Người phụ nữ trọn đời giữ gìn nét văn hóa tự hào của đồng bào Khmer Nam bộ

Minh Thúy
02/02/2025 - 13:28
Người phụ nữ trọn đời giữ gìn nét văn hóa tự hào của đồng bào Khmer Nam bộ

Nghệ thuật Rô-băm không chỉ là một hình thức trình diễn mà là nhịp thở của cả một cộng đồng, là sợi dây kết nối giữa những thế hệ Khmer qua dòng chảy thời gian - Ảnh: VGP/Minh Thúy

Nhờ những người như Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Lâm Thị Hương, nghệ thuật múa Rô-băm của dân tộc Khmer sẽ sống mãi, như một dòng chảy không ngừng, mang theo sức sống và linh hồn dân tộc Khmer trên hành trình đến tương lai, khẳng định sự trường tồn bất diệt của những giá trị văn hóa.

65 năm tuổi đời, NNƯT Lâm Thị Hương đã dành trọn 52 năm đắm mình trong nghệ thuật múa Rô-băm. Bà tự nhận lấy trách nhiệm lớn lao là giữ gìn và tiếp nối truyền thống của đoàn nghệ thuật Rô-băm Reasmei Bưng Chông có tuổi đời hơn 200 năm và cũng là đoàn duy nhất còn lưu truyền loại hình nghệ thuật truyền thống này của đồng bào Khmer tại tỉnh Sóc Trăng.

Từ một ngôi làng nhỏ ở ấp Bưng Chông (xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), múa Rô-băm đã đi cùng gia đình bà qua 5 thế hệ, như một mạch ngầm văn hóa không bao giờ tắt.

Tuổi thơ của NNƯT Lâm Thị Hương gắn liền với những đêm trăng sáng nép bên cánh gà, say mê dõi theo từng bước chân của cha và các thành viên của đoàn nghệ thuật Rô-băm Bưng Chông luyện tập trên sân nhà mình. Mỗi lần cha hóa thân vào nhân vật, cô bé Hương như được sống trong thế giới huyền thoại Khmer với các vị thần, những cuộc chiến của cái thiện chống lại cái ác, và những triết lý sâu sắc mà mỗi người Khmer đều khắc ghi trong tim.

Người phụ nữ trọn đời giữ gìn nét văn hóa tự hào của đồng bào Khmer Nam bộ- Ảnh 1.

65 năm tuổi đời, NNƯT Lâm Thị Hương đã dành trọn 52 năm đắm mình trong nghệ thuật múa Rô-băm - Ảnh: VGP/Minh Thúy

Nghệ nhân Lâm Thị Hương cho biết, múa Rô-băm không chỉ là một loại hình nghệ thuật, mà còn là một phần linh hồn, là niềm tự hào của người Khmer. Những điệu múa với 33 động tác chuẩn mực, những chiếc mặt nạ đầy bí ẩn, những bộ trang phục cầu kỳ đều gắn liền với lịch sử và tâm linh của dân tộc Khmer. Nghệ thuật Rô-băm được cộng đồng Khmer xem như là sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong những lễ hội, trở thành di sản văn hóa phi vật thể quý giá, đại diện cho nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.

Sân khấu Rô-băm không rực rỡ đèn màu, không phông màn xa hoa. Chỉ cần một khoảng đất trống, một ngọn đèn dầu cũng đủ để bắt đầu một vở diễn. Trên sân khấu ấy, những câu chuyện từ hàng trăm năm trước vẫn sống động như thể vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Năm 2019, nghệ thuật múa Rô-băm của người Khmer Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trải qua nhiều thăng trầm, nghệ thuật múa Rô-băm có lúc tưởng chừng mai một khi đời sống hiện đại dần thay thế những sinh hoạt văn hóa truyền thống. Nhưng với bà Hương, Rô-băm không chỉ là nghệ thuật sân khấu, mà còn là một phần linh hồn Khmer không thể để mai một, là nhịp thở của cả cộng đồng và là sợi dây kết nối những thế hệ Khmer qua dòng chảy thời gian. Bà luôn tâm niệm: "Chỉ cần còn một người yêu và học Rô-băm, thì di sản này sẽ không bao giờ mất đi". Chính vì thế, bà dành tình yêu vô điều kiện cho nét văn hóa đầy tự hào này của dân tộc mình. Bà không chỉ gìn giữ, mà còn thắp sáng ngọn lửa nghệ thuật cho thế hệ trẻ.

Năm 2016, NNƯT Lâm Thị Hương cùng chồng là nghệ nhân Sơn Del đã đưa một số diễn viên từ Sóc Trăng ra Hà Nội, tham gia biểu diễn và quảng bá nghệ thuật Rô-băm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội). Đây không chỉ là cơ hội để bà giữ lửa đam mê, mà còn là cách để đưa Rô-băm đến gần hơn với bạn bè du khách trong và ngoài nước.

Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên không gian diễn xướng Rô-băm tại Làng Văn hóa-Du lịch được xây dựng dựa trên kiến trúc truyền thống Khmer; với ngôi chùa uy nghi và những căn nhà sàn truyền thống của cộng đồng Khmer miền Tây Nam Bộ.

NNƯT Lâm Thị Hương không chỉ là một vũ công và nhạc công tài hoa, mà còn là một người chế tác đạo cụ sân khấu Rô-băm bậc thầy. Từng chiếc mặt nạ, từng đạo cụ biểu diễn của đoàn đều mang dấu ấn của bà, như những tác phẩm nghệ thuật sống động kể lại câu chuyện của dân tộc mình.

Dù tuổi đã cao, mỗi ngày bà Hương vẫn dành nhiều giờ luyện tập, truyền dạy cho các nghệ sĩ trẻ từng bước múa, từng lời thoại. Bà quan niệm rằng, nghệ thuật không thể dạy chỉ qua lý thuyết, mà phải thực hành để thấm, để cảm. Kết thúc mỗi buổi học, bà thường tổ chức những buổi biểu diễn nhỏ để học trò thực hành. Qua đó, bà không chỉ giúp học trò tiếp thu và thành thục kỹ thuật hát múa mà còn dẫn dắt họ trong hành trình khám phá bộ môn nghệ thuật và những giá trị tinh thần thiêng liêng của dân tộc. Chính nhờ cách truyền dạy đặc biệt ấy, bà đã đào tạo nên hàng trăm học trò xuất sắc. Nhiều người trong số họ đã trở thành trụ cột của các đoàn nghệ thuật Rô-băm nổi tiếng, như đoàn Reasmei Bưng Chông và các nhóm múa tại Sóc Trăng.

Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, nghệ nhân Lâm Thị Hương đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào tháng 3/2019. Nhưng với bà, danh hiệu chỉ là phần nhỏ so với niềm vui khi thấy nghệ thuật Rô-băm được tiếp nối: "Người ta nói nghệ thuật là cái đẹp, nhưng với tôi, nó còn là sức mạnh để kết nối con người. Tôi hạnh phúc vì những điệu múa của mình không chỉ là sự trình diễn, mà là những hạt giống được gieo vào trái tim mỗi người. Khi họ cảm nhận được, yêu thích và hiểu ý nghĩa của nó, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời tôi", nghệ nhân chia sẻ.

Nghệ thuật múa Rô-băm dưới sự gìn giữ của Nghệ nhân Lâm Thị Hương là sợi dây nối liền quá khứ và hiện tại, là nhịp cầu đưa văn hóa Khmer từ cội nguồn cổ xưa đến với thế giới hiện đại. Nhờ những người như NNƯT Lâm Thị Hương, nghệ thuật Rô-băm sẽ sống mãi, như một dòng chảy không ngừng, mang theo sức sống và linh hồn dân tộc Khmer trên hành trình đến tương lai, khẳng định sự trường tồn bất diệt của những giá trị văn hóa.


Nguồn: VGP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm