pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lần đầu tiên Việt Nam có Chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới
Thanh niên với hoạt động nhảy để vận động phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Ảnh minh họa KT
Theo Bộ LĐ-TB&XH, truyền thông được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.
Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương, đã có nhiều cố gắng trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Đặc biệt, việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng, quan tâm, chung tay vào cuộc của người dân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.
Chương trình sẽ phát huy ưu điểm, những cách làm hay, có hiệu quả, khắc phục những bất cập, hạn chế; cải tiến nội dung, phương pháp, hình thức, công nghệ truyền thông cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền, nhằm thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các chủ trương, chính sách khác về bình đẳng giới và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đề ra những nhiệm vụ và giải pháp tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời , đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông.
Đặc biệt, mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông…
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, nhân rộng các mô hình truyền thông về bình đẳng giới có hiệu quả.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ của Chương trình.
Trong đó, đưa nội dung bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy chính thức của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức giới, bình đẳng giới cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và học viên trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cho đội ngũ cán bộ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và cán bộ cơ quan quản lý lao động tại địa phương…
Năm mục tiêu của Chương trình
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm.
Phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10 - 15% so với năm 2025.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông.
Đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.
Hằng năm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ít nhất 02 cuộc.