Đa số các quán vỉa hè thường ở những địa điểm đông người qua lại, như thế chắc chắn không tránh khỏi khói bụi bẩn bám vào thức uống. Đó là chưa kể do thời tiết nắng nóng nên thực phẩm để lâu sẽ không đảm bảo được chất lượng.
Nước mía siêu sạch hay siêu bẩn?
Chỉ cần dạo quanh một tuyến đường bất kỳ ở TPHCM, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những xe nước mía siêu sạch, nước mía 'khổng lồ' với giá chỉ 5.000đ/ly. Nhưng nếu được mục sở thị thì thực khách không khỏi ớn lạnh ngay giữa trưa hè. Trên thực tế, ở phần đông các quán, người bán luôn để tay trần khi chế biến, từ công đoạn ép mía lấy nước, cho nước đá vào ly nhựa đến cả việc nhận và thối tiền thừa. Trong khi đó, theo kết quả điều tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), có tới hơn 40% bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm bị nhiễm khuẩn E-coli gây tiêu chảy.
Điểm chung dễ nhận thấy ở các quán nước này là nguyên liệu, dụng cụ dùng "sản xuất" nước mía đều không sạch. Mía bào vỏ cùng với mía chưa cạo đựng chung trong một chậu nhựa hoặc trên tấm bạt trải ra sàn nhà hoàn toàn không được che đậy. Máy ép thì gỉ sét, ruồi nhặng bu đầy, kế bên là xô nước đục ngầu dùng để rửa ly uống.
Ảnh minh họa |
Vài năm gần đây, các xe nước mía siêu sạch dần dần thế chỗ xe nước mía truyền thống vì thiết kế gọn gàng, chỉ cần ép 1 lần, cây mía sẽ ra hết nước. Tuy nhiên, theo anh Minh Trí, một kỹ sư chuyên sửa chữa máy móc, thì loại máy ép nước mía siêu sạch này do cấu tạo nên không thể làm vệ sinh bên trong máy, chỉ có thể rửa bằng cách đổ nước vào để dẫn bụi bẩn ra ngoài giống như “tráng sơ cái ly”. Đó là lý do không ít người khi uống nước mía “siêu sạch” đã được 'khuyến mãi' thêm vài con ruồi!
Nước cam nguyên chất nhưng không tươi
Dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7 (TPHCM), cứ cách vài mét lại có 1 điểm bán nước cam tươi nguyên chất. Ngoài một số điểm nhìn có vẻ sạch sẽ, còn lại hầu hết khá nhếch nhác, tạm bợ. Điểm đặc trưng của những "quán" cam vắt dạng này là nằm ngay lề đường, gồm 1 thùng xốp đựng nước đá, 1 hộp đường, cam tươi, ly nhựa và ống hút. Bắt đầu mở từ sáng sớm nhưng theo người bán, trưa và chiều mới là lúc đông khách nhất. Khách thường là người đi đường, tấp xe vào mua rồi đi ngay, không ngồi lại "quán".
Cam, ống hút, chai, ly nhựa được bày giữa bao nhiêu khói bụi dưới trời nắng như đổ lửa. Một vài nơi bán dùng máy vắt nước cam nhưng chiếc máy đã gỉ, bám đầy bụi bẩn. Mỗi ly nước cam vàng ươm có giá 7.000đ, 1 chai thì 10.000đ.
Chị Thanh, người bán nước cam trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), tiết lộ, trước kia chị bán khoảng 35kg cam/ngày nhưng trong những ngày náng nóng vừa qua thì có khi bán được hơn 50kg cam/ngày.
Chủ quán sinh tố Tươi Xanh tại đường 15 (Q.7) cho biết: “Quán nhập cam tươi giá khoảng 22.000đ/kg, loại xấu nhất cũng đã 16.000đ/kg. Mỗi kg chỉ được 3-4 trái nên làm sao bán với 7.000đ/ly nước vàng ươm, ngọt lịm như thế. Chỉ có thể là cam Trung Quốc chứ miền Tây mùa này, cam không thể rẻ được”.
Đa phần nước cam ở những điểm bán trên vỉa hè đều rất chua và có vị đắng ngắt của loại cam bị hư. |
Bên cạnh đó, các quán nước ngọt vỉa hè, sâm lạnh, trà chanh, chè các loại, trà sữa, xúc xích... cho tuổi "teen" lại hoạt động tấp nập trước các cổng trường, không ít chủ quán vì chạy theo lợi nhuận đã bỏ qua khâu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, biến các món uống yêu thích của học trò trở thành những mối hiểm họa khôn lường.
Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: ”Ăn thực phẩm đường phố bẩn có 2 nhóm nguy cơ: thực phẩm bị nhiễm bẩn (lên men, độc tố vi khuẩn) có thể gây ngộ độc thức ăn cấp tính, biểu hiện là đau bụng, nôn ói và tiêu chảy, có thể sốt hoặc không… Nguy cơ muộn: thường là do các hoá chất được tẩm, ngâm trong thực phẩm, loại mà ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ con người chưa lường trước được. Nó có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư, gây quái thai đối với phụ nữ mang thai, gây ảnh hưởng phát triển thể chất đối với trẻ nhỏ và nhiều nguy hại khác. Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm thì người dân tránh ăn uống ở những quán hàng không đảm bảo vệ sinh, không dùng những đồ ăn, thức uống bán dạo vì ở đó, thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn”.