Chị Hồ Thị Lan Anh (phường Dịch Vọng, Hà Nội) phàn nàn, chị mua một căn hộ chung cư trả góp và hiện còn khoảng 400 triệu chưa được giải ngân. Vừa qua, chị được ngân hàng BIDV thông báo, khoảng 400 triệu này chị không được hưởng lãi suất ưu đãi 5%/năm nữa mà phải làm thêm phụ lục hợp đồng với lãi suất thỏa thuận của ngân hàng.
Chị Linh Chi (Cổ Bi, Hà Nội) cũng cho biết, chị vừa được ngân hàng Vietinbank đưa một tờ phụ lục hợp đồng về việc thỏa thuận lãi suất 7,9%/năm với khoản tiền 500 triệu chưa giải ngân khi mua căn hộ chung cư của chị.
Hàng loạt khách hàng khác tham gia gói vay 30.000 tỷ tại những ngân hàng như Vietcombank, Agribank... cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Nếu không chấp nhận mức lãi do ngân hàng đặt ra, người mua nhà sẽ đối mặt với việc, hoặc phải nộp phí phạt trả chậm hoặc bị chủ đầu tư thanh lý hợp đồng mua nhà, thậm chí còn bị phạt thêm 20% giá trị hợp đồng.
Người vay gói 30.00 tỷ đồng đang phải trả lãi suất cao |
Trước đó, nhiều người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng vì thông tin các khoản tiền giải ngân sau ngày 1/6 (dù vẫn trong gói 30.000 tỷ hỗ trợ mua nhà ở xã hội của Chính phủ) sẽ phải chịu lãi suất thương mại thông thường thay vì ưu đãi 5%. Lãi suất thương mại có thể cao gấp đôi và khiến nhiều người rơi vào bẫy lãi suất, không có khả năng chi trả.
Để giải đáp nỗi lo lắng này, hôm 31/5, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tin chính thức về phương án gia hạn gói 30.00 tỷ hỗ trợ mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình, đã ký hợp đồng trước ngày 31/3, thì vẫn được giải ngân tiếp chương trình hỗ trợ với lãi suất ưu đãi.
Mặc dù đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ song Ngân hàng Nhà nước lại không tái cấp vốn ưu đãi, khiến các ngân hàng thương mại đang phải chủ động đưa ra mức lãi suất với khách hàng.
Nguyên nhân là do công văn nêu phương án xử lý gói 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước đã được trình Thủ tướng từ cuối tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Đại diện ngân hàng BIDV cho biết, dù nhận được văn bản chỉ đạo tiếp tục giải ngân nhưng các ngân hàng thương mại không được tái cấp vốn lãi suất ưu đãi nên không thể cho vay rẻ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, việc khách hàng bị tính lãi suất cao từ 8 - 9%/năm chỉ là phương án thỏa thuận tạm thời, khi Thủ tướng đồng ý phương án đề xuất của cơ quan này, khách hàng sẽ được tính lãi suất ưu đãi trở lại. Trong văn bản trình Thủ tướng vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất nới quy mô gói 30.000 tỷ đồng lên gần 33.000 tỷ đồng để có cơ sở tái cấp vốn cho các ngân hàng cho vay ưu đãi.
Tính đến 10/5, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 34.826 tỷ đồng, tức là vượt "quota" gói 30.000 tỷ. Tính đến 20/5, số tiền đã giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỷ đồng.