Người phụ nữ làm giàu từ việc phủ xanh vùng đất khô cằn

12/11/2017 - 13:48
Nhiều năm vất vả, trăn trở với cây chè, chị Phạm Thị Nụ (tổ dân phố số 1, phường Tân Phong, Lai Châu) đã giúp nhiều bà con dân tộc có công ăn, việc làm ổn định. Chị cũng là một trong những người được bình chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017.
Không sinh ra, lớn lên ở vùng đất chè, nhưng cái duyên, cái nợ đã đưa đẩy chị Phạm Thi Nụ đến với vùng chè từ những năm 80. Rời quê lúa Thái Bình lên Lai Châu lập nghiệp, chị Nụ bắt đầu gắn bó với công ty chè. Sau 20 năm làm việc, thời điểm chị nghỉ hưu cũng là lúc cây chè tại địa phương bắt đầu xuống cấp. Chè làm ra sản lượng thấp, bán xuống giá, bà con trong vùng nản, không muốn sản xuất tiếp.
Chị Phạm Thi Nụ quyết tâm khôi phục lại vùng nguyên liệu chè cho bà con Tây Bắc

Với suy nghĩ, nếu không tìm cách duy trì vùng nguyên liệu, có thể một ngày không xa, những cây chè Lai Châu sẽ không còn nữa, năm 2004, chị Phạm Thị Nụ cùng chồng quyết định mua lại một xưởng sản xuất chè với trị giá 500 triệu đồng. Đó cũng là những năm tháng đầy thách thức, khó khăn của vợ chồng chị, khi vốn liếng đã dốc hết vào xưởng, thị trường đầu ra của chè đang có nhiều biến động, công nghệ chế biến lạc hậu… Nhưng niềm tin sẽ khôi phục vùng nguyên liệu trồng chè cho bà con đã giúp chị Nụ không nản chí và quyết tâm tìm hướng đi mới cho cây chè vùng cao.

Phủ xanh những vùng đất cằn khô

Liều lĩnh bán cả nhà, cả đất, vay thêm tiền ngân hàng để xây dựng nhà xưởng, máy móc, chị Nụ bắt đầu cùng bà con xã Sùng Phài, huyện Tam Đường khôi phục lại những vùng đất trồng chè. Với tập quán của người dân tộc, trồng và thu hái chè hoàn tàn theo tự nhiên, không chăm bón thường xuyên nên chất lượng và sản lượng búp chè không cao.
Những đồi núi cằn khô đã được phủ xanh sắc chè
 
Để khắc phục điều này, chị Nụ lại từng bước động viên bà con yên tâm sản xuất, cho bà con vay phân lân, phân đạm, rồi hướng dẫn cách chăm sóc, thu hái chè. Năm 2005, chị đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng đầu tư phân bón và hướng dẫn cho các hộ dân cải tạo hơn 50ha chè. Bên cạnh đó, chị còn mạnh dạn đầu tư thuê máy ủi san, gạt mặt bằng để mở rộng và kéo dài đường giao thông quanh xưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại trồng và chăm sóc cây chè được tốt hơn. Chất lượng chè dần ổn định và nâng cao, năm sau cao hơn năm trước. Vùng đất hoang sơ của người Dao, người Giáy… ngày nào đã được phủ xanh bằng những lá chè, người dân Sùng Phải đã thay đổi nhiều hơn trước.
 
Thay đổi diện mạo một vùng quê

Khi vùng nguyên liệu bắt đầu ổn định, chị Phạm Thị  Nụ tiếp tục đầu tư hiện đại hóa công nghệ, lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại với công suất 1.300 tấn chè tươi/năm. Hiện nay, toàn bộ công nghệ chế biến chè từ thu hái đến sao chè, lên hương… đều được chị sử dụng máy móc thay thế cho cách làm truyền thống. Nhờ đó, năng suất và chất lượng chè tăng lên rõ rệt. Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, chị Phạm Thị Nụ còn xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Pakistan và Đài Loan.
Sản lượng chè búp tươi của chị Nụ đạt 2.000 tấn/năm

Hồi sinh một vùng chè nguyên liệu có tiếng, chị Phạm Thị Nụ đã nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động từ công nhân tới hộ trồng chè. Hiện nay công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh tạo công việc ổn định cho 40 công nhân với mức lương  4 triệu đến 4,5 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ vùng nguyên liệu của công ty đời sống khấm khá nhờ giá chè ổn định. Chị cũng đã ký hợp đồng trồng và bán chè với hơn 100 hộ nông dân xung quanh. Ở địa phương, chị Nụ còn được ghi nhận với nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới như: hỗ trợ tiền, vật liệu xây dựng, nhân công để làm đường nội đồng, làm nhà văn hóa tổ dân phố, hỗ trợ cho một số hộ nghèo vay vốn không lấy lãi, giúp đỡ, hỗ trợ 20 hộ nông dân thoát nghèo….
Chị còn đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương
 
Chị Phạm Thị Nụ chia sẻ thêm, trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục đầu tư thêm phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh cho người dân trồng chè, nhất là đối với bà con dân tộc thiểu số để đảm bảo chất lượng chè búp tươi. Dù khó khăn, cạnh tranh vẫn còn nhiều, nhưng chị Phạm Thị Nụ vẫn luôn cố gắng bằng mọi cách để góp phần giữ vững chất lượng, uy tín thương hiệu chè Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Danh hiệu, hình thức khen thưởng của chị Phạm Thị Nụ:

- Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương (2007-2011)

- Thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo vì sự phát triển của phụ nữ tỉnh Lai Châu

- Thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

-Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: đã có thành tích trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Lai Châu

- Danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm