pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người cắt gan, người tưởng ung thư di căn nhưng lý do bất ngờ đến từ thói quen ăn rau khoái khẩu
Cắt gan vì nghĩ có khối u ác tính
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn và điều trị cũng như phòng bệnh sán lá gan lớn, đáng nói nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do thói quen ăn uống của mọi người. Đặc biệt, rất nhiều người khi bị sán lá gan lớn tấn công nhưng lại nhầm lẫn, thậm chí có không ít người bị cắt cả gan, nghĩ đến cái chết vì cho rằng mình mắc bệnh ung thư.
TS.BS Trần Huy Thọ - Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương) cho biết, nhiễm sán lá gan rất thường gặp trong số các bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện. Đáng nói có trường hợp đã chạy chữa khắp nơi không khỏi, thậm chí là đã phẫu thuật cắt 1/4 lá gan mới phát hiện ra mình bị nhiễm sán.
Đó là trường hợp nam bệnh nhân quê Thanh Hóa, trước đó đi khám nhiều nơi và được chuẩn đoán có khối u trong gan. Do nghĩ mình bị khối u ác nên bệnh nhân đã tiến hành phẫu thuật cắt 1/4 lá gan.
BS Thọ cho biết, nhiều trường hợp cắt bỏ một gần gan, phẫu thuật não vì nhầm lẫn sán với khối u. Ảnh: Lê Phương.
Cụ thể, trường hợp này có tổn thương gan với kích cỡ 3,1cm x 4,8cm, có hạch rốn gan, đầu tụy, hạch lớn có đường kích 0,5cm. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt thùy gan trái mở rộng, túi mật và nạo vét hạch ở cuống gan.
Sau khi giải phẫu bệnh, bác sĩ kết luận gan bệnh nhân bị áp xe do ký sinh trùng, nghĩ nhiều tới sán lá gan hoặc toxocara. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Viện Sốt rét-Ký sinh trung-Côn trùng trung ương điều trị. Sau một thời gian, bệnh nhân tiến triển tốt và đã được xuất viện.
Chuẩn bị sẵn hậu sự vì tưởng ung thư mà không biết bệnh đến từ thói quen ăn uống
Một trường hợp khác cũng được bác sĩ Thọ tiếp nhận và điều trị là nữ bệnh nhân tên N.T.T.H (ở Quảng Bình). Sau khi có các dấu hiệu như chán ăn, mệt mỏi, sút cân liên tục, bà được gia đình đưa đi khám và bị kết luận ung thư gan.
Không tin kết quả này, bà H tiếp tục ra Hà Nội thăm khám ở bệnh viện tuyến cuối và cũng có kết luận bị ung thư mật, di căn sang gan, có điều trị cơ hội sống cũng không kéo dài được.
Bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ rằng, thời gian đó tinh thần bà suy sụp và đã gọi người thân về dặn dò, lo hậu sự. Thế nhưng 6 tháng sau, bà H vẫn chỉ có dấu hiệu mệt mỏi, sụt cân nên tiếp tục ra Hà Nội thăm khám lại. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các xét nghiệm cho thấy, chỉ số bạch cầu của bà H tăng cao (trong khi bị ung thư là giảm). Qua làm một số xét nghiệm khác, các bác sĩ nghi ngờ bà bị bệnh do ký sinh trùng gây nên và cho chuyển viện.
TS.BS Trần Huy Thọ chia sẻ, khi vào viện, dù bệnh nhân tinh thần suy sụp nhưng quan sát bên ngoài các bác sĩ đều chung nhân định rằng, nếu thật sự bệnh nhân bị ung thư di căn sang gan giai đoạn cuối thì không thể có sức khỏe như vậy được.
Hình ảnh sán làm tổ nhưng hay bị nhầm với khối u. Ảnh: BSCC.
Kết quả sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu cho thấy, bệnh nhân dương tính với sán lá gan, những tổn thương trong gan là do sán làm tổ. Ngay sau, đó bệnh nhân được điều trị theo phác đồ và tình hình tiến triển rất tích cực.
Đặc biệt, quá trình khai thác bệnh sử, nhất là thói quen ăn uống, bệnh nhân H cho biết bản thân bà và gia đình thường xuyên ăn các loại rau thủy sinh như rau cần nước, rau cải xoong, đặc biệt là có thói quen ăn các loại rau sống như rau muống chẻ, rau ngổ… “Có lẽ tôi không may ăn phải cây rau có chứa ấu trùng sán lá gan nên mới mắc bệnh”, bà H chia sẻ với bác sĩ.
Các loại rau thủy sinh được nhiều người yêu thích nhưng có thể là nguồn lây bệnh sán lá gan.
Rất nhiều loại rau có nguy cơ nhiễm mầm bệnh
TS.BS Huy Thọ cho biết, những loại rau thủy sinh thường hay bị nhiễm nang sán lá gan lớn. Nang sán này theo đường ăn uống đi vào dạ dày, sau đó bị phá vỡ và giải phóng ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành tá tràng vào ổ bụng rồi di chuyển đến gan.
Ấu trùng sẽ sinh trưởng và phát triển trong gan tiết ra các các chất độc phá hủy nhu mô gan gây áp-xe gan. Vì vậy, người bệnh khi đi khám có tổn thương gan rất dễ bị chẩn đoán nhầm thành ung thư gan.
Triệu chứng khi bị nhiễm sán lá gan là mệt mỏi, đau nhẹ ở hạ sườn, đau bụng âm ỉ không rõ vị trí, gan sưng to và đau. Một số trường hợp có rối loạn tiêu hóa, dị ứng da nốt sẩn ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, khó chịu…
Cách phòng bệnh sán lá gan tốt nhất là thực hiện ăn chín uống sôi. Không ăn những thức ăn tái, rau sống, nhất là các loại rau thủy sinh như rau ngổ, rau muống, rau rút, rau cần, rau cải xoong, ngó sen... Nên vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh, trước chế biến thức ăn, trước khi ăn. Tuyệt đối không uống nước lã, nước sông suối, hồ...