pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ Mông "đổi đời" nhờ lướt mạng, đọc tin

Sùng Thị Gia đã tận dụng lợi thế từ mạng xã hội để phục vụ công việc
Sức mạnh của thông tin
Sùng Thị Gia chia sẻ, trước khi xem được những phiên livestream, đọc những câu chuyện về phụ nữ làm kinh tế, cô từng nghĩ có lẽ cuộc sống của mình sẽ gắn liền với nương rẫy như bao phụ nữ người Mông khác ở bản.
Nhưng sức mạnh từ nguồn thông tin đầy ắp trên mạng đã khiến cuộc sống của Gia thay đổi. Tháng 10/2023, cô đã nghĩ, nếu chỉ bám vào nương rẫy sẽ không có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống. Tạm biệt bản nhỏ, Gia khăn gói đi Sơn La học nghề may và sau đó về mở tiệm may trang phục dân tộc phục vụ bà con ở thôn bản mình.

Sùng Thị Gia - người gắn với ruộng nương đã muốn thay đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bất ngờ là chỉ sau 2 tháng học, Gia đã có thể cắt may thành thạo. Cô chia sẻ: Vì phụ nữ người Mông từ nhỏ đã biết thêu thùa, may vá nên tôi học cắt may rất nhanh, hầu như không gặp khó khăn gì. Tôi cũng là người đầu tiên ở bản khởi nghiệp với nghề may. Không phải cạnh tranh ban đầu nhưng lại gặp khó khăn về vốn…
Gia thấy tiếc vì giờ phụ nữ Mông không còn ai giữ được nghề truyền thống dệt vải lanh, thêu thùa, làm sản phẩm thổ cẩm. Học xong cô đầu tư máy khâu, máy thêu/in họa tiết trên vải. Dù thêu máy không thể đẹp và tinh xảo như sản phẩm thủ công truyền thống nhưng họa tiết trên vải vẫn gần gũi với loại vải truyền thống của dân tộc mình. "Loại vải này cũng được thanh niên người Mông lựa chọn rất nhiều!"- Gia kể.
Hiện tại, sau gần 2 năm mở tiệm, Gia có hai nhân viên làm cố định tại tiệm và vào dịp lễ Tết thường phải thuê thêm nhân viên thời vụ để kịp trả hàng đúng hẹn cho khách.
Sở hữu lượng tương tác "khủng"
Sùng Thị Gia bày tỏ, vì từ nhỏ đã thích hát nên đầu năm 2019 Gia đã tự lên Youtube tìm bài hát và mày mò tự lập kênh riêng cho mình. Kênh hoàn toàn bằng tiếng của dân tộc Mông và thu hút khá nhiều người theo dõi, ủng hộ (hiện tại là gần 8.500 tài khoản đăng ký).
Niềm vui khi có một kênh để giao lưu với cộng đồng, cùng nhau gìn giữ những bài hát, ngôn ngữ của dân tộc mình càng nhân lên khi Gia nhận được những khoản tiền đầu tiên từ kênh này. "Có thời điểm số tiền nhận được mỗi tháng từ kênh là 2,5 triệu đến 4 triệu đồng. Có những bài đăng có hơn 100 nghìn lượt người xem, hàng trăm lượt bình luận tương tác. Tôi thấy vui vì kênh cá nhân của mình có sức lan tỏa như vậy"- Sùng Thị Gia chia sẻ.
Theo Gia những thông tin từ khóa tập huấn giúp phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế mà cô được tham gia đã tạo thêm động lực để một phụ nữ vốn chỉ quen với việc ruộng nương muốn khởi nghiệp và bước đầu có kết quả. Năm 2025, bằng khoản tiền dành dụm được, vợ chồng Gia đã mua được mảnh đất làm cửa hàng rộng rãi ngay mặt đường.
Gia lập kênh Tik Tok vào năm 2023 với ý định để thỏa mãn đam mê ca hát của mình. "Ban đầu mọi người vào nghe tôi hát, sau có người hỏi về trang phục tôi mặc… nên tôi đã nghĩ tới việc bán hàng trên kênh này! Hiện tại, sản phẩm may của tôi bán trên kênh Tik Tok khá nhiều!"- Gia chia sẻ.
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, Gia có "chiến lược" bán hàng cẩn thận. Đó là mỗi lần xuất hiện trên kênh đều mặc trang phục truyền thống thật đẹp và cất giọng hát sở trường của mình. Khi có đông người xem thì mới bắt đầu giới thiệu sản phẩm. Hiện tại, kênh Tik Tok của Gia đã lên xu hướng, có hơn 37 nghìn follow, gần 395 nghìn lượt thích, mỗi ngày Gia vẫn đều đặn 4 lần đưa bài lên kênh để giữ chân người xem.
Ở bản không ai làm nghề may nhưng hiện tại sản phẩm may sẵn cho đồng bào Mông trên thị trường khá nhiều, giá thành rẻ. Thế nên Gia thường xuyên phải sáng tạo ra các mẫu mới. Mỗi lần nghĩ ra mẫu mới là phải tranh thủ đi chọn vải, cắt may thật nhanh bởi có sản phẩm mới đồng nghĩa với việc sẽ bán được nhiều hàng hơn.
Hai nhân viên của Gia bắt đầu làm việc từ con số 0 nhưng hiện tại đều đã có thể cắt may cơ bản. Trong suốt cuộc trò chuyện, Gia thường nhắc đến giá trị của việc nắm bắt được thông tin và được truyền cảm hứng qua những câu chuyện phụ nữ khởi nghiệp. "Tôi đã muốn thay đổi từ khi tiếp cận với thông tin từ mạng xã hội, từ loa truyền thanh. Thế nên với phụ nữ dân tộc, việc được trang bị những thông tin hữu ích quan trọng không kém gì việc có vốn để khởi nghiệp!"- Gia nhấn mạnh.
Gia chia sẻ, muốn tiếp tục duy trì kênh Youtube như một nơi giữ gìn bản sắc dân tộc mình nhưng vì công việc từ tiệm may quá bận đã khiến cô bỏ bẵng một thời gian. "Tôi sẽ sớm có kế hoạch để thường xuyên đăng bài trở lại trên kênh. Sẽ không chỉ là những bài hát mà còn là câu chuyện từ cuộc sống của đồng bào Mông và cả những thông tin hữu ích cho phụ nữ vùng cao. Tôi hy vọng, câu chuyện của tôi cũng có thể lan tỏa tinh thần muốn thay đổi, dám thay đổi đến với những người phụ nữ dân tộc khác"- Sùng Thị Gia vui vẻ bày tỏ.