pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người dân Hà Nội: "Chúng ta đồng lòng, dịch sẽ được đẩy lùi"
Đường phố Hà Nội vắng vẻ sau khi có Chỉ thị 17 của UBND TP.
Theo ghi nhận của PV, trong ngày đầu thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tuyến tại Hà Nội trở nên thông thoáng và vắng người qua lại, một số quán ăn "treo biển bán hàng mang về" giờ đây cũng đóng của kín mít.
Hàng loạt cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như quán bar, karaoke, cà phê, trung tâm thể thao... đã "cửa đóng then cài".
Bên cạnh đó, một số ngành nghề cần thiết vẫn làm việc bình thường, nhưng phải bảo đảm quy định khoảng cách an toàn. Tại các điểm bến xe khách trong nội đô, lượng người qua lại giảm hẳn, nhiều xe im lìm không nhận khách.
"Dịch bệnh căng thẳng quá, nhà xe chúng tôi đã dừng hoạt động. Biết là dừng hoạt động chúng tôi sẽ không có thu nhập nhưng vì trách nhiệm cộng đồng, cùng cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng và UBND TP Hà Nội", anh Sơn, một tài xế xe khách tại khu vực Mỹ Đình chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Lan, chủ một siêu thị nhỏ trên đường Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thời điểm hiện tại, dịch đang diễn biến phức tạp ở khắp mọi nơi, việc kinh doanh tại chỗ cũng rất nguy hiểm vì thường xuyên phải giao tiếp, gặp gỡ rất nhiều người, khả năng lây nhiễm là rất cao.
"Ngay từ tuần trước, tôi đã quyết định hạn chế, kiểm soát những người ra vào siêu thị và chuyển qua thực hiện bán hàng online là nhiều hơn. Dù thời gian ban đầu bán hàng online rất ít khách không bằng bán tại chỗ, nhưng tôi vẫn giữ vững quyết định của mình để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình cũng như bảo vệ cộng đồng", chị Lan nói.
Chị Mai, bán thịt lợn tại chợ Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết, từ tối qua, chị đã nắm được thông tin Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhưng bản thân chị không mấy lo lắng, vì thời điểm này nên thực hiện biện những biện pháp như thế để khoanh vùng dập dịch được tốt nhất.
"Khi đến chợ tôi luôn đeo mặt nạ chống giọt bắn kèm khẩu trang y tế và nhắc những khách đến đây mua hàng phải đeo khẩu trang. Chúng ta cùng đồng lòng, dịch sẽ được đẩy lùi", chị Mai nói.
Còn chị Mai Phương Thảo (quận Na Từ Liêm), chủ một cửa hàng cắt tóc, gội đầu cho biết, mỗi khi thành phố yêu cầu đóng cửa một số loại hình kinh doanh không thiết yếu, trong đó có dịch vụ cắt tóc, gội đầu, chị đều nghiêm chỉnh chấp hành cho dù thu nhập bị giảm đáng kể.
"Lần này dịch lây lan nhanh, số người nhiễm trên cả nước quá cao, đặc biệt là trong Thành phố Hồ Chí Minh nên Hà Nội quyết định như vậy là hoàn toàn chính xác. Mặc dù phải đóng cửa gần 3 tháng để phòng, chống dịch nhưng tôi vẫn nhất trí với cách làm này. Mỗi người hy sinh một chút thì xã hội sẽ bình yên", chị Thảo chia sẻ.
Cùng có suy nghĩ như chị Thảo, chị Mai, nhiều chủ hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống khác trên địa bàn Hà Nội đều cho rằng, việc Hà Nội yêu cầu người dân thực hiện Chỉ thị 16 vào thời điểm này là rất cần thiết.
Ngày 23/7/2021, UBND Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 17 về thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.
Theo đó, người dân sẽ thực hiện cách ly gia đình với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Theo Chỉ thị 17, Hà Nội yêu cầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cở sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.
Hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe môtô (bao gồm xe công nghệ và xe ôm) dừng hoạt động, trừ trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia...
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ