'Người dân sử dụng nước sạch do Viwasupco cung cấp hoàn toàn có thể khởi kiện'

PV
17/10/2019 - 17:25
'Người dân sử dụng nước sạch do Viwasupco cung cấp hoàn toàn có thể khởi kiện'
Trước vụ việc nước nhiễm dầu thải, ông Trần Thế Anh - Phó giám đốc Công ty luật TNHH XTVN - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco) vì đã gây ra sự cố nước nhiễm dầu thải cùng các hóa chất độc hại vượt ngưỡng. Cá nhân công ty này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Liên quan đến vụ nước nhiễm dầu thải do Công ty CP Nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp, UBND TP Hà Nội đã công bố về hàm lượng chất styren đều vượt ngưỡng cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần, cùng với việc Viwasupco vẫn cố tình cung cấp nước cho người dân dù biết nguồn nước bị nhiễm dầu thay vì có biện pháp ngăn chặn.

Trao đổi với PNVN ngày 17/10,  ông Trần Thế Anh cho biết, vụ việc cho thấy công ty này rất vô trách nhiệm, thờ ơ với chính sức khỏe của người dân. Toàn bộ sự cố cũng thể hiện yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời là sự vô trách nhiệm từ công tác báo cáo cho tới lãnh đạo của Công ty Viwasupco. Chính những điều này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của một vùng lớn của Hà Nội vì đã sử dụng nước của Viwasupco một thời gian dài kể từ thời điểm có sự cố mà không được xử lý.

 

Ông Trần Thế Anh - Phó giám đốc Công ty luật TNHH XTVN - Đoàn Luật sư TP Hà Nội


Ông Thế Anh nhấn mạnh, người dân, hộ gia đình sử dụng nước sạch do Viwasupco cung cấp hoàn toàn có thể khởi kiện. Trước hết người dân sử dụng nước sạch do công ty Viwasupco cung cấp theo hợp đồng cung cấp nước sạch đã được ký kết giữa hai bên. Căn cứ theo thỏa thuận trong hợp đồng thì Công ty đã cam kết đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt với chất lượng theo các quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định phù hợp với khả năng cung cấp của hệ thống cấp nước hiện hữu. Cụ thể là chất lượng nước sinh hoạt tiêu chuẩn hiện nay phải theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT và QCVN01:2009/BYT.

Việc Công ty Viwasupco cung cấp nguồn nước sinh hoạt đến người dân không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn (theo kết quả xét nhiệm của Bộ Y tế Hà Nội hàm lượng styren 20mg/l cao vượt mức cho phép) đã vi phạm điều khoản về điều kiện cấp nước trong hợp đồng.

“Trước mắt, họ có thể khởi kiện dân sự về tranh chấp hợp đồng đến tòa án cấp có thẩm quyền (tòa án nơi có trụ sở của Công ty Viwasupco) để yêu cầu Công ty Viwasupco bồi thường thiệt hại” - ông Thế Anh khẳng định.

Khi khởi kiện, ngoài những giấy tờ về nhân thân người khởi kiện, hợp đồng cung cấp nước đã ký thì người dân cần cung cấp cho tòa án những chứng cứ chứng minh về nguồn nước mà gia đình mình đang sử dụng bị nhiễm bẩn (kết quả xét nhiệm nguồn nước) và những chứng cứ liên quan đến thiệt hại do hành vi cố tình cung cấp nguồn nước không đảm bảo chất lượng của Công ty Viwasupco để yêu cầu phía công ty bồi thường (ví dụ: trong thời gian chờ có nước sạch trở lại, người dân phải mua nước đóng chai bên ngoài về sử dụng, chi phí thau rửa bể chứa, hệ thống dẫn nước…).

Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo tiêu chuẩn có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe người dân do đó, trong quá trình giải quyết vụ án thì nguyên đơn cũng có thể yêu cầu tòa án trưng cầu giám định đối với việc thiệt hại về sức khỏe này để làm căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Nước đầu nguồn sông Đà nhiễm dầu thải trầm trọng

Liên quan đến trách nhiệm hình sự, theo ông Thế Anh, hiện sự việc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm đã có những kết luận ban đầu và vẫn tiếp tục được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ hành vi sai phạm của những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Cá nhân có liên quan trực tiếp đến sai phạm trong quy trình cung cấp nước sạch của công ty này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 360 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất là phạt tù đến 12 năm bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, Công ty Viwasupco có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường” theo Điều 237 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh từ 01 năm đến 03 năm hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 BLHS 2015.

Nói về trách nhiệm của UBND TP Hà Nội, ông Trần Thế Anh cho hay, Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 thì một trong những chức năng và nhiệm vụ quan trọng của UBND cấp tỉnh là Thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm về văn hoá, thông tin, an toàn xã hội cho người dân.

 

Ảnh: Minh Sơn/Vietnam

 

Theo đó, trong vụ việc này không thể thiếu thông tin, hướng chỉ đạo, xử lý và theo dõi, bám sát hỗ trợ từ phía UBND TP Hà Nội. Vai trò và trách nhiệm này được thể hiện ở những mặt trọng yếu như cung cấp thông tin và đưa ra các cảnh bảo, khuyến cáo cho người dân; nghiên cứu và có phương án hỗ trợ, theo sát các khu vực, những hộ dân sử dụng nguồn nước này; có phương hướng chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm và khắc phục hậu quả…

Bằng nghiệp vụ chuyên môn của mình, những yêu cầu và trách nhiệm này sẽ được UBND thể hiện cụ thể qua các văn bản chỉ đạo, các hành động, hoạt động. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng tất cả những hoạt động, công tác này luôn phải đáp ứng được tính nhanh chóng, kịp thời và triệt để. Các thông tin cần được công khai, minh bạch để rộng rãi người dân được biết và biết cách xử lý, bảo vệ bản thân và gia đình.

“Việc đánh giá hiệu quả và thực tế thực hiện công tác của UBND thế nào, tôi nghĩ phản ánh chân thực nhất là quan sát và ghi nhận những đánh giá và ý kiến của những người dân, đặc biệt là những hộ dân trực tiếp chịu ảnh hưởng về thái độ bảo vệ và phản ứng của chính quyền khi sự cố đã và đang xảy ra hiện hữu như hiện nay” - ông Thế Anh nói.


Người dân cần làm gì nếu khởi kiện Viwasupco?

Thứ nhất, người dân có thể thỏa thuận về bồi thường thiệt hại với Công ty Sông Đà. Dựa trên các chi phí về bồi thường thiệt hại, hai bên có thể thương lượng với nhau về vấn đề bồi thường trước. Việc thỏa thuận này sẽ giúp các bên tiết kiệm thời gian, chi phí

Thứ hai, về khởi kiện yêu cầu bồi thường:

Việc khởi kiện yêu cầu bồi thường này chỉ nên thực hiện sau khi hai bên không thể thương lượng, thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường. Khi khởi kiện ra tòa nơi bị đơn cư trú, người dân sẽ phải chuẩn bị các giấy tờ như sau:

- Đơn khởi kiện

- Giấy tờ chứng minh sức khoẻ, kinh tế, đời sống, tinh thần của người dân bị ảnh hưởng.

- Các giấy tờ chứng minh thiệt hại khi sức khỏe của người dân bị xâm phạm, kinh tế bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, người dân có thể làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng Công ty Sông Đà và chủ thể trực tiếp đổ dầu thải tại địa bàn tỉnh Hoà Bình với các hành vi:

- Việc đổ chất thải nguy hại ra môi trường, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân (như báo chí thông tin và thông cáo báo chí của UBND TP Hà Nội) là hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định ở Điều 235 BLHS.

- Hành vi phát hiện nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại nhưng không có bất cứ hành động nào ngăn chặn, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 BLHS.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm