Người mẹ làm thay đổi cuộc đời của 2 con nuôi

An Khê
19/05/2020 - 19:41
Người mẹ làm thay đổi cuộc đời của 2 con nuôi
Nhắc đến chị Lý Thị Tâm, người dân ở thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) ai cũng biết. Là một phụ nữ dân tộc thiểu số nhưng lòng nhân ái của chị Tâm đã trở thành câu chuyện xúc động đối với người dân nơi đây.

Nhận nuôi hai đứa con của hàng xóm có hoàn cảnh éo le từ lúc các cháu mới lên 7, lên 8, cho đến nay các cháu đã khôn lớn, người lập gia đình, người đang đi học, chị Lý Thị Tâm đã dành hết tâm sức của mình qua bao ngày vất vả dành cho con nuôi.

Nuôi anh nên người rồi lại nuôi em lớn khôn

Chị Tâm kể, mẹ của hai cháu là một phụ nữ không bình thường, khi sinh con ra, người bố không nhận, nên đuổi đi lang thang, làm thuê làm mướn hết nhà này sang nhà khác, cơm không đủ ăn, quần áo không có mặc, chịu đói rét khổ sở. 

Người phụ nữ dân tộc Dao giàu lòng nhân ái - Ảnh 1.

Chị Lý Thị Tâm ở thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

"Cách đây hơn 10 năm, thằng lớn là Bàn Văn Hùng mới 7, 8 tuổi, không biết gì, rất ngu ngơ và không biết nói. Ngày đi ngủ trên rừng, tối về thì vào nhà nào có cơm ăn là ăn trộm nên bị dân làng ghét. Thấy nó khổ quá, cứ như một con khỉ, ăn ở bờ bụi, không nhà cửa, tóc thì để dài, thấy thương hại, tôi lên rừng đón về nhà cắt tóc, tắm rửa và cho ở nhà mình. Lúc đó, hàng xóm bảo nhà tôi thừa gạo mới đón loại người này về cho ăn hết cơm hết gạo. Tôi thấy thương thì làm phúc nên dù nghe vậy vẫn quyết tâm nuôi nấng thằng bé lên người. Mình thấy mình khổ rồi, người ta còn khổ hơn mình. Tôi thương thì đón cháu như ruột thịt, các con tôi ăn gì thì cháu ăn cái đó. Dần dần thằng bé chịu khó nói nhiều hơn và khôn ngoan, hiểu biết hơn. Đến giờ cháu đã lập gia đình, có con và có công việc ổn định", chị Tâm chia sẻ.

Khi đó, thấy con mình ở với chị Tâm yên ổn, người mẹ ruột cũng vui vẻ cho con ở lại, vì bản thân chị cũng không tự lo cho bản thân được, lại bị chồng đuổi đánh không cho về nhà.

Mấy năm sau, người phụ nữ này lại sinh ra một đứa trẻ nữa và thêm một lần nữa, hai mẹ con họ lại đi làm mướn và ngủ vất vưởng khắp làng vì không được về nhà. Đến khi thằng bé được 7 tuổi, chị Tâm lại đón nó về nuôi. 

Nói về đứa con nuôi thứ hai này, chị Tâm kể: "Bố mẹ cháu vốn không được khôn và tính khí bất thường. Đứa bé sinh ra rất khổ sở, mẹ cứ dắt cháu đi lang thang ở ngoài làng, trời lạnh căm căm cũng không có quần áo để mặc. Cứ làm mướn nhà này vài hôm rồi lại bế nhau sang nhà khác làm thuê rồi mua đồ ăn rồi lại tiếp tục ở ngủ lang thang. Tôi đón cháu về nuôi từ lúc 7 tuổi, lúc đón về tôi cho cháu đi học, theo tên mẹ cháu là Bàn Văn Mạnh, sinh năm 2004. Bây giờ cháu đang học lớp 8. Lúc tôi xin cháu mang về nuôi thì mẹ nó cũng đồng ý vì biết tôi đã từng nuôi đứa lớn rất tốt rồi. Thằng bé này rất hiếu thảo, chăm ngoan, nó gọi vợ chồng tôi là chú thím. Rất may là chồng và hai người con tôi rất đồng lòng, lần nào nhận nuôi trẻ, người trong nhà tôi đều đồng ý và vui vẻ cả".

Người phụ nữ dân tộc Dao giàu lòng nhân ái - Ảnh 2.

Chị Lý Thị Tâm và người con trai nuôi thứ 2 - Bàn Văn Mạnh

Để đảm bảo cho cuộc sống của cả nhà, anh chị chăm chỉ làm rừng, trồng cam, buôn hoa quả để có thu nhập. Cũng có những năm cam mất mùa, cả gia đình lại cùng nhau vượt qua cơn khốn khó, nhưng tình cảm gắn bó, yêu thương. Bản thân chị Tâm cũng cảm thấy hạnh phúc vì những gì mình làm xuất phát từ trái tim đã được các con đẻ, con nuôi hiểu và đền đáp. Đó là món quà quý giá nhất mà người phụ nữ dân tộc Dao giàu lòng nhân ái này có được.

Người phụ nữ dân tộc Dao giàu lòng nhân ái - Ảnh 3.

Vợ chồng chị Tâm, cháu Mạnh và cháu ngoại của chị

Năm nay chị Tâm mới ngoài 50 tuổi, chị đã có cháu nội, cháu ngoại, nhìn tình cảm yêu thương gắn bó của gia đình chị, không ít người cảm phục.

Chị Tâm chia sẻ, các con đến với chị là một cái "duyên", ngay cả khi chúng bị ghét bỏ, chị cũng không quản ngại điều tiếng mang về nuôi. Nếu trước đây chị bỏ mặc thì biết đâu sau này thằng bé sống không nên người, trở thành một mầm mống nguy hiểm cho xã hội. Bởi vậy, khi dang rộng đôi tay ôm những số phận cơ nhỡ vào lòng, chị đã làm thay đổi những số phận một cách tích cực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm