pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ mắc bệnh K và sự tương trợ kịp thời từ Hội
Lễ ra mắt CLB Đan móc len, tương trợ phát triển kinh tế do chị Thạch Ngọc Hà (thứ 3 từ trái sang) làm chủ nhiệm
Chị Thạch Ngọc Hà mắc căn bệnh ung thư vú từ năm 2016, không chỉ "giành giật" sự sống mà chị còn đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính, công việc. Mắc bệnh ung thư được xem như bước một chân vào cửa tử, vậy nên tiền bạc đều đổ dồn cho việc chữa trị, thuốc men.
Kinh tế gia đình chị ngày càng kiệt quệ và trở thành hộ nghèo tại địa phương. Nhớ lại giai đoạn khó khăn ấy, chị Hà chia sẻ "Khoảng thời gian chiến đấu với ung thư, tôi phải nghỉ việc ở nhà.
Tôi thấu hiểu được những khó khăn khi sống mà không làm chủ kinh tế, hoàn toàn phụ thuộc vào người thân nên rất nhiều vấn đề nảy sinh. Tôi tâm niệm, nếu sức khỏe ổn định thì tôi sẽ dành thời gian còn lại phục vụ cộng đồng".
Khi sức khỏe đã bắt đầu ổn định, chị Hà loay hoay tìm công việc mới phù hợp với sức khỏe và có thêm thu nhập. Nhờ sự định hướng từ Hội LHPN phường 5 (quận 8, TPHCM) và có sẵn hiểu biết về nghề đan móc từ nhỏ, nên chị Hà đã bắt tay vào học nghề bài bản và tạo ra những sản phẩm của riêng mình.
Sản phẩm của chị làm ra như gấu bông, hoa, túi xách… ngày càng đa dạng và sáng tạo, đúng thị hiếu của giới trẻ nên ngày càng có nhiều người đặt hàng. Từ đây, chị ấp ủ ý tưởng mở rộng quy mô và giúp nhiều chị em địa phương có thêm công việc.
Để hỗ trợ chị Hà mạnh dạn thành lập CLB, Hội LHPN quận 8 đã giới thiệu chị vay ngân hàng 30 triệu đồng. Tháng 8/2023, CLB bắt đầu chiêu sinh. Chị Hà trực tiếp hướng dẫn, dạy nghề miễn phí cho những phụ nữ nghèo tại địa phương và trả công theo sản phẩm.
Hiện nay, CLB có 16 thành viên, chủ yếu là các chị em nội trợ. Các thành viên trong CLB sẽ được phân công công việc khoa học, theo kiểu sản xuất dây chuyền quy mô nhỏ để có tính chuyên nghiệp. Sản phẩm làm ra sẽ đều và nhanh hơn.
"Ví dụ với việc móc những chú gấu bông, các thành viên được phân công móc các bộ phận khác nhau như đầu, tay, chân của con gấu. Khâu cuối cùng là ráp, gắn mắt, mũi, tạo dáng cho sản phẩm cần đến kinh nghiệm cũng như năng khiếu thẩm mỹ, giúp sản phẩm có hồn sẽ do tôi phụ trách. Người nào làm khâu nấy thì sẽ chuyên nghiệp và khéo léo hơn", chị Hà phân tích.
Gắn kết, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn
CLB ra đời cũng là lúc 16 thành viên với 16 hoàn cảnh khó khăn khác nhau được gắn kết, chia sẻ từng niềm vui nỗi buồn và cùng tạo nguồn thu để phát triển kinh tế gia đình. Em Hồ Thị Thanh Dung, thành viên của CLB, cho biết, năm 2020, ba Dung mất vì Covid-19. Một mình mẹ em nuôi 3 con ăn học nên phải làm lụng nhiều công việc vất vả.
Dung là con giữa. Em gái Dung đang học tiểu học, chị đầu đang học đại học. Bản thân Dung cũng vừa tốt nghiệp THPT và đã đậu đại học. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Dung phải xin bảo lưu kết quả. Việc tham gia CLB đan móc len, tương trợ phát triển kinh tế của chị Hà là cách để Dung nuôi ước mơ bước vào giảng đường đại học.
"Sau 4 tháng theo học đan móc tại CLB, em đã làm tốt một số sản phẩm đơn giản và mỗi ngày có thể kiếm khoảng 100.000 đồng. Em sẽ để dồn số tiền này đóng học phí nhập học vào năm sau. Em sẽ theo đuổi con đường học tập. Bây giờ, mẹ em cũng đến nhận hàng về làm cùng em. Em cảm thấy cuộc sống của mình vui hơn, ý nghĩa hơn rất nhiều", Dung tâm sự.
Bà Nguyễn Đoàn Phi Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận 8, cho biết: "Mấy tháng qua, Hội LHPN quận 8 cố gắng kết nối, hỗ trợ đầu ra cho các chị. Chúng tôi giới thiệu sản phẩm qua fanpage, Facebook của Hội LHPN quận 8 và hướng dẫn cho trưng bày sản phẩm ở một số cửa hàng bán đồ lưu niệm trên địa bàn, giới thiệu tham gia các gian hàng hội chợ khởi nghiệp.
Đặc biệt, khi tổ chức sự kiện, thay vì mua hoa tươi tặng khách mời, Hội LHPN quận 8 sẽ mua sản phẩm hoa đan len của CLB như một cách hỗ trợ, đồng hành".