pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người cha đã ký giấy để con gái làm visa tiếp tục theo học phổ thông tại nước ngoài
Như báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa tin, cháu Nguyễn Khánh Linh, sinh năm 2006, là con gái của chị L.T.N.L. và anh N.T.D. Năm 2011, chị L. và anh D. đã ly hôn theo quyết định ly hôn của tòa án. Cháu Khánh Linh được tòa giao cho ở với mẹ.
Chị L. thời điểm đó du học tại Australia và được nhận vào làm việc trong một cơ quan của chính phủ sở tại. Cháu Khánh Linh theo mẹ sang Australia học từ năm lớp 3. Hiện cháu đang học lớp 11 tại Sydney, Australia.
Cháu Nguyễn Khánh Linh trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: N.L
Vào đầu năm 2023, vì sắp hết hạn visa nên cháu Nguyễn Khánh Linh đã quay lại Việt Nam để xin phép bố ký đồng ý nhằm hoàn tất thủ tục làm visa để có thể học xong chương trình lớp 12 tại Australia.
"Con đã về Việt Nam từ ngày 5/1/2023 và năn nỉ bố từ đó cho đến hôm nay (6/2/2023 - PV) nhưng bố vẫn không chịu ký cho con đi học tiếp và cũng không có ý định xin trường học ở Việt Nam cho con. Con và bà ngoại, dì đã gọi và nhắn tin rất nhiều lần nhưng bố đều lấy lý do phải suy nghĩ", cháu Khánh Linh viết trong Đơn cầu cứu gửi báo Phụ nữ Việt Nam.
Cũng trong Đơn, cháu Khánh Linh trình bày trường học của cháu tại Australia đã bắt đầu tổ chức học trở lại vào ngày 1/2/2023.
"Là một trẻ dưới 18 tuổi, con cần được đi học. Con nghĩ bố mẹ nào cũng cần tạo điều kiện cho con đến trường và lo lắng cho tương lai của con cái", cháu Khánh Linh cho biết.
Tiếp nhận Đơn và trao đổi trực tiếp với cháu Khánh Linh, phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam đã lập tức liên lạc với anh N.T.D. theo số điện thoại mà cháu cung cấp. Tuy nhiên, người nhận máy (là nam giới, nói giọng Bắc, theo chị N.L. cho biết đó là anh D. - PV) lại phủ nhận bản thân không phải tên D., cho rằng phóng viên đã gọi không đúng người.
Sau bài báo phản ánh của báo Phụ nữ Việt Nam, anh N.T.D đã chủ động liên lạc với tòa soạn và xin hẹn gặp trình bày với phóng viên. Chúng tôi cũng đã mời cháu Nguyễn Khánh Linh tới để có sự trao đổi rõ ràng hơn.
Theo anh D., sở dĩ anh không muốn nghe điện thoại của nhiều người vì "cảm thấy phiền toái". Anh cũng cho biết lý do không muốn ký giấy cho con gái anh để làm visa tiếp tục học vì trước đó 4 năm, mẹ ruột cháu đã có các email tranh luận với anh, mà theo anh là có "tính xúc phạm" anh. "Con gái tôi cũng vì nghe lời mẹ nên đã có các tin nhắn xúc phạm bố, khiến tôi rất tức giận", anh N.T.D cho biết.
Cháu Nguyễn Khánh Linh cũng đưa ý kiến, mong muốn bố ký giấy tờ để con làm thủ tục visa cho kịp chương trình học. Cháu hứa sẽ quan tâm và hỏi thăm bố nhiều hơn khi ở xa.
Theo anh D., anh sẽ không ký cho cháu Khánh Linh các giấy tờ để làm thủ tục định cư và học tập tại Australia, và chỉ muốn nuôi cháu tại Việt Nam, yêu cầu cháu học nốt lớp 12 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi đã giải thích để anh D. hiểu rằng, nếu muốn nuôi con gái thì anh cần khởi kiện ra tòa để xin thay đổi quyền nuôi con. Vì theo lệnh của tòa án, chị L.T.N.L đang có quyền này. Hơn thế nữa, cháu Nguyễn Khánh Linh đã học tại Australia từ lớp 3 tới lớp 11, là cả quá trình hòa nhập rất dài với môi trường mới. Việc bắt buộc cháu ở lại Việt Nam là trái lại ý muốn của cháu, tước đi quyền lợi tốt nhất của cháu, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khác. Và vì anh N.T.D cũng đã có gia đình mới, nên cháu Khánh Linh không muốn ở chung cùng bố. Việc anh D. nói cháu có thể về Bình Thuận sống cùng bà ngoại là điều vô cùng thiệt thòi cho cháu khi cháu không biết phải học lại từ lớp nào vì chương trình giáo dục 2 quốc gia khác nhau.
Sau cuộc trò chuyện tại tòa soạn, anh N.T.D cám ơn báo Phụ nữ Việt Nam đã quan tâm tới quyền lợi của con gái anh. Và anh đã ký giấy để cháu Nguyễn Khánh Linh được định cư tại Australia, để tiếp tục việc học tập và sinh sống.
Nhập thông tin của bạn

Tọa đàm "Dịch sởi vẫn có nguy cơ bùng phát - cần sự chung tay của cả cộng đồng"
Tọa đàm do Báo Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TƯ (Bộ Y tế) tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm của căn bệnh này, để chung tay phòng, chống bệnh sởi.

KÝ ỨC HÀO HÙNG VỀ “ĐỘI QUÂN TÓC DÀI” VÀ PHONG TRÀO “BA ĐẢM ĐANG”
Những hồi ức chân thực, đầy xúc động từ các nhân chứng lịch sử - những người phụ nữ kiên trung đã từng tham gia “Đội quân tóc dài” và phong trào “Ba đảm đang” được kể lại, tái hiện một thời kỳ hào hùng, nơi lòng yêu nước đã giúp họ vượt qua hiểm nguy, đối mặt với thử thách và viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Những câu chuyện ấy vẫn tiếp tục truyền cảm hứng, khơi dậy niềm tự hào và hun đúc tinh thần trách nhiệm cho thế hệ hôm nay - những người đang tiếp bước, gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam.

Nữ nghệ nhân phục chế dòng lụa quý xưa kia dùng để tiến vua
Dòng lụa Vân tiến vua vốn nổi tiếng, xưa kia chỉ những gia đình quan lại quyền quý mới có đủ điều kiện sở hữu tấm lụa Vân quý giá. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dòng lụa Vân dần dần mai một và gần như thất truyền. Cảm nhận giá trị và tình yêu với lụa Vân, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm quyết tâm phục chế dòng lụa tiến vua quý báu này.

Gần 5.000 tân binh TPHCM lên đường làm nhiệm vụ
Sáng 13/2, TPHCM long trọng tổ chức Lễ giao nhận quân năm 2025. Trong không khí ngày hội tòng quân tràn ngập niềm vui và xúc động, đông đảo phụ huynh đã đến tiễn con em mình lên đường làm nhiệm vụ với Tổ quốc.