Người dân Hà Nội mua sắm hàng hóa như thế nào tại 3 vùng chống dịch?

Anh Quân
04/09/2021 - 12:55
Người dân Hà Nội mua sắm hàng hóa như thế nào tại 3 vùng chống dịch?

Hà Nội sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn Thành phố

Ngay sau khi Thành phố Hà Nội quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng từ 6 - 21/9, Sở Công Thương Hà Nội đã công bố kế hoạch đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hoá cho từng vùng cụ thể.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện thành phố có mạng lưới phân phối gồm 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu. Các điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động: 2.500 địa điểm. Các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm: 210 đơn vị. Các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm: 52 đơn vị; 606 cửa hàng gas; 480 cửa hàng xăng dầu… sẵn sàng cung ứng, phân phối hàng hoá cho người dân.

Cùng với đó là các doanh nghiệp, điểm bán có hình thức bán hàng online trực tuyến: 35 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Phương án phân phối hàng hóa tại từng vùng cụ thể:

Tại phân vùng 1:

Đây là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Trong phân vùng 1 có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Các hệ thống phân phối hàng hóa trong phân vùng 1 bảo đảm cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu dân. Các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng hóa gấp 2 đến 3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường, dự trữ tại các kho bên trong và ngoài vùng 1, thường xuyên điều tiết hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ. Đồng thời, sở Công Thương TP. Hà Nội sẽ phối hợp Ban quản lý chợ, các địa phương tổ chức bán hàng lưu động hoặc hỗ trợ vận chuyển cung ứng hàng hóa.

Người dân Hà Nội mua sắm hàng hóa như thế nào tại 3 vùng chống dịch? - Ảnh 2.

Hàng hóa được phân phối đến người dân từ các siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng lưu động… Ảnh: N. Vân

Người dân trong vùng 1 được UBND quận, huyện thực hiện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán. Bên cạnh đó, được phép mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến: Các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận huyện. UBND các phường, xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm… để người dân tham gia mua sắm.

Đối với các Vùng đỏ, khu vực cách ly, phong tỏa, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng shipper, các lực lượng khác: phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố,… để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt)…

Tại vùng 2 và vùng 3: 

Vùng 2 (phía Bắc, Đông sông Hồng) và vùng 3 (phía Tây, phía Nam thành phố), lượng hàng hóa đã được chuẩn bị cho hơn 4 triệu dân với 12 mặt hàng thiết yếu, 2 mặt hàng phòng chống dịch, 5 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ.

Trong phân vùng 2 có 10 siêu thị, 102 chợ, 1.178 cửa hàng tiện ích, 653 điểm bố trí bán hàng lưu động, 49 cửa hàng gas, 112 cửa hàng xăng dầu.

Phân vùng 3 có 13 siêu thị, 198 chợ, 3.273 cửa hàng tiện ích, 838 điểm bố trí bán hàng lưu động, 304 cửa hàng gas, 242 cửa hàng xăng dầu.

Hàng sẽ được phân phối đến người dân từ các siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng lưu động…

Hà Nội chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ trong 3 tháng

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; chủ động đưa hàng về các kho trong thành phố. Các cơ sở chế biến  cũng tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối (có doanh nghiệp tăng 200%).

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị  Phương Lan khẳng định, TP Hà Nội sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn thành phố, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm