Người phụ nữ châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung trở lại

06/12/2018 - 21:46
Việc Giám đốc tài chính Sabrina Meng Wanzhou của “ông lớn” công nghệ Trung Quốc Huawei bị bắt đã ngay lập tức châm ngòi cho căng thẳng Mỹ - Trung khiến nhiều người không khỏi tò mò nữ giám đốc tài chính này là ai và tại sao đây lại là một vấn đề lớn.

Từ nhân viên bán hàng đến phó chủ tịch tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới

Trong một cuộc phỏng vấn với 21st Century Business Herald của Trung Quốc vào năm 2013, bà Meng Wanzhou (sinh năm 1972) cho biết công việc đầu tiên của bà là tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc sau khi tốt nghiệp vào năm 1992. Sau đó 1 năm, bà mới gia nhập Huawei.

Bà Meng từng trải qua rất nhiều công việc khác nhau tại Huawei. “Tôi làm việc như một thư ký và hỗ trợ bán hàng,... khi công ty còn nhỏ. Công việc đầu tiên của tôi ở Huawei rất tầm thường. Năm 1997, tôi trở lại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung lấy bằng thạc sĩ về kế toán. Sau đó, tôi làm việc tại bộ phận tài chính của Huawei và đó chính là khởi đầu thực sự cho sự nghiệp của tôi”, bà Meng chia sẻ với 21st Century Business Herald.

Năm 2003, bà Meng thành lập tổ chức tài chính thống nhất toàn cầu của Huawei với các cấu trúc tiêu chuẩn, quy trình tài chính, hệ thống tài chính và nền tảng công nghệ thông tin.

Từ năm 2005, bà đã lãnh đạo việc thành lập 5 trung tâm dịch vụ được chia sẻ trên toàn thế giới, đồng thời bà cũng là người đứng sau việc hình thành trung tâm thanh toán toàn cầu ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Trung tâm này đã nâng cao hiệu quả kế toán và chất lượng giám sát của Huawei, cung cấp các dịch vụ kế toán để duy trì sự mở rộng nhanh chóng của công ty ở nước ngoài.

Từ năm 2007, bà Meng phụ trách chương trình chuyển đổi dịch vụ tài chính tích hợp (IFS), một mối quan hệ đối tác 8 năm giữa Huawei và Tập đoàn công nghệ máy tính IBM, giúp Huawei phát triển hệ thống dữ liệu và quy tắc phân bổ nguồn lực, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và kiểm soát nội bộ.

Trong những năm gần đây, bà Meng tiếp tục tập trung vào việc thúc đẩy quản lý tài chính tại Huawei gắn với các kế hoạch phát triển dài hạn của công ty.

nu-cfo-huawei-b-bat-la-ai.JPG
Việc bà Meng bị bắt giữ có nguy cơ khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng nổ trở lại.

Trước năm 2013, bà Meng rất kín tiếng trước công chúng. Đặc biệt, bà không bao giờ đề cập đến cuộc sống cá nhân cho đến năm 2016, khi bà kể một câu chuyện về con trai mình như một ví dụ minh họa cho tầm quan trọng của sự kiên trì.

“Một ngày nọ, con trai tôi không muốn đi bơi và con gần như đã quì xuống cầu xin chồng tôi để không phải đi bơi. Nhưng cuối cùng thằng bé vẫn bị từ chối. Tuy nhiên, đến bây giờ, con trai tôi tự hào trở thành đại diện cho trường học trong các cuộc thi bơi lội”, bà Meng chia sẻ trong một bài phát biểu tại trường quốc tế Trùng Khánh năm 2016.

Gần đây, tại một hội nghị khoa học ở Singapore, bà Meng cũng đã có bài phát biểu, trong đó đề cập đến vai trò tương lai của Huawei trong phát triển công nghệ: “Nếu không có các trường đại học, thế giới sẽ bị bỏ lại trong bóng tối. Nếu không có ngành công nghiệp, khoa học sẽ bị bỏ lại trong tháp ngà. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là đường chân trời và trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ cốt lõi của nó. Huawei may mắn là một phần trong đó”.

Xuất thân thượng lưu và nguồn cơn sóng gió

Bà Meng Wanzhou là con gái của nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei - một trong những doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc, một cựu sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân và là thành viên được bầu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi nghỉ hưu và rời lực lượng vũ trang năm 1983, ông Ren mới thành lập Công ty Huawei.

Hồi đầu năm, bà Meng đã được đề bạt giữ chức Phó Chủ tịch Công ty Huawei như một phần trong kế hoạch cải tổ của công ty. Bà hiện là một trong 4 giám đốc điều hành giữ vai trò phó chủ tịch, trong khi vẫn giữ vị trí CFO của mình. Với vai trò quan trọng trong công ty, bà Meng được đồn đoán là người có khả năng cao kế thừa Công ty Huawei mặc dù ông Ren từng khẳng định, sẽ không có ai trong gia đình ông kế nhiệm ông ở vị trí đứng đầu công ty.

Vào tháng 8 vừa qua, cái tên Huawei nổi lên giữa căng thẳng Mỹ - Trung sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cấm sử dụng phần cứng của công ty này trong các mạng lưới của chính phủ Mỹ với lý do an ninh quốc gia, đặc biệt liên quan đến việc triển khai mạng 5G. Trước thông tin trên, nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới Huawei đã tuyên bố những lo ngại trên của chính phủ Mỹ là không chính đáng.

Sau đó, vừa cuối tuần qua, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý tạm thời ngừng cuộc chiến thương mại giữa hai nước để đàm phán trong 90 ngày. Nhưng chưa được bao lâu thì thông tin bà Meng bị bắt tại Canada và dẫn độ về Mỹ lại khiến cuộc xung đột có nguy cơ căng thẳng trở lại.

Trong một thông báo gửi đến toàn thể nhân viên vào ngày 6/12, Huawei đã trấn an nhân viên không nên bị ảnh hưởng bởi những “bình luận bên ngoài” về việc bà Meng bị bắt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm