Người đàn ông 13 năm 'gõ cửa' từng nhà nói về phòng tránh thai và bình đẳng giới

25/07/2018 - 17:28
13 năm trước, khi mới vừa bước qua tuổi 20 - chưa yêu và chưa lập gia đình - chàng trai trẻ ấy đã tự quyết định lựa chọn cho mình một công việc “đặc biệt”. Từ đó đến nay, hầu như ngày nào của anh trôi qua cũng đều liên quan đến những chủ đề về chăm sóc sức khỏe cho người dân, kế hoạch hóa gia đình và bình đẳng giới…

Anh là Diệp Trung Thành, sinh năm 1984. Nơi anh ở là xóm Khau Sáng, xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng. Đây là huyện xa xôi nhất của tỉnh, địa bàn nhiều đồi núi hiểm trở, việc đi lại rất khó khăn. 100% người dân trong bản là người dân tộc Tày và đều làm nông. Từ bản nơi anh ở, để đi ra đến trung tâm xã xa tới 18km. Trong bản lại chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường đi lại bằng xe máy nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, dân trí thấp. Với gia đình anh Thành, bố mẹ cũng nghèo khó, lại sinh tới 4 người con.

Anh Diệp Trung Thành chia sẻ: “Ngay từ nhỏ, tôi đã nhận thấy do hoàn cảnh đông con, khó khăn dẫn đến sức khỏe bị ảnh hưởng, đặc biệt là người phụ nữ. Vợ chồng lại không có thời gian để nuôi dạy, chăm sóc con, không có điều kiện cho con đi học đến nơi đến chốn”...

Năm 2001, ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Thành đã quyết tâm “thoát nghèo”, tự làm đơn xin theo học trường trung cấp y tế Cao Bằng để học về y tế thôn bản. Sau khi ra trường, anh trở về quê nhà và đến năm 2005 chính thức đảm nhận công việc làm y tế thôn bản kiêm cộng viên dân số của xóm Khau Sáng.

Anh kể: “Ban đầu, nhận công việc này, tôi thấy khó khăn, trở ngại lắm. Mình còn trẻ, chưa lấy vợ, khi đi gặp mọi người, nhất là phụ nữ, để nói về các biện pháp tránh thai, sức khỏe sinh sản, tình dục… thì rất ngại, xấu hổ. Trong khi đó, chính chị em cũng ngại nghe về vấn đề này. Bên cạnh đó, tâm lý trọng nam ở người dân vẫn còn nặng nề; nhà nào cũng muốn sinh nhiều con, đặc biệt là muốn có con trai, vừa để nối dõi, vừa để nhà có thêm người khỏe, có sức lao động để làm việc đi rừng, nương rẫy nên rất nhiều gia đình sinh con một bề là gái có nhu cầu đẻ thêm để mong lấy con trai”.

Tuy nhiên, sau thời gian đầu bỡ ngỡ với công việc, anh dần tìm ra được các phương pháp làm việc cho mình. Anh đưa ra phương châm “mưa dầm thấm lâu”; kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và chú trọng vai trò của đàn ông trong công tác KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản…: Ngoài việc thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con trong xóm thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản gắn với bình đẳng giới trong các cuộc họp thôn bản, họp chi bộ, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên… anh còn đa dạng các hình thức tiếp cận khác nhau.

Ví như khi lên nương rẫy, thấy nhóm nào có vài ba anh em là anh tranh thủ nói về chủ đề này, trong đó đề cao trách nhiệm của nam giới trong phòng tránh thai và phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Anh đã nói với anh em về các biện pháp triệt sản nam và hướng dẫn anh em sử dụng bao cao su đúng cách.

Với những hộ gia đình sinh con một bề là gái, đang rất mong sinh thêm con trai, anh kiên trì các buổi tối đốt đuốc, đi bộ tìm đến tận nhà để gặp cả vợ, cả chồng và nói về những khó khăn về kinh tế, sức khỏe… của việc sinh nhiều con và việc “con trai con gái giờ đã bình đẳng” để có được sự đồng thuận vợ - chồng.

Với những hộ còn tư tưởng "trọng nam khinh nữ", khó vận động, anh sẽ đi cùng bí thư chi bộ, trưởng xóm, Chi hội phụ nữ… để kiên trì nhiều lần. Với những người hay e dè, ngại nói về chủ đề nhạy cảm, anh sẽ tổ chức họp nhóm nhỏ ngay tại nhà mình… Trong những buổi ấy, anh tìm cách nói “cho khéo" để mọi người vừa cảm thấy thân thiện và không cảm thấy ngượng ngùng mắc cỡ...

Anh Thành đang trò chuyện với anh em nam giới ngay tại bờ ruộng về trách nhiệm
của đàn ông trong việc kế hoạch hóa gia đình... 
Anh tranh thủ hướng dẫn anh em cách sử dụng bao cao su đúng cách...  

Với những chị em không đọc được tiếng phổ thông, anh sẽ dịch ra tiếng Tày để chị em hiểu đúng và sử dụng đúng… Ngoài ra, cũng để có điều kiện gặp gỡ nhiều người, anh Thành đã quyết định mở một cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà để phục vụ bà con, giúp bà con đỡ phải đi lại vất vả và anh lại có cơ hội để tiếp xúc với nhiều người - tận dụng được nhiều hơn thời gian để tuyên truyền về công tác dân số, KHHGĐ tới người dân…

Sau cùng, theo anh Thành, để làm tốt được công việc của mình thì bản thân cần phải gương mẫu. Vợ chồng anh cũng rất bình đẳng, luôn hỗ trợ nhau, thực hiện đúng chính sách dân số, tập trung chăm sóc con tốt kiêm phát triển kinh tế gia đình ổn định (hiện, qua nguồn trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, gia đình anh cũng đã trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi với thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm)…

Với những nỗ lực và phương pháp tiếp cận “hợp lý” của mình, anh Thành đã sớm được bà con tin tưởng, làm theo... Sau 13 năm đảm nhiệm vị trí là cán bộ y tế thôn bàn kiêm cộng tác viên dân số, anh Thành đã góp phần không nhỏ vào công tác dân số, thúc đẩy bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KKHGĐ ở địa phương… Trong khi địa bàn huyện Bảo Lâm có tỷ lệ sinh con thứ 3 gần như cao nhất tỉnh Cao Bằng thì với xóm của anh Thành, đã gần 20 năm qua, không có trường hợp sinh con thứ 3, không phân biệt con trai-con gái.

Trong xóm, với 24 hộ gia đình và hơn 110 nhân khẩu. Mọi người hòa thuận, đoàn kết, bình đẳng. Tỷ lệ vợ chồng cùng chia sẻ trách nhiệm về phòng tránh thai lên tới 80%... Vợ chồng giúp nhau cùng phát triển kinh tế gia đình, không có hiện tượng tảo hôn, không có hôn nhân cận huyết thống…

Các bà mẹ mang thai trong xóm đều được khám tại Trạm Y tế, đẻ tại trạm, hoặc đẻ tại nhà nhưng được theo dõi, chăm sóc, đỡ đẻ. Trẻ em không suy dinh dưỡng, được tiêm chủng đầy đủ. Hàng năm, xóm hoàn thành mục tiêu về dân số và phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên.

Anh Diệp Trung Thành (thứ 2 từ trái qua) được bình chọn là cá nhân tiêu biểu đã có thành tích
xuất sắc trong công tác dân số và phát triển của tỉnh (2018). 

Năm 2010, anh Diệp Trung Thành được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 2014, anh được bầu là hội viên hội nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, được Ban Tuyên giáo tỉnh, phối hợp cùng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng biểu dương là đảng viên hết mình vì công tác DS-KHHGĐ. Năm 2018, anh được Chi cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ xã biểu dương đã có thành tích trong công tác dân số và phát triển...

  • Clip anh Diệp Trung Thành chia sẻ về 1 số khó khăn trong công việc:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm