Người bị tiểu đường có uống sữa được không?

Châu Anh (Tổng hợp)
16/04/2025 - 13:35
Người bị tiểu đường có uống sữa được không?

Ảnh minh họa

Sữa là thực phẩm quan trọng trong chế độ ăn uống của nhiều người nhờ là nguồn canxi tuyệt vời. Liệu bị tiểu đường có uống sữa được không? Bị tiểu đường nên uống sữa gì?

Ngoài là nguồn canxi tốt cho sức khỏe thì sữa cũng có thể chứa nhiều chất béo và carbohydrate (chất bột đường), có thể ảnh hưởng tới lượng đường trong máu, gây nguy hiểm cho những người bị tiểu đường. Tuy nhiên nhiều người bị tiểu đường vẫn có nhu cầu uống sữa, vậy bị tiểu đường uống sữa có sao không? Uống sữa bò hay sữa không đường khi bị tiểu đường sẽ tốt hơn?... Đây là một vài trong số rất nhiều băn khoăn liên quan tới chế độ ăn uống khi bị tiểu đường, bao gồm cả bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2.

Trước tiên, với câu hỏi bệnh tiểu đường có uống sữa được không thì câu trả lời là CÓ. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường cần chọn đúng loại sữa. Đặc biệt, nếu đang mắc các bệnh mãn tính, bao gồm cả bị tiểu đường nên mua sữa ở đâu cũng rất quan trọng, đó là người bệnh cần mua ở nơi uy tín, sữa có nguồn gốc và được kiểm định chất lượng, an toàn.

Giải đáp thắc mắc: Người bị tiểu đường có uống sữa được không?- Ảnh 1.

Với câu hỏi bệnh tiểu đường có uống sữa được không thì câu trả lời là CÓ. Ảnh: ST

1. Hiểu về bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường. Đây là bệnh rối loạn chuyển hóa với đặc trưng là chỉ số đường huyết của người bệnh luôn ở mức cao hơn so với mức bình thường, xảy ra do cơ thể thiếu hụt insulin hoặc cơ thể đề kháng với insulin hay do cả hai lý do này. Từ đó gây ra rối loạn nghiêm trọng liên quan tới đường, đạm mỡ và chất khoáng.

Cụ thể, với bệnh tiểu đường type 1, tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin, dẫn tới lượng insulin lưu hành trong máu rất thấp, gây khó khăn để điều hòa lượng đường trong máu. Phần lớn thì tiểu đường type 1 gặp ở trẻ nhỏ hoặc người ở độ tuổi dưới 20, chiếm tỷ lệ khoảng 5,2%. Bệnh có thể được kiểm soát nhưng lại không thể phòng ngừa.

Với bệnh tiểu đường type 2, tuyến tụy tiết insulin đặt mức như người bình thường nhưng lại giảm hoặc không có vai trò điều hòa lượng đường trong máu do giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin. Hoặc cơ thể bạn có thể không sử dụng insulin theo cách mà nó cần. Tiểu đường type 2 phổ biến ở người trên 40 tuổi, nhưng gần đây tiểu đường cũng có xu hướng trẻ hóa. Bệnh phát triển chậm và có liên quan chặt chẽ với béo phì.

Nguy cơ tiểu đường cũng cao hơn nếu có: Tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường, tiền sử tiểu đường thai kỳ, sự suy giảm chuyển hóa glucose, tuổi tác lớn, không vận động thể chất.

Giải đáp thắc mắc: Người bị tiểu đường có uống sữa được không?- Ảnh 2.

Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa với đặc trưng là chỉ số đường huyết của người bệnh luôn ở mức cao hơn so với mức bình thường. Ảnh: ST

Tiểu đường là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi và người bệnh tiểu đường cần dùng thuốc suốt đời mà không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn khi mắc tiểu đường. Nên điều quan trọng chính là kiểm soát đường huyết ổn định, ngoài uống thuốc thì một trong những cách để kiểm soát chính là xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, thân thiện với đường huyết để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.

2. Sữa và bệnh nhân tiểu đường

Như đã nói, sữa là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời tốt cho sức khỏe và bệnh nhân tiểu đường có thể uống sữa, thêm vào chế độ ăn hàng ngày của mình. Tuy vậy thì bị tiểu đường nên uống sữa gì thì không phải ai cũng biết.

2.1. Bị tiểu đường nên uống sữa gì?

Sữa cho người bị tiểu đường cần có hàm lượng carbohydrate và chất béo phù hợp do hai thành phần có ảnh hưởng trực tiếp tới lượng đường trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường.

Theo WebMD, giá trị dinh dưỡng của một số loại sữa bò bao gồm:

- Một cốc sữa nguyên kem (whole-fat milk): Cung cấp 152 calo, 7 gam chất béo và 12 gam carbohydrate, 8 gam chất đạm, 276 mg canxi.

- Một cốc sữa giảm béo 2% (reduced-fat milk): Cung cấp 122 calo; 4,5 gam chất béo và 12 gam carbohydrate.

- Một cốc sữa ít béo (low-fat milk): Cung cấp 106 calo; 2,5 gam chất béo và 12 gam carbohydrate.

- Một cốc sữa tách béo (fat-free milk): Cung cấp 84 calo, ít hơn 1 gam chất béo và 12 gam carbohydrate, 9 gam chất đạm, 316 mg canxi.

Giải đáp thắc mắc: Người bị tiểu đường có uống sữa được không?- Ảnh 3.

Sữa cho người bị tiểu đường cần có hàm lượng carbohydrate và chất béo phù hợp. Ảnh: ST

Có thể thấy, tất cả các loài sữa bò đều chứa carbohydrate và hầu hết chất béo trong sữa là loại không lành mạnh. Carbohydrate trong sữa bị phân hủy và trở thành đường trong máu. Do đó, với câu hỏi bị tiểu đường uống sữa bò được không thì câu trả lời là có, nhưng hãy chọn sữa ít béo hoặc sữa tách béo, sữa không đường lactose hay sữa dùng đường hấp thụ chậm để cơ thể vẫn nhận được canxi và các chất dinh dưỡng khác trong sữa mà không cần thêm chất béo.‌

Ngoài nguồn sữa bò thì bệnh nhân tiểu đường có thể lựa chọn một số loại sữa có nguồn gốc thực vật, thân thiện với đường huyết như:

+ Sữa hạnh nhân không đường: Cung cấp 39 calo; 2,88 gam chất béo; 1,52 gam carbohydrate; 0,5 - 1 gam chất xơ; 1,55 gam chất đạm và 516 mg canxi.

+ Sữa đậu nành không đường: Cung cấp 79 calo; 4,01 gam chất béo; 4,01 gam carbohydrate; 1 gam chất xơ; 7 gam chất đạm và 300 mg canxi.

+ Sữa hạt lanh không đường, không thêm protein: Cung cấp 24 gam calo; 2,5 gam chất béo; 1,02 carbohydrate và 300 mg canxi.

+ Sữa gạo không đường: Cung cấp 113 calo; 2,33 gam chất béo; 22 gam carbohydrate; 0,7 gam chất xơ; 0,67 gam chất đạm và 283 mg canxi.

Các sản phẩm từ sữa tốt cho bệnh tiểu đường khác có thể kể đến như: Sữa chua Hy Lạp, phô mai ít béo cũng có thể sử dụng ở mức độ phù hợp. Điều quan trọng là chú ý thành phần trong sữa, nếu các loại sữa có thêm đường thì chúng cũng có chứa nhiều carbohydrate hơn.

2.2. Bị tiểu đường uống mấy cốc sữa một ngày là đủ?

Như đã nói, với cả bệnh tiểu đường type và type 2, người bệnh phải chú ý đến lượng carbohydrate tiêu thụ hàng ngày của mình. Uống quá nhiều sữa có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Khi uống sữa, cần cân đối lượng carbohydrate từ các nguồn thực phẩm khác để duy trì lượng đường trong máu ổn định, tránh dư thừa carbohydrate tiêu thụ.

Giải đáp thắc mắc: Người bị tiểu đường có uống sữa được không?- Ảnh 4.

Bị tiểu đường uống sữa buổi tối có sao không? Ảnh: ST

Nếu uống sữa bò, chỉ nên uống từ 1 - 2 hàng ngày, khoảng dưới 30 gam carbohydrate.

2.3. Bị tiểu đường uống sữa buổi tối có sao không?

Trước và sau khi uống sữa khoảng 1 - 2 tiếng, người bị tiểu đường nên đo đường huyết để kiểm tra sự dao động đường huyết có lớn không, từ đó tìm ra thời điểm nên uống sữa khi bị tiểu đường là buổi sáng hay vào các bữa nhẹ trong ngày. Đo đường huyết trước và sau khi uống cũng giúp điều chỉnh khẩu phần ăn khác để kiểm soát đường huyết ở mức cho phép.

Theo nhiều nghiên cứu, có 3 thời điểm bệnh nhân tiểu đường có thể uống sữa, cụ thể:

- Tiểu đường nên uống sữa buổi sáng: Giúp no lâu, tăng cảm giác no và tiêu hóa chậm hơn.

- Uống sữa vào bữa phụ buổi chiều: Giúp người bệnh tiểu đường không bị quá đói gây tụt đường huyết đồng thời giúp giảm lượng thức ăn vào bữa chính do no lâu mà không gây tăng đường huyết đột ngột sau khi uống.

- Uống buổi tối trước khi ngủ ít nhất 1 tiếng: Trước tiên, không nên uống sữa ngay sát giờ ngủ, dễ dẫn tới dao động đường huyết và tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Tốt nhất, nếu người bị tiểu đường uống sữa vào buổi tối thì nên uống trước giờ đi ngủ khoảng 1 tiếng, sẽ giúp đường huyết ổn định, đồng thời giảm nguy cơ bị hạ đường huyết trong đêm gây đau đầu hay các triệu chứng rất nguy hiểm khác.

Người bị tiểu đường tuyệt đối không nên uống sữa ngay sau bữa ăn chính, nó sẽ khiến đường huyết sau ăn tăng nhanh.

Như vậy có thể thấy, với câu hỏi bị tiểu đường có uống sữa được không thì câu trả lời là có. Tiêu chí chọn sữa cho bệnh nhân tiểu đường nên là sữa có chỉ số đường huyết thực phẩm thấp (GI<55); sữa không đường, sữa tách béo, sữa có đường tiêu hóa chậm dành riêng cho người tiểu đường, sữa không chứa đường bổ sung hay chất béo bão hòa; khi chọn sữa nên chú ý tới các bệnh nền của người bị tiểu đường nếu có để chọn các thành phần sữa phù hợp, không ảnh hưởng tới thuốc điều trị bệnh.

Người bệnh tiểu đường lưu ý rằng, sữa chỉ là một thực phẩm bổ sung chứ không có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường. Nếu như bản thân người bệnh nhận thấy chế độ ăn của mình đã đầy đủ dinh dưỡng và khoa học thì cũng không nhất thiết phải uống sữa hàng ngày.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm