Người bệnh Thalassemia bớt vất vả vì có phòng khám huyết học vệ tinh

16/05/2017 - 12:50
BV Truyền máu - huyết học TPHCM vừa ký kết triển khai phòng khám huyết học vệ tinh tại BV Đa khoa trung tâm An Giang.
Theo đó, BV Truyền máu – huyết học TPHCM sẽ hỗ trợ chuyên môn cho BV Đa khoa trung tâm An Giang (TP Long Xuyên, An Giang) trong việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh Thalassemia ở An Giang nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Theo BV Truyền máu – huyết học TPHCM, việc triển khai phòng khám huyết học vệ tinh sẽ giúp cho người bệnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đỡ vất vả hơn trong việc đi lại tái khám, giảm bớt được chi phí và giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Ngoài ra, khi thực hiện chương trình chỉ đạo tuyến, các tuyến điều trị cơ sở cũng có cơ hội nâng cao kiến thức về bệnh và sẽ là lực lượng tầm soát người mang gen, tư vấn di truyền và tư vấn tiền sản tốt nhất cho người dân.
benh-nhan.jpg
Bệnh nhân khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ đỡ vất vả hơn trong việc đi lại tái khám nhờ có phòng khám huyết học vệ tinh - Ảnh minh họa
Thalassemia hay còn gọi là bệnh thiếu máu tan máu bẩm sinh là một nhóm những bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Nguyên nhân là do đột biến gen quy định việc sản xuất Hemoglobin, thành phần huyết sắc tố của hồng cầu, dẫn đến hồng cầu bị biến dạng không đáp ứng được chức năng và dễ bị hủy tại gan và lách. Hậu quả của việc hồng cầu dễ vỡ cũng là biểu hiện chính của bệnh là thiếu máu và ứ sắt.

Người bệnh thể nặng có hình thể khá đặc trưng chậm lớn, mũi tẹt, răng hô, xương sọ biến dạng, da xạm, gan, lách lớn. Những người bệnh này phụ thuộc vào việc truyền máu từ khi còn rất nhỏ và tuổi thọ thường rất ngắn (không quá 30 tuổi).

Tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 20.000 người bị Thalassemia thể nặng, mỗi năm có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh Thalassemia.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan ban ngành cần phải quan tâm và xây dựng một chương trình phòng chống Thalassemia toàn diện từ tầm soát người mang gen, tư vấn di truyền, tư vấn tiến sản... để không nhân rộng một thế hệ mới những người mang gen bệnh.
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm