Người Philippines thê thảm trước làn sóng Covid-19 mới nhất

N.A
30/04/2021 - 08:57
Người Philippines thê thảm trước làn sóng Covid-19 mới nhất

Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ vận chuyển một bệnh nhân qua đời vì Covid-19 tại một bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: AP

Liên hệ đến hơn một chục bệnh viện, từ sáng sớm đến tận nửa đêm, nhưng Jayson Maulit, cư dân thủ đô Manila, Philippines, vẫn không tìm được giường bệnh cho người thân. Và không chỉ Maulit, rất nhiều người Philippines cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tấn công đất nước có hơn 108 triệu dân này.

Hệ thống y tế Philippines bị quá tải

Cụ Ina Dalling, 95 tuổi, là bà cố của hai chị em Maulit và Hazel. Cụ bị nhiễm Covid-19 và sau nhiều ngày tìm kiếm bệnh viện để chữa trị, hai chị em Maulit cũng tìm được một cơ sở tại Batangas, cách nơi gia đình họ sinh sống ở Manila gần 100 km. Bệnh viện này đồng ý tiếp nhận cụ Dalling như một trường hợp khẩn cấp, nhưng không đảm bảo sẽ có giường nếu như cụ sống sót.

Bất chấp điều đó, Maulit vẫn đưa cụ lên xe cấp cứu. Tới nơi, cụ Dalling được đặt nội khí quản và đội ngũ y tá khẩn trương xử lý. Tuy nhiên, cụ Dalling đã qua đời khoảng một giờ sau khi nhập viện. Mặc dù vậy, gia đình nạn nhân Covid-19 này không có nhiều thời gian để đau buồn. Họ ngay lập tức phải tìm một bệnh viện khác cho bà Trining Gappi Maulit, bà nội của chị Maulit, người cũng bị nhiễm Covid-19.

Người Philippines thê thảm trước làn sóng Covid-19 mới nhất - Ảnh 1.

Cụ Ina Dalling, 95 tuổi, được xe cấp cứu đưa đến bệnh viện ở Philippines sau khi nhiễm Covid-19. Ảnh: Jayson Maulit

Những câu chuyện tương tự đang xuất hiện trong nhiều gia đình trên khắp đất nước Philippines. Tình hình đại dịch tại đây được đánh giá đang nghiêm trọng nhất Đông Nam Á với tổng số ca nhiễm đã lên đến hơn 1 triệu ca trong đó có hơn 16.000 trường hợp tử vong.

Theo Washington Post, nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Philippines cần điều trị buộc phải được đưa tới những bệnh viên bên ngoài thủ đô Manila, có thể cách xa tới 5 giờ di chuyển, do hệ thống y tế bị quá tải. Các trường hợp tử vong tại nhà, trên đường và đôi khi ngay bên ngoài cửa phòng cấp cứu đang được ghi nhận.

Một số bệnh viện tư nhân đã chuyển sang chế độ chăm sóc tại nhà, tư vấn từ xa và tuyển dụng nhân viên y tế từ các tỉnh. Bộ Y tế Philippines đang phát triển một gói chăm sóc tại nhà cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 không quá nặng.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người vắng mặt trước công chúng kể từ đầu đợt bùng phát mới, hồi giữa tháng 4 tuyên bố nước này "không thiếu thốn". Đội ngũ nhân viên y tế Philippines, những người cho rằng Covid-19 đáng lẽ có thể được ngăn chặn, không đồng tình với phát ngôn này. Mặc dù số ca bệnh hằng ngày thấp hơn trong tuần qua, các bệnh viện vẫn kín chỗ; một số bệnh nhân được điều trị trên xe lăn trong phòng cấp cứu hoặc trên đường lái xe vào tuần thứ ba của tháng 4.

Đại dịch ngày càng trở nên trầm trọng

Tại một bệnh viện tư nhân ở thành phố Makati, vẫn có một hoặc hai ca tử vong mỗi ngày, rất lâu sau khi các bác sĩ nhận thấy số ca bệnh tăng trong tháng 3. Ông Ivan Zapanta, một bác sĩ nội khoa, cho biết: "Khi đó, chúng tôi nhận ra rằng với số ca bệnh trong phòng cấp cứu quá đông như vậy, chúng tôi không thể cứu tất cả".

Không chỉ tăng về số lượng, độ tuổi bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19 cũng bị trẻ hóa. Đây cũng là một áp lực rất lớn đối với các nhân viên y tế, những người phải báo tin buồn cho gia đình của các bệnh nhân.

Bác sĩ Zapanta nói: "Đây là điều đáng báo động vì những người này có sức khỏe tốt, không mắc bệnh gì đi kèm. Đó chính là bằng chứng cho thấy virus ngày càng nguy hiểm hơn".

Người Philippines thê thảm trước làn sóng Covid-19 mới nhất - Ảnh 2.

Cụ Ina Dalling và bà Trining Gappi Maulit tạo dáng chụp ảnh. Cả hai người phụ nữ này đều đã qua đời vì Covid-19 ở Philippines trong năm nay. Ảnh: Jayson Maulit

Oscar (không phải tên thật), một tài xế xe cứu thương, cho biết, anh đã trực tiếp chứng kiến đại dịch ngày càng trở nên trầm trọng. Oscar cùng các đồng nghiệp điều khiển tổng cộng 15 phương tiện, mỗi chiếc có thể tiếp nhận tối đa 10 cuộc gọi mỗi ngày. Tuy nhiên, họ giờ đây thường chỉ xử lý được 3-4 trường hợp, với bệnh nhân ở xa nhất Oscar từng tiếp nhận, cách thủ đô Manila hơn 194 km.

Vào cuối tháng 3, Oscar chứng kiến khoảng 50 người hy vọng được vào phòng cấp cứu nhưng đã bị từ chối. Oscar cũng đã thấy một bệnh nhân để được thở oxy, anh ta phải đợi 8 tiếng đồng hồ. Trong một trường hợp khác, các đồng nghiệp của Oscar đã lái xe đến 5 bệnh viện trước khi đưa bệnh nhân về nhà và anh ta đã qua đời ngay sau đó.

"Dù chúng tôi vô cùng mong muốn chăm sóc và đưa đón họ, chở họ đến bệnh viện để họ có thể khỏe mạnh trở lại, điều đó vẫn không xảy ra. Mọi người đang chết dần. Đó là thực tế", Oscar nói.

Anh bày tỏ niềm vui vì chính phủ đang mở rộng các khu điều trị Covid-19, nhưng không thể tránh khỏi suy nghĩ rằng nỗ lực này có chút muộn màng. "Vậy còn những người đáng lẽ đã được điều trị nhưng không có cơ hội? Nỗ lực ứng phó hiện nay thật tốt, nhưng liệu có quá muộn màng đối với những bệnh nhân khác hay không?", Oscar đặt câu hỏi.

Gần đây, Maulit cho kết quả âm tính, các thành viên trong gia đình của cô cũng dần bình phục. Nhưng ngay trước nửa đêm ngày 21/4, khoảng 1 tháng sau khi Covid-19 bắt đầu bùng phát trở lại tại Phillipines, bà Trining đã qua đời.

Maulit buồn bã nói: "Hiện tại, mọi người đều gặp phải tình trạng không thể tiếp cận được hệ thống chăm sóc sức khỏe. Những câu chuyện của các thành viên trong gia đình còn sống sẽ thay cho những người đã chết vì họ không có cơ hội được chăm sóc sức khỏe đầy đủ".

Nguồn: Theo Washington Post
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm