Nữ nông dân quyết tâm vươn lên làm giàu với mô hình chăn nuôi thủy hải sản tại gia đình

Hải Linh - Ảnh: NVCC
20/04/2025 - 18:57
“Tôi là nông dân, không được đào tạo qua trường lớp nào, nên khi bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình đã gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi" - chị Nguyễn Thị Rua, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình - cho biết.

Người nông dân vươn lên làm giàu không dễ dàng

Chị Nguyễn Thị Rua (SN 1976), là hội viên Hội LHPN xã Tân Phong từ 2010, năm 2011, chị Rua được tín nhiệm bầu là Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Mễ Sơn 1. Hàng năm được bình xét là gia đình văn hóa tiêu biểu, chị bảo: "Tôi luôn xác định mình là cán bộ, hội viên phụ nữ trong thôn, nên phải gương mẫu thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào của địa phương cũng như của Hội. Trong gia đình, phải là người phụ nữ chung tay cùng chồng phát triển kinh tế, xây tổ ấm trong gia đình".

Để trở thành gia đình điển hình trong phát triển kinh tế hôm nay, vốn dĩ cả 2 vợ chồng chị đều là nông dân, không được đào tạo qua trường lớp nào, nên muốn vươn lên làm giàu là điều không dễ dàng.

Người nông dân Thái Bình và ý chí vươn lên làm giàu- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Rua quyết tâm vươn lên làm giàu với mô hình chăn nuôi thủy hải sản tại gia đình

Chị nhớ lại, năm 2017, Huyện ủy Vũ Thư có chủ trương tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi tập trung, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Vũ Thư.

"Khi ấy, vợ chồng tôi vốn chỉ quen làm ruộng, nhưng với lòng say mê lao động, muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, nên đã bắt tay vào mở rộng phát triển sản xuất. Ban đầu vợ chồng tôi đầu tư tại gia đình theo mô hình vườn ao chuồng, vừa chăn nuôi, vừa chế biến, cung cấp thực phẩm cho bà con trong và ngoài tỉnh. Rồi mở rộng gia trại nuôi lợn với số lượng lớn. Nhưng vấn đề lúc này là mô hình gia trại của gia đình chị không đảm bảo vệ sinh môi trường, với vai trò là cán bộ Chi hội phụ nữ, tôi không muốn gia đình mình gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong thôn" - chị Rua nhớ lại.

Sau đó, gia đình chị được UBND huyện Vũ Thư cho phép sửa sang quy hoạch xây chuồng trại rộng 34.500m2, ở khu vực quy hoạch vùng chuyển đổi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung ở xa khu dân cư. Tưởng như việc chăn nuôi đã thuận lợi, thì một thời gian sau, cả thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi, gia đình chị phải dừng lại chăn nuôi lợn, chuyển sang đào ao nuôi cá. 2 năm đầu nuôi cá, dù cũng có thu nhập, nhưng vất vả mà hiệu quả không cao, do vợ chồng chị chưa có kinh nghiệm.

Từ chăn nuôi lợn, nuôi cá không ổn định, nhà chị chuyển sang nuôi tôm. Thậm chí vợ chồng chị đầu tư mua giống tôm tốt nhất từ Nha Trang về nuôi 2 đầm tôm, song do thiếu kiến thức và kinh nghiệm, nên tôm đã chết hàng loạt.

Người nông dân Thái Bình và ý chí vươn lên làm giàu- Ảnh 2.

Sau nhiều lần gặp khó khăn trong chăn nuôi tôm nước lợ, chị đã chuyển sang đầu tư 4 đầm nuôi tôm nước ngọt thành công

Tích cực tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật

Dẫu chăm chỉ làm ăn, xoay xở đủ hướng, song việc làm ăn của gia đình chị Rua vẫn gặp khó khăn. Không từ bỏ ý chí vươn lên làm chủ cuộc sống, chị kể: "Vợ chồng tôi gặp đồng chí trưởng thôn để nắm bắt các hộ được giao ruộng không có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất. Rồi tham gia họp thỏa thuận với các hộ gia đình để thuê lại ruộng đất xấu đó trong thời gian dài, với định mức thuê 50kg/sào/năm. Đến nay, gia đình tôi tích tụ được 5 ha đất nông nghiệp tập trung trên địa bàn 2 thôn Mễ Sơn 1, Mễ Sơn 2. Với diện tích đất đủ lớn để vợ chồng tôi đầu tư sản xuất, vừa làm thủ tục thuê đất, vừa tranh thủ đi học hỏi các mô hình sản xuất quanh vùng để tìm hướng đầu tư sản xuất cho gia đình đạt hiệu quả".

Để có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất nông trại, chị Nguyễn Thị Rua tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội LHPN xã Tân Phong tổ chức và các phương tiện truyền thông để tích luỹ kinh nghiệm và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Người nông dân Thái Bình và ý chí vươn lên làm giàu- Ảnh 3.

Chồng chị luôn đồng lòng cùng vợ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống

Từ những lớp tập huấn của Hội và các tổ chức địa phương, chị dần biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Vợ chồng chị tiến hành cải tạo đồng ruộng, đào ao đắp bờ thửa bằng máy ghép bê tông tạo vùng sản xuất thuận tiện, đồng thời xây ghép 4 đầm lớn để nuôi tôm, 1 đầm để xử lý nước tuần hoàn. Trên bờ là trồng các loại cây ăn quả ngắn ngày dài ngày cho thu nhập thường xuyên dễ tiêu thụ như: chuối, na, đu đủ, bơ... ngoài ra còn nuôi gà, nuôi ngỗng, ngan. 

"Từ rất nhiều khó khăn, vợ chồng tôi tiếp tục học hỏi, nghiên cứu nuôi tôm từ nước mặn sang nước nợ sang nước ngọt, con tôm cần gì. Tự điều chỉnh lượng oxy, cali trong nước hàng ngày đo 2 lần kiểm tra độ PH, độ phèn các chỉ số trong nước đảm bảo ổn định. Theo dõi sự phát triển điều chỉnh thức ăn nguồn nước lúc nào cũng phải đảm bảo sạch để con tôm phát triển tốt không bị bệnh. Đến nay, gia đình tôi đã thành công nuôi tôm thẻ nước ngọt cứ sau 3 - 5 tháng thu hoạch 1 lứa đạt 1,5 tấn. Bình quân thu nhập trừ chi phí, một năm gia đình tôi thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Với tài sản ban đầu là 1 tỷ đồng, thì nay tổng tài sản ước đạt 6,7 tỷ đồng" - chị Rua chia sẻ.

Người nông dân Thái Bình và ý chí vươn lên làm giàu- Ảnh 4.

Nhiều chị em phụ nữ trong Chi hội thôn, Hội LHPN xã đến học tập mô hình phát triển kinh tế gia đình của chị Rua

Ngoài hăng say lao động sản xuất, nuôi dạy 2 con ngoan trưởng thành, chị Rua còn là hội viên phụ nữ luôn đi đầu trong các phong trào thi đua do Hội LHPN xã phát động, như phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Đặc biệt, mỗi khi Hội LHPN xã hay các tổ chức đoàn thể trong thôn, xã phát động ủng hộ phong trào từ thiện, tương thân tương ái giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, chị Rua lại tích cực làm gương tham gia đóng góp bằng tấm lòng ấm áp của mình, mong muốn chung tay giúp các hội viên khác vươn lên làm chủ cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm