Nữ tiến sĩ góp phần giữ cho tiếng Việt sáng hơn trong tâm hồn người Việt xa xứ

Hải Linh, Ảnh: NVCC
17/12/2023 - 18:38
Nữ tiến sĩ góp phần giữ cho tiếng Việt sáng hơn trong tâm hồn người Việt xa xứ

Chị Châu Hà biểu diễn văn nghệ trong đêm Trung thu dành cho trẻ em người Việt tại Đức

TS. Đào Thị Châu Hà là 1 trong 5 Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài vừa được Bộ Ngoại giao vinh danh tại lễ tổng kết "Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) năm 2023" ở Hà Nội.

Làm "sứ giả" tiếng Việt trước hết vì các con 

"Tôi thực sự rất vui khi nhận được danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài lần này. Đây là một vinh dự, đánh giá có phần ưu ái của đất nước với những gì cá nhân tôi và các bạn đồng nghiệp ở nhiều quốc gia đã và đang làm ở nước ngoài" - TS. Đào Thị Châu Hà xúc động chia sẻ.

Chị tâm sự: "Tôi làm "sứ giả tiếng Việt" trước hết vì các con tôi, vì các em nhỏ Việt Nam xa xứ ở quanh tôi và cả những em nhỏ có một phần dòng máu Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Tôi mong các em nhỏ gắn bó hơn với quê hương Việt Nam và có phẩm chất của một "cá thể song ngữ" thông minh hơn, tiếp cận các vấn đề nhanh nhạy và sáng tạo hơn. Để các cháu trở thành "cá thể song ngữ" không bao giờ là quá muộn, nhưng tốt nhất là trở thành cá thể song ngữ khi tuổi đời còn nhỏ. Bởi lúc nhỏ, các cháu học ngôn ngữ sẽ nhanh và thật tự nhiên. Có được tiếng Việt - ngôn ngữ cội nguồn, các cháu còn có khả năng học tốt ngôn ngữ nơi chính các cháu đang sinh sống và các ngôn ngữ khác".

Sinh ra trong một gia đình mà cả cha và mẹ đều là nhà giáo chuyên nghiên cứu về phương pháp dạy ngôn ngữ. Trong cuộc đời công tác, bố chị có nhiều chuyến điền dã đến vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam để tâm sưu tầm, khảo cứu văn hoá các dân tộc và thu được một số thành công nhất định. Còn mẹ chị là Tiến sĩ chuyên ngành về phương pháp dạy tiếng Việt .

Khi còn ở Việt Nam cùng bố mẹ, hằng ngày, chị được chứng kiến sự cần mẫn của bố mẹ, phần nào chị cảm nhận được tấm lòng và tình yêu dành cho công việc mà cả đời bố mẹ chị theo đuổi.

Sau khi vào đại học, qua đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ, chị Châu Hà chọn một chuyên ngành khác. Đó là cán bộ nghiên cứu của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tưởng như chị đã bỏ lỡ cái nghề truyền thống dạy học, dạy tiếng của gia đình. "Tôi sang Đức làm nghiên cứu sinh, lấy chồng người Đức, rồi sinh con. Hoàn cảnh cuộc sống đưa đẩy tôi gắn bó với vùng đất mới. Được sự động viên của chồng, cùng với bản năng và trách nhiệm của người mẹ, tôi quyết tâm truyền lại cho con mình tiếng nói của quê hương" - chị Châu Hà nhớ lại.

Người góp phần giữ cho tiếng Việt sáng hơn trong tâm hồn người Việt xa xứ- Ảnh 1.

Chị Châu Hà dạy con học tiếng Việt

Để đạt được kết quả, chị bất ngờ "lội ngược dòng" về với truyền thống của gia đình, nhận được sự khích lệ, giúp đỡ của bố mẹ, chị như được tiếp thêm sức mạnh với dự định của mình. "Đầu tiên, tôi dạy tiếng Việt cho con tôi, sau đó dạy cho con của các bạn tôi. Đến lúc này, chính con tôi lại là trợ thủ đắc lực cho mẹ trong việc dạy tiếng Việt. Dần dần, học trò đến với tôi như một nhà giáo dạy tiếng thực thụ. Số học sinh của tôi tăng dần, hình thức học tập mở rộng" - chị Châu Hà hào hứng nhớ lại.

"Tôi cần giúp các cháu nhỏ hiểu hơn về văn hóa, nguồn cội của mình"

Nhiệm vụ và mục tiêu dạy tiếng Việt và truyền bá văn hoá Việt của chị cứ thế lớn dần lên. Chương trình dạy học và tài liệu dạy tiếng Việt mà chị biên soạn cho chính mình, ban đầu chỉ là những giáo án với những kế hoạch giảng dạy ngắn hạn, sau trở thành kế hoạch dài hơi hơn.

"Lúc đầu, tôi đi từ phương pháp tự phát, sau dần trở nên có ý thức hơn trong việc bổ sung, điều chỉnh, cập nhật phương pháp dạy tiếng Việt hiện đại trong nước và thế giới. Thậm chí, tôi còn tham gia khoá đào tạo về tiếng và phương pháp dạy tiếng của các chuyên gia thuộc Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam".

Qua thực tiễn giảng dạy, chị nhận ra ý nghĩa sâu xa của việc dạy tiếng Việt cho trẻ nhỏ sống ở nước ngoài, yếu tố văn hóa vô cùng quan trọng. Chị bộc bạch: "Tôi cần giúp các cháu nhỏ hiểu hơn về văn hóa, nguồn cội của mình. Khi có sự can thiệp của văn hoá thì những bài dạy có sự hấp dẫn, mới mẻ. Tôi đặt thành nhiệm vụ truyền bá văn hoá qua việc dạy tiếng Việt cho trẻ nhỏ từ đó".

Văn hoá trong các bài giảng của chị Châu Hà không phải cái gì quá xa lạ. Có khi chỉ là một bài đồng dao xúc xắc xúc xẻ, một câu chuyện cổ tích loài vật, một nét ứng xử trong gia đình, một món ăn, điệu hát quê nhà, trò chơi có lời… Càng dạy, chị càng thấm thía sâu sắc chức năng của ngôn ngữ là giao tiếp, thông tin và thẩm mỹ. Bởi dạy tiếng cho các cháu nhỏ là dạy lời hay, ý đẹp và hơn hết là dạy các cháu về tình yêu Tổ quốc, điều này biểu hiện rất rõ với người Việt xa xứ.

Người góp phần giữ cho tiếng Việt sáng hơn trong tâm hồn người Việt xa xứ- Ảnh 2.

TS. Đào Thị Châu Hà được vinh danh là "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023".

Chị dần hoàn chỉnh thêm những ý tưởng của mình theo mấy hướng như: mở rộng và củng cố các hình thức dạy học, dạy qua kể chuyện, dạy trực tiếp, dạy trực tuyến, dạy theo tranh, dạy theo bài hát cũng như kết hợp với các trò chơi dân gian. Hay khai thác tốt các nội dung văn hoá đưa vào bài dạy theo yêu cầu nhẹ nhàng, phong phú và hấp dẫn. Xây dựng ngân hàng dữ liệu câu hỏi trắc nghiệm để giúp mình làm tốt hơn nhiệm vụ dạy học trước mắt và lâu dài. Tiếp tục hoạt động trò chuyện và đọc sách tiếng Việt trực tuyến hàng tuần với trẻ em ở nhiều nước, từ đó kết nối và giúp trẻ nhỏ hiểu thêm về văn hóa Việt.

Chị bày tỏ: "Tôi mong nhận được sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để có một tủ sách tiếng Việt cho cộng đồng. Điều này thực sự quan trọng, do môi trường giao tiếp tiếng Việt và tiếp xúc về văn hóa của trẻ hiện nay vẫn bị hạn chế". Với chị, điều quan trọng hơn tất cả, là mong góp phần giữ cho tiếng Việt ngày càng sáng hơn trong tâm hồn và tình cảm người Việt Nam ở xa Tổ quốc.

TS. Đào Thị Châu Hà được vinh danh là "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023" vì đã xây dựng kênh Youtube Ms Chery Bear để chia sẻ các video và audio về văn hóa Việt và các bài học tiếng Việt. Lập ra Câu lạc bộ trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài. Tổ chức các lớp học tiếng Việt trực tuyến cho con em người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Tham gia Dự án Vườn đọc sách (Lesegarten) của HORAMI - Nhà xuất bản sách song ngữ Đức - Việt tại Đức với vai trò người đọc sách và dẫn chương trình podcast.

Chị còn đọc sách và trò chuyện hằng tuần với các bé trong Câu lạc bộ trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài qua Zoom, đọc sách cho các bé sống ở Việt Nam qua hoạt động của Câu lạc bộ đọc sách "Những vì sao". Chị còn sáng tác các bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của tiếng Việt cũng như các bài thơ ngắn, dễ học để giúp các bé vui học tiếng Việt và xây dựng bộ học liệu tiếng Việt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm