pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguồn lao động dịp cận Tết: Đến hẹn lại thiếu
Người lao động tìm kiếm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội
Hàng trăm ngàn vị trí việc làm còn trống
Những tháng cuối năm là dịp cao điểm sản xuất hàng hóa, nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh tuyển dụng, tìm kiếm người lao động để gấp rút thực hiện các đơn hàng. Thời điểm này cũng là "điểm rơi" nhu cầu tuyển dụng lao động do thiếu hụt nguồn nhân lực.
Chị Mai Anh, chủ xưởng may hàng dệt kim tại phố Nam Dư, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết, cả tháng qua, chị như ngồi trên đống lửa vì lượng đơn hàng sắp đến ngày phải trả mà nguồn nhân lực lao động thiếu hụt trầm trọng.
Cơ sở của chị cần tuyển gấp 30 thợ may hàng dệt kim chuyên dòng áo phông T-shirt, Polo, sweater, hoodie... trả lương theo sản phẩm, làm càng nhiều thu nhập càng cao; có thưởng Tết, thậm chí hỗ trợ ăn và chỗ ở nhưng vẫn không nhận đủ hồ sơ gửi về.
Chị Nguyễn Thị Quyên, chủ xưởng sản xuất chăn - ga - gối ở phường La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội), cho biết, mấy tháng nay, xưởng nhà chị luôn có 40 lao động làm việc toàn thời gian, thậm chí tăng ca vẫn không kịp làm đơn hàng.
Chị muốn tuyển thêm 30 người, mà không đặt ra yêu cầu tuyển dụng khắt khe, thậm chí còn giảm bớt tiêu chí, như vị trí thợ may 1 kim, biết may vắt sổ chỉ cần trên 18 tuổi, thậm chí người lao động tới 60 tuổi, cũng nhận.
Mức lương theo sản phẩm, trung bình là 10 triệu đồng/tháng hoặc hơn, có hỗ trợ tiền cơm trưa, tối. Với vị trí phụ may không giới hạn tuổi, không cần kinh nghiệm, lương cứng 200 ngàn đồng/ngày nhưng vẫn chưa có đủ người nhận việc. Chị Quyền phải vào các diễn đàn, các nhóm mạng xã hội để đăng thông tin tuyển dụng mà chưa tuyển đủ số người cần.
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội), thời điểm những tháng cuối năm, thị trường lao động sôi động hơn. Các doanh nghiệp liên tục thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động để phục vụ các đơn hàng đáp ứng thị trường dịp Tết.
Qua rà soát, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô khoảng 120.000 - 150.000 vị trí việc làm trống. Nhiều vị trí có nhu cầu cao, tập trung vào các nhóm lĩnh vực phù hợp với lao động nữ như nhân viên bán hàng, dịch vụ, các nhóm việc làm bán thời gian dành cho lao động phổ thông phục vụ các chương trình khuyến mại, chạy sự kiện cuối năm.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết: Nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối cung - cầu thị trường lao động tăng cao thời điểm cuối năm, Trung tâm liên tục mở các phiên giao dịch việc làm từ thứ Hai đến thứ Sáu và các phiên giao dịch việc làm chuyên đề để đáp ứng nhu cầu mở rộng nguồn lao động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Trung tâm mở các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, phiên giao dịch việc làm lưu động để người lao động có cơ hội tìm được việc làm cuối năm với mức lương tốt; doanh nghiệp cũng tuyển dụng được người lao động phù hợp với nhu cầu.
Theo ông Vũ Quang Thành, thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các vị trí của ngành bán lẻ, thương mại điện tử, cụ thể như nhân viên kinh doanh, bán hàng, phục vụ... bởi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm.
Mức lương phổ biến của các vị trí dao động từ 7 triệu đến 15 triệu đồng. Ở một số vị trí đòi hỏi trình độ cao, có ngoại ngữ, mức lương có thể trên 15 - 20 triệu đồng. Với nhóm lao động bán thời gian, mức lương phổ biến từ 6 triệu đến 7 triệu đồng/tháng.
Còn hạn chế trong khớp nối cung - cầu lao động
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), cho biết, tính đến hết quý III/2024, thị trường lao động tiếp tục có xu hướng phục hồi. Tuy nhiên, chất lượng nguồn cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Có khoảng 37,6 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên; cũng đồng nghĩa cả nước chỉ có khoảng 28,5% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ. Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững.
Chưa có sự cải thiện nhiều về nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng cao. Số lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước). Nhóm lao động ở khu vực này thường làm công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định.
Nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ có xu hướng tăng dịp cận Tết nhưng chỉ là những công việc mang tính tạm thời, thiếu bền vững.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc kết nối giữa nguồn cung lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp vẫn còn khoảng trống. Nhiều doanh nghiệp phản ánh phải tự mày mò, trầy trật tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu.
Trong khi hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều website giới thiệu việc làm mọc ra nhưng thông tin thiếu chính xác, chất lượng không đảm bảo, thậm chí còn bị nhiều đối tượng lợi dụng, giả mạo doanh nghiệp tuyển dụng để thu tiền hồ sơ của người lao động.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay vẫn thiếu sàn giao dịch việc làm có quy mô đủ lớn, đảm bảo uy tín, cung cấp thông tin lao động, việc làm chính xác, kịp thời; chưa hình thành được các "chợ việc làm" online có quy mô, đảm bảo được sự kết nối chặt chẽ giữa nguồn cung và nguồn cầu lao động, để doanh nghiệp và người lao động yên tâm tìm đến.
Để giải quyết vấn đề cung - cầu lao động, theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ kết nối cung-cầu lao động, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động tìm kiếm việc làm.
Trung tâm căn cứ vào những định hướng phát triển của thị trường lao động, trên cơ sở đó tư vấn cho người lao động, đồng thời tổ chức các phiên giao dịch việc làm để gắn kết doanh nghiệp với người lao động.
Về lâu dài, theo ông Vũ Quang Thành, cần tiếp tục phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; xây dựng cơ sở dữ liệu về cung-cầu lao động trên phạm vi cả nước để việc kết nối nhu cầu của doanh nghiệp - hoạt động đào tạo - người lao động được chặt chẽ, hiệu quả, bền vững hơn.