãng hàng không tư nhân của Ukraine SkyUp Airlines quyết định thay đổi đồng phục, theo hướng loại bỏ yếu tố "bảo thủ" về vẻ ngoài của nữ tiếp viên. Đồng phục từ giày cao gót và váy chuyển thành giày thể thao Nike trắng, phối với bộ vest màu cam, áo blouse được thay bằng áo phông trắng. Ngoài ra, kiểu tóc búi cao hoặc tóc đuôi ngựa trước đó cũng được thay thế thành tóc thắt bím.
Trước đó, năm 2019, hãng hàng không Virgin Atlantic của Anh cũng thay đổi quy định khi không bắt buộc nữ tiếp viên phải trang điểm, đồng thời cung cấp thêm quần âu như đồng phục tiêu chuẩn. Cũng trong năm này, hãng hàng không Norwegian Air của Na Uy đã bỏ chính sách yêu cầu tiếp viên nữ phải đi giày cao gót và trang điểm khi làm việc ngoài máy bay.
Còn trong lĩnh vực thể thao, tháng 7/2021, trong trận đấu tại giải vô địch châu Âu ở Bulgaria, đội bóng ném nữ của Na Uy đã chọn mặc quần đùi thay vì bikini để thoải mái thi đấu và tránh lộ phần nhạy cảm. Điều này là trái với quy định về đồng phục và đội bị phạt 1.500 euro (tương đương khoảng 40,8 triệu đồng) bởi Liên đoàn bóng ném châu Âu. Ngay lập tức, sự việc thu hút sự chú ý từ dư luận. Trong đó, ca sĩ Pink lên tiếng ủng hộ đội tuyển nữ Na Uy, còn Liên đoàn Bóng ném Na Uy cho biết, họ sẽ thay đội tuyển nộp tiền phạt.
Một tháng sau, tại Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản), đội tuyển thể dục dụng cụ nữ của Đức gây chú ý khi chọn đồ thi đấu liền thân màu đỏ trắng, che phủ toàn bộ chân vận động viên, thay vì bikini với tuyên bố chống "tình dục hóa" phụ nữ trong thể thao.
Năm 2018, diễn viên Kristen Stewart đã tháo giày cao gót giữa thảm đỏ liên hoan phim Cannes hay năm 2016, diễn viên Julia Roberts đi chân trần trên thảm đỏ Cannes như một lời phản đối cho quy định ngầm tất cả phụ nữ phải mang giày cao gót khi tham dự sự kiện này.
Liên quan đến việc đội tuyển bóng ném Na Uy mặc quần đùi, ngày 1/11/2021, Reuters đưa tin Liên đoàn Bóng ném Quốc tế đã thay đổi các quy định liên quan đến đồng phục, cho phép nữ cầu thủ mặc quần đùi thay vì bikini sau những phàn nàn rằng, quy định trước đó là phân biệt giới tính.
Xây dựng hình mẫu phụ nữ mới
Năm nay, hãng nội y nổi tiếng Victoria’s Secret cũng đã quyết định "tạm biệt" các "thiên thần" nội y với thân hình hoàn hảo và thay đổi tầm nhìn thương hiệu. Những gương mặt mới được hãng "chọn mặt gửi vàng" gồm 7 phụ nữ không theo chuẩn mực trong quá khứ. Đó là Megan Rapinoe, "ngôi sao" bóng đá kiêm nhà vận động bình đẳng giới; Eileen Gu, vận động viên trượt tuyết người Mỹ gốc Hoa; Paloma Elsesser, người mẫu ngoại cỡ; Priyanka Chopra, Hoa hậu Thế giới 2000; Amanda deCadenet, nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia; "sao" nữ chuyển giới Valentina Sampaio và Adut Akech, người mẫu da màu gốc Nam Sudan. Với sự "thay máu" này, Victoria’s Secret mong muốn đưa lời khuyên về phong cách sống hữu ích cho phụ nữ, góp phần định nghĩa lại khái niệm "gợi cảm" cũng như xóa bỏ sự kỳ thị đối với phụ nữ thân hình quá khổ.
Có thể thấy, ngày càng có nhiều cái nhìn cởi mở hơn về hình mẫu phụ nữ mới: Ít khắt khe về tính nữ, chú trọng đến sự lành mạnh hơn là vẻ đẹp tiêu chuẩn chạy theo sự độc hại. Đóng góp cho những bước tiến đáng kể này, ngoài những làng "mốt" hàng đầu thế giới, những người nổi tiếng, còn có những người phụ nữ bình thường nhưng dũng cảm, dám đứng lên thể hiện tiếng nói của mình, chứng minh sự bình quyền.