Người dân chưa mặn mà với biển nhận diện trái cây an toàn

22/05/2018 - 19:00
Già nửa trong số các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội đã gắn biển nhận diện trái cây an toàn do cơ quan chức năng cấp, nhưng người tiêu dùng vẫn tỏ ra thờ ơ với những chiếc biển này.
Sau 6 tháng triển khai, Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội” của Sở Công thương Hà Nội đã gắn được biển chứng nhận trái cây an toàn cho 520/941 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn.
 
Cụ thể, quận Hoàn Kiếm cấp biển nhận diện cho 26/61 cửa hàng, quận Đống Đa 46/72 cửa hàng, quận Tây Hồ 12/58 cửa hàng, quận Bắc Từ Liêm 33/66 cửa hàng, quận Cầu Giấy 50/111 cửa hàng, quận Nam Từ Liêm 30/44 cửa hàng, quận Ba Đình 36/74 cửa hàng, quận Hai Bà Trưng 72/100 cửa hàng, quận Thanh Xuân 70/98 cửa hàng, quận Hà Đông 38/78 cửa hàng, quận Hoàng Mai 63/101 cửa hàng, quận Long Biên 44/71 cửa hàng...
 
Tuy nhiên, khi được hỏi về "biển chứng nhận trái cây an toàn", khá nhiều người dân tỏ ra bất ngờ, không hay biết về loại biển báo này.
cay4.jpg
Khá nhiều người dân không hay biết về biển nhận diện trái cây an toàn. Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Bích Ngọc (32 tuổi, công tác tại Tòa án Hà Nội), cho biết: "Mình chưa hay biết đến biển chứng nhận trái cây an toàn này. Mình vẫn thường mua hoa quả ở chỗ người quen để đảm bảo an toàn, hoặc mua trong siêu thị. Mình nghĩ trong siêu thị cũng chưa chắc an toàn nhưng ít ra vẫn an tâm hơn ở ngoài chợ".

 

Còn chị Hồng Nguyễn (Giảng Võ, Hà Nội) thì nói: Mình đến mua trái cây ở một số cửa hàng và đã nhìn thấy tấm biển này rồi, nhưng mình cũng chưa biết tiêu chí để các cửa hàng được gắn những tấm biển này là gì, liệu tiêu chí đó có đáng tin cậy không. Về cơ bản, mình vẫn mua hoa quả theo thói quen chứ chưa phải do tin tưởng vào chiếc biển được gắn trên mỗi cửa hàng trái cây.
 
Phó Trưởng phòng Kinh tế UBND quận Long Biên (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Vĩnh cũng chia sẻ, mặc dù trên địa bàn đã có 44/71 cửa hàng đã được cấp biển nhận diện (logo), nhưng giá trị thương hiệu, biển nhận diện còn yếu, nhận thức của người tiêu dùng đối với các biển nhận diện này chưa nhiều. Để logo có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, ông Nguyễn Ngọc Vĩnh đề nghị Sở Công thương cần tăng cường công tác truyền thông để người dân có thể nhận diện. 
 
Với những người tiêu dùng đã biết và nghe đến biển nhận diện cửa hàng trái cây an toàn thì cũng có nỗi băn khoăn riêng. Chị Hồng Phương (giáo viên Tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ: “Khi tôi mua hoa quả, tôi rất muốn biết hoa quả này có tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, hay hàm lượng kim loại nặng, độc tố hay không, hàm lượng là bao nhiêu, có phù hợp với quy chuẩn ATTP hay không... Nhưng làm thế nào để người tiêu dùng chúng tôi biết được các thông số này trong từng loại hoa quả? Chắc hẳn, một chiếc biển nhận diện treo trước cửa hàng không thể nói lên được điều này. Ngay cả việc truy xuất nguồn gốc, tôi cũng chỉ biết xuất xứ của từng loại quả nhập ở đâu chứ không thể biết được những tiêu chí an toàn kia. Vì thế, tôi mong rằng, khi cơ quan chức năng triển khai gắn biển nhận diện hoa quả an toàn thì phải làm sao để cung cấp được cho chúng tôi những thông tin trên trong từng loại sản phẩm”.
cay3.jpg
Ảnh minh họa
Tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”, Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến hết năm 2018, tất cả người kinh doanh được đào tạo, tập huấn an toàn thực phẩm và các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận được cấp biển nhận diện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án này bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả đến người tiêu dùng; tuyên truyền đến các cửa hàng kinh doanh trái cây về các điều kiện để được cấp biển nhận diện.
 
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng thừa nhận: Việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc cũng gặp phải khó khăn do một số hộ kinh doanh trái cây ở các chợ đầu mối không có hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, các cửa hàng kinh doanh khi mua trái cây tại chợ đầu mối về bán cũng không thể biết nó được trồng ở đâu, chứ đừng nói đến người mua.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm