Những ngày đầu năm mới, trong dịp về nguồn làm lễ dâng hương tại đền nguyên Phi Ỷ Lan (Gia Lâm, Hà Nội), chúng tôi được nhà Đền chiêu đãi món bánh đúc nhân lạc chấm tương.
Ra về, ai cũng xuýt xoa, tấm tắc khen món ăn bình dân mà thấm đến tận tâm can. Quả là món bánh đúc ngon thật, vừa ý nghĩa, vừa thanh tịnh thật khó quên. Tôi lại nhớ đến món bánh đúc nhân lạc chấm với tương của bà và mẹ năm xưa...
Thời bao cấp, cả nhà tôi làm nông nghiệp, quê lại xa miền biển nên nước mắm với gia đình tôi là điều xa xỉ lắm. Thỉnh thoảng có ai đó đi đâu về biếu ông bà tôi chai nước mắm thì quý vô cùng! Chỉ khi nào có khách thì lũ trẻ con chúng tôi mới được thưởng thức “ké” mà thôi. Còn lại quanh năm chủ yếu dùng tương làm nước chấm. Hầu như nhà nào cũng có một chum tương. Chiếc chum khá to, mùa hè các gia đình mang ra giữa sân để phơi, còn mùa đông lại đem vào góc hiên nhà để ăn dần.
Cứ vào đầu hè, khi bắt đầu những đợt nắng nóng, bà nội tôi lại bắt tay vào công cuộc làm tương. Tương được chia làm nhiều công đoạn, đều được bà toàn tâm toàn ý vào làm rất cầu kỳ. Tính tôi cẩn thận nên được bà cho tham gia vào việc làm tương với những công việc đơn giản hơn như: Phơi cơm, rang đỗ, ủ mốc, phụ giúp bà ngả tương.
Dù việc làm tương không khó nhưng chỉ cần sơ suất một chút như trong ngày ngả tương mà để nước lã hoặc nước mưa rơi vào chum hoặc quấy quá kỹ, là tương sẽ bị hỏng hoặc bị nát. Vì thế, khi bà bảo, tương đã vừa ngấu thì bao giờ tôi cũng là người lanh chanh đứng cạnh bà, cùng bà mở nắp chum và nếm thử đầu tiên. Sau đó, cả nhà tôi xúm lại và cùng nếm thử. Khi thấy ông nội gật gù, cả nhà khen ngon, tôi và bà mới thở phào nhẹ nhõm.
Bữa đầu tiên dùng tương của gia đình tôi là ăn với món rau muống luộc. Quê tôi có con sông Cái rất lớn chảy qua thường được người dân làm bè thả rau muống và rau rút. Những ngọn rau vươn dài hướng ra giữa dòng sông ăn giòn, ngọt lại chấm mẻ tương vừa ngấu tới vừa bùi vừa thơm khiến nồi cơm nhanh chóng hết veo khi vẫn còn bốc khói. Thế nhưng, bữa tương thứ hai của gia đình tôi không hè nào thiếu, đó là món bánh đúc lạc. Đã trở thành thông lệ, vì thế, dù bận mấy, mẹ tôi cũng không thể không “ra tay” với món này.
Mẹ tôi cũng cầu kỳ không kém bà tôi. Ngay từ đầu vụ lúa chiêm chín vàng rực cánh đồng, mẹ đã lựa những giống lúa có chất lượng gạo ngon nhất để dành làm món bánh đúc. Khi gạo vừa được xay, giã xong, mẹ lấy đem đãi sạch rồi ngâm với nước vôi trong. Vôi mẹ dùng là vôi bà để ăn trầu nên cũng được tôi rất cẩn thận.
Thông thường, khi có nhà trong xóm tôi vôi, mẹ thường đến xin, lựa cục vôi trắng muốt không có tạp chất, về tôi riêng, để một năm cho khử hết mùi hắc nồng mới đưa bà ăn trầu, khi cần thì nấu bánh đúc. Lạc cũng của nhà trồng được nên mẹ cũng lựa những củ bánh tẻ, to vừa, bóc và đem phơi nắng giòn cho vào hũ đậy kín nên không bao giờ bị mốc.
Mẹ ngâm gạo cho đến khi hạt gạo bở tơi (thường sau 1 đêm) thì mang ra xay lẫn với nước thành bột nước. Mẹ phải xay đi xay lại vài lần đến khi thật nhuyễn mịn, sau đó dùng miếng vải gạc lược qua không còn lắng cặn.
Chiếc nồi gang được láng một chút mỡ nước để bột không dính đáy. Mẹ đổ bột vào, bắc lên bếp đun nhỏ lửa, khuấy thật đều tay và liên tục sao cho bột không vón cục, không khê, không sát nồi. Sau đó, mẹ cho lạc đã luộc chín vào đảo đều. Khi bột trở nên trong mượt, hớt bột lên không còn dính đũa thì mẹ tắt bếp. Mẹ lấy chiếc mẹt nhỏ xinh đổ cả nồi ra, quay tròn, lắc nhẹ cho bột trải đều, tạo thành chiếc bánh đúc rất đẹp mắt.
Khi bột nguội, mẹ dùng chiếc dao nhỏ cắt thành từng miếng vừa ăn. Mẹ ra sân mở chum tương lấy một bát to đem vào chia ra từng chiếc bát nhỏ đề cả nhà cùng chấm, cùng thưởng thức món ăn vô cùng dân dã này. Tiếng xuýt xoa, tấm tắc khen ngon của nội khiến tôi vui lây như thể chính tay mình làm ra vậy.
Tôi vô cùng hân hoan vì không chỉ được thưởng thức món ăn ngon miệng, thanh mát ngày hè mà còn bởi không khí háo hức, sum vầy của cả gia đình, trong đó đong đầy những kỷ niệm của nội tôi, cha tôi giờ đã đi xa mãi.