pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ Pa Cô và hành trình "lên mạng" giữa đại ngàn Đakrông

Bà Hồ Thị Nết đang gọi video call cho con trai
Tổ công nghệ công đồng - cầu nối đưa người dân "chạm" vào thế giới số
Hơn 6h sáng, khi sương vẫn còn lãng đãng trên các nẻo đường, ngồi trong căn nhà sàn đơn sơ, bà Nết loay hoay mở máy, rồi bấm "Zalo" - thứ mà trước đây, bà chỉ gọi là "cái ứng dụng có mặt con trai". Chỉ hơn một năm trước, chiếc điện thoại cảm ứng đối với bà là một vật thể... xa lạ.
Cả đời bà gắn với rẫy sắn, củi lửa, chẳng mấy khi ra khỏi bản. Nhưng rồi con trai đi làm ăn xa, liên lạc bị gián đoạn. Khi tổ công nghệ cộng đồng đến tận nhà, kiên nhẫn chỉ từng thao tác, bà mới dám cầm máy. "Họ chỉ tôi nhấn chỗ nào để gọi video, chỗ nào nhắn tin. Nhiều hôm tôi run tay, nhưng các cháu ở tổ công nghệ công đồng nói không sao, bấm sai thì làm lại, đừng sợ điện thoại", bà Nết kể.
Xã A Vao, huyện Đakrông là vùng biên giới giáp Lào, nơi từng được coi là "vùng lõm" về thông tin. Sóng điện thoại yếu, người dân quen sống khép kín, chủ yếu truyền tin qua... miệng. Nhưng từ khi Dự án 6 – Truyền thông và giảm nghèo về thông tin được triển khai, diện mạo số đã dần lan tới từng nhà.

Chị Hồ Thị Giang, Phó Bí thư Đoàn xã A Vao, hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh
Tổ công nghệ cộng đồng là một mô hình mới trong khuôn khổ dự án, gồm những thanh niên bản địa thông thạo công nghệ, trực tiếp đến hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh. Từ chụp ảnh, gọi điện, tra cứu thông tin, nộp hồ sơ điện tử đến đăng ký khám bệnh từ xa, họ là cầu nối đưa người dân "chạm" vào thế giới số.
Bà Hồ Thị Nết giờ không còn phụ thuộc vào con gái để gọi cho con trai đi làm ăn xa. Mỗi sáng, bà còn mở loa nghe tin tức địa phương, tự bật camera để "khoe" vườn chuối đang trổ buồng. "Bữa trước có cán bộ xã gọi Zalo nhờ tôi chụp hình cái rẫy để làm hồ sơ hỗ trợ, tôi làm được đó".
"Nhờ chiếc điện thoại thông minh tôi không còn lạc hậu như trước"
Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã A Vao, cho biết: "Nhiều người dân trước đây rất ngại công nghệ vì họ sợ không biết chữ, sợ bấm sai. Nhưng qua tổ công nghệ cộng đồng, đặc biệt là các chị em phụ nữ - những người tưởng như khó tiếp cận nhất lại chính là những người tiếp thu nhanh và kiên trì".
Ông nhấn mạnh, ở A Vao hiện nay, hơn 70% hộ có ít nhất một người biết sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ cuộc sống hàng ngày. "Những câu chuyện như bà Hồ Thị Nết không hiếm. Có bà cụ gần 70 tuổi, lần đầu gọi video cho cháu đang học ở thành phố mà khóc nức nở. Đó là cảm xúc thật, là minh chứng cho hiệu quả của Dự án 6".

Nhiều trẻ em trong xã A Vao hiện đã có thể sử dụng điện thoại thông minh thành thạo
Người dạy bà Nết là chị Hồ Thị Giang (Phó Bí thư Đoàn xã A Vao - thành viên tổ công nghệ cộng đồng). Chị Giang tâm sự: "Lúc đầu, bà Nết không tin là mình có thể học được. Tôi phải đến nhiều lần, mỗi lần chỉ dạy một tính năng thôi. Sau vài tuần liên tục, thấy bà bấm gọi thành công, tôi vui lắm".
Cũng từ những buổi học đơn sơ như thế, nhiều người phụ nữ Pa Cô đã có thể gọi điện thoại báo tin mùa màng, gửi hồ sơ điện tử để xin hỗ trợ thiên tai, thậm chí kết nối với cán bộ y tế khi có triệu chứng lạ trong bản.
"Tôi không biết "chuyển đổi số" là cái gì, tôi chỉ biết từ khi có chiếc điện thoại thông minh, tôi và nhiều người không còn lạc hậu như trước", bà Nết nói.
Giữa đại ngàn A Vao, nơi những con đường còn gập ghềnh, sóng điện thoại có lúc chập chờn, nhưng câu chuyện của người phụ nữ biết gọi video đã mở ra một niềm tin mới rằng, công nghệ không chừa ai lại phía sau, nếu có người đến tận tay, chỉ tận tình, và tin vào sự thay đổi.