Người Mường xóm Đon đồng lòng hiến đất xây dựng nông thôn mới

Thanh Vân
20/10/2022 - 11:11
Hiếm có xóm nào ở đất Mường lại có đường giao thông rộng rãi như xóm Đon (xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Đường liên xóm mà rộng từ 5 đến 8m, được đổ bê tông phẳng lì. Bà con người dân tộc Mường nơi đây đã đồng lòng, tình nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Phong trào xây dựng nông thôn mới với bà con người Mường ở Mỹ Hòa đã đi về đích. Cái xã miền núi xa lắc, xa lơ thuở nào của huyện vùng cao Tân Lạc giờ đã thay da đổi thịt từng ngày. Ngoài sự đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm do nhà nước đầu tư, bà con người Mường cũng đóng góp công, góp của và góp cả đất để xây dựng xóm làng. Mỹ Hòa đã thành công trong việc huy động sức dân, vận động toàn dân tham gia xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.

Không tiếc công, tiếc của

Đường vào xóm Đon rộng rãi, thoáng đãng hơn cả đường liên xã. Con đường bê tông thẳng tắp chạy dọc theo xóm, chứ không uốn lượn như đường giao thông ở các bản vùng cao. Ngay cả hệ thống rãnh hai bên đường cũng được làm rộng rãi.

Trên đường vào xóm chúng tôi gặp cụ Đinh Thị Thụ (78 tuổi). Cụ Thụ dắt đứa chắt nội đi chơi nhà cháu gái về. Trong bộ sắc phục của người Mường, nom cụ Thụ còn khỏe và rất tinh anh. Chiều chiều, cụ thích tản bộ trên con đường làng rộng thênh thang, thoáng đãng. Cụ thích đi chân đất vì cụ cảm được hơi đất, hơi ấm của bản làng mà cụ đã gắn bó bao năm nay.

Người Mường xây dựng nông thôn mới  - Ảnh 1.

Đường làng của xóm Đon được mở rộng. Bà con người Mường nơi đây đã đồng lòng hiến đất để xây dựng nông thôn mới.

Nói về con đường chính của xóm, cụ Thụ lại cảm thấy tự hào hơn. Gia đình nào có đất ở trục đường này cũng đều hiến đất để mở rộng đường. Những năm trước đây, con đường này chỉ nhỏ bằng 1/3 so với bây giờ. Khi xóm bàn việc mở rộng đường nông thôn, việc khó khăn nhất là nếu làm đường theo nền đường cũ, đường vẫn nhỏ, chỉ rộng chưa đến 3m.

Nếu mở rộng ra 8m, đường sẽ lấn vào tường rào, lấn vào sân của cả trăm hộ gia đình. Tính toán chi tiết, có gia đình mất cả trăm m2 đất. Tấc đất, tấc vàng, ai dám bỏ cả hàng rào của gia đình để làm đường. Trong khi đó, việc làm đường nông thôn, không có ngân sách để đền bù.

Người Mường xây dựng nông thôn mới  - Ảnh 2.

Cụ Thụ năm nay đã 78 tuổi. Cụ là người đầu tiên trong xóm sẵn sàng lùi bờ rào để hiến đất làm đường.

Tại cuộc họp xóm khi ấy, bà con trong xóm còn phân vân nhiều, cụ Thụ đã mạnh dạn nói với bà con: "Đời tôi đã trải qua 2 cuộc kháng chiến. Tôi từng cầm súng bắn máy bay địch và nhận bằng khen cũng là để bảo vệ xóm làng. Mong muốn xóm làng giàu đẹp hơn. Phải làm đường to, ô tô tải mới chở vật liệu, chở nông sản mới vào được xóm, tôi đồng ý dịch bờ rào lại. Xóm cần lấy đất làm đường đến đâu, gia đình nhà tôi đồng ý hiến đất đến đó".

Ít có cuộc họp xóm nào lại sôi nổi và thu hút được sự quan tâm của bà con đến vậy. Trước sự quyết tâm của cụ Thụ, các hộ dân khác trong xóm cũng đồng lòng hiến đất, mở rộng đường nông thôn. Ngay ngày hôm sau các gia đình tự dỡ hàng rào, bờ dậu để giao mặt bằng cho đội thi công.

Gia đình chị Bùi Thị Nhiên cũng dịch bờ rào vào hơn 2m để hiến đất làm đường. Chị Nhiên bảo: "Đường thông, hè thoáng, gia đình mình được hưởng lợi trước tiên. Mỗi người đóng góp một ít là con đường của thôn hoàn thành".

Người Mường xây dựng nông thôn mới  - Ảnh 3.

Bà con người Mường ở xóm Đon đã đồng lòng cùng đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới.

Không riêng gì bà Thụ, chị Nhiên, hơn trăm hộ gia đình khác của xóm Đon đã đồng lòng hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. Theo anh Bùi Thanh Long, trưởng xóm Đon, nhờ có mặt bằng do bà con bàn giao, mà chỉ trong nửa tháng, con đường bê tông rộng 8m, bao gồm cả rãnh nước hai bên đã được hoàn thành. Trước đây, xe ô tô tải mỗi khi vào xóm di chuyển gặp nhiều khó khăn. Khi con đường mới hoàn thành, xe tải có trọng tải lớn cũng vào được xóm.

Trên dưới đồng lòng

Sự đồng lòng trong việc xây dựng nông thôn mới đã huy động được toàn dân tham gia. Chẳng thế mà xóm Đon là đơn vị cán đích nông thôn mới nhanh nhất của xã Mỹ Hòa. Đường từ làng ra đồng được mở rộng, xe cơ giới chạy ra tới chân ruộng.

"Ngày đầu bàn về việc xây dựng nông thôn mới, bà con có nhiều bỡ ngỡ. Nhưng sau thời gian, bà con đã hiểu, việc đó đơn giản là nhân dân và nhà nước cùng làm. Mục đích cuối cùng là làm đẹp xóm làng. Giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên quê hương. Khi đã có sự động lòng của bà con, việc khó cũng thành dễ", anh Long cho biết thêm.

Người Mường xây dựng nông thôn mới  - Ảnh 4.

Xã Mỹ Hòa đã cán đích xây dựng nông thôn mới từ năm 2020. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống dưới 10%.

Hành trình xây dựng nông thôn mới ở xã Mỹ Hòa đã khơi gợi được nguồn lực trong dân. Ngoài xóm Đon, các xóm còn lại của xã như xóm Chuông, Tân Hòa, Chù Bụ và xóm Ngay, bà con người Mường nơi đây cũng dốc sức đồng lòng tham gia đóng góp sức người, sức của cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy mà xã Mỹ Hòa đã trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Tân Lạc cán đích xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Người Mường xây dựng nông thôn mới  - Ảnh 5.

Đường xá ở Mỹ Hòa được mở rộng có sự đóng góp không nhỏ của bà con người Mường nơi đây.

10 năm qua, với quyết tâm, đồng thuận chính quyền, đoàn thể và nhân dân, xã Mỹ Hòa đã xây dựng được kế hoạch cụ thể phấn đấu đạt các tiêu chí NTM theo từng năm. Từ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng được xây dựng theo quy hoạch, ngày càng khang trang, hiện đại.

Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt trên 92 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 31 tỷ đồng bằng tiền, ngày công, hiến đất, tài sản. Nhựa hóa, bê tông, cứng hóa 42,08 km đường giao thông nông thôn các loại, cứng hóa 16,85 km kênh mương. Xây dựng các nhà văn hóa đều đạt trên 80 chỗ ngồi trở lên, diện tích khu nhà văn hóa đạt từ 200 m2 trở lên, khu thể thao đạt từ 300 m2 trở lên...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm