Tối 5/10, tại tỉnh Bình Dương, Quân Đoàn 4 phối hợp với trường Sĩ quan Lục quân 2 và Binh Đoàn 16 tổ chức đêm giao lưu hát ru, hát dân ca và âm nhạc cổ truyền với chủ đề “”. Đây là hoạt động kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2017).
Thể loại hát ru, hát dân ca vốn kén người nghe. Hiện nay, không phải bạn trẻ nào cũng thích nghe hát ru, dân ca. Tuy nhiên với hình thức sân khấu hóa kết hợp với múa phụ họa, âm thanh, ánh sáng đã khiến cho các tiết mục trong đêm giao lưu trở nên sinh động, hấp dẫn.
Trước giờ khai mạc, Hội trường Quân đoàn 4 đã kín các chỗ ngồi, không khí buổi diễn ngày càng nóng lên. Ai ai cũng háo hức chờ đợi tiết mục văn nghệ theo đúng nghĩa “Lính ta hát, bộ đội ta nghe”. Phía sau cánh gà, những diễn viên không chuyên cũng hồi hộp và lo âu không kém.
Mở đầu chương trình là phần giới thiệu của từng đơn vị tham gia rất sinh động. Thay vì mở màn bằng các bài phát biểu, mỗi đơn vị đã sân khấu hóa lời giới thiệu rất công phu qua làn điệu cải lương “Binh đoàn Cửu Long lũy thép thành đồng” của Quân Đoàn 4; tốp ca nam nữ “chúng tôi là Binh đoàn 16”; hoạt cảnh mẹ Đốp gặp gỡ các nữ chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân 2.
Sau phần giới thiệu, lần lượt từng đơn vị thể hiện tài năng tuyên truyền của mình các làn điệu dân ca, hát ru ở cả 3 miền Bắc – Trung –Nam. Ngồi tập trung theo dõi tiết mục “Cò lả”, Trung úy QNCN Mai Hương chia sẻ: “Rất lâu rồi tôi mới có được nghe lại làn điệu ru con Bắc bộ của quê hương. Nghe những lời ca ấy, tôi càng nhớ lại hời thơ ấu, nhớ ba mẹ nhiều hơn”.
Bên cạnh những điệu hát ru, những bài dân ca quen thuộc như: “dạ cổ hoài lang”, “lời ru sau cơn giông”, “đất nước lời ru”… phụ nữ 3 đơn vị còn có tiết mục tự biên như ru con 3 miền, múa trên nền nhạc “bánh trôi nước”, “lời ru âu lạc”… Và lồng ghép là những lời ca nói về công việc hằng ngày của đơn vị, tuy dung dị, mộc mạc nhưng giàu ý nghĩa.
Đại tá Nguyễn Trần Long, Phó Chủ nhiệm Chính Trị Quân đoàn 4, cho biết: "Đây là hoạt động nhằm khơi dậy và cổ vũ phong trào hát ru, hát dân ca trong phụ nữ Quân đội nói chung và phụ nữ 3 đơn vị tham gia nói riêng. Thành công của chương trình giao lưu còn góp phần giúp chị em thêm hiểu, thêm yêu những giá trị nhân văn từ các khúc hát ru, những làn điệu dân ca truyền thống đặc sắc của dân tộc; đồng thời là cơ sở để thúc đẩy phong trào hát ru, hát dân ca của Hội Phụ nữ Quân đoàn ngày càng đi vào chiều sâu; cũng là nơi gửi gắm tâm tình của chị em phụ nữ".
Có thể nói, trong tâm hồn của người Việt Nam, những làn điệu dân ca, những ca khúc hát ru là một phần của hồn quê. Đặc biệt hơn, khi những làn điệu dân ca được thể hiện từ chính cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ, họ là đội ngũ diễn viên không chuyên. Họ đã diễn tả được hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi thủy chung son sắt, lòng bao dung nhân hậu… góp phần hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người. Từ đó, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của mỗi cơ quan, đơn vị và khu dân cư, tăng thêm sự đoàn kết giữa các đơn vị trên địa bàn đóng quân, tạo sân chơi để cán bộ hội viên phụ nữ.
Dưới đây là trích đoạn tiết mục “Lời ru trên nương” làm rung động trái tim người nghe do một nữ quân nhân Quân đoàn 4 thể hiện: