Người đồng tính cần được chăm sóc sức khỏe nhưng vẫn còn mặc cảm

Đông Quân
30/11/2022 - 16:43
Người đồng tính cần được chăm sóc sức khỏe nhưng vẫn còn mặc cảm

Ảnh minh họa

Những người đồng tính rất cần sự quan tâm, chăm sóc về sức khỏe tâm thần, trong điều trị các bệnh truyền nhiễm nhưng vẫn còn nhiều rào cản, trong đó lớn nhất là sự mặc cảm.

BS.CKI Nguyễn Tất Thành, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh nhân HIV - cho biết, những người đồng tính đều rất e ngại, không dám bộc lộ nhu cầu thật sự trước bác sĩ vì họ rất sợ bị đánh giá, họ cho rằng bác sĩ không thể hiểu được vấn đề họ đang gặp phải. "Khi họ tới, họ giao tiếp với mình thì không được sự thoải mái. Họ muốn được chăm sóc, thăm khám nhiều hơn nhưng bị mặc cảm", bác sĩ Thành nói và nhấn mạnh đây chính là sự ngăn trở, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Theo bác sĩ Thành, có nhiều người ở cộng đồng LGBT (gồm đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới) nhiễm HIV, và có xu hướng tăng ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM).

Số liệu thống kê cho thấy, nếu như trước đây, nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV là chủ yếu thì đến giai đoạn hiện nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM) nhiễm HIV đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn, nhất là ở nhiều tỉnh/thành phía Nam.

Các chuyên gia có thời gian dài tư vấn, hỗ trợ cho người nhiễm HIV, đặc biệt là ở nhóm MSM- cho rằng, tỉ lệ nhóm MSM nhiễm HIV gia tăng ở những người nhiễm HIV mới có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có việc nhóm MSM vẫn chưa ý thức được việc quan hệ tình dục an toàn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp nhiễm HIV vì nhiều lý do khác nhau mà dấu bệnh, thậm chí không biết mình đã nhiễm bệnh.

Bác sĩ Wayne Ho - cổ đông sáng lập nên mạng lưới Borderless.lgbt nhằm hỗ trợ kiến thức cho các bác sĩ ở châu Á và Việt Nam về y học LGBT trên toàn cầu - cho biết, người đồng tính ở Châu Á và ở Việt Nam nói riêng vẫn còn chưa thật sự cởi mở, chia sẻ về giới tính thật của mình.

Theo thống kế, nguy cơ nhiễm HIV trên toàn thế giới đối với đồng tính nam và MSM cao hơn 28 lần so với nam giới nói chung; phụ nữ chuyển giới cao hơn 14 lần so với phụ nữ nói chung. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc bệnh giang mai trên toàn thế giới trong nhóm MSM cao hơn 15 lần so với nam giới trong dân số nói chung.

Về vấn đề sức khỏe tinh thần, theo CDC Hoa Kỳ, thanh thiếu niên LGBT có nguy cơ tự sát cao gấp 4 lần so với bạn bè đồng trang lứa.

Hiện nền tảng Borderless đã và đang làm việc với hơn 10 phòng khám tư nhân trên cả nước với mong muốn hỗ trợ, chăm sóc tốt hơn cho cộng đồng LGBT tại Việt Nam. "Bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn chăm sóc sức khỏe hơn cho cộng đồng LGBT Việt Nam, thông qua dịch vụ thăm khám online tại nhà hoặc phòng khám tư nhân, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần nâng cao bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng LGBT Việt Nam", bác sĩ Wayne Ho chia sẻ.

Bộ Y tế khẳng định đồng tính không phải là bệnh nên không thể "chữa", không cần "chữa" mà chỉ hỗ trợ về mặt tâm lý. "Không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là bệnh nên không thể can thiệp, ép buộc điều trị mà chỉ hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện", Bộ Y tế nêu rõ và đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kỳ thị.

Trong Nghị quyết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chính Phủ đề ra mục tiêu các tỉnh thành trên cả nước phấn đấu có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho cộng đồng LGBT, đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm