pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người từ việc dùng mạng xã hội
Tiểu phẩm về phòng, chống mua bán người có sự tham gia của các em học sinh tại sự kiện
Ngày 21/12, tại thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), Bộ Công an phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông về phòng, chống mua bán người nhằm tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người cho hội viên phụ nữ, các em học sinh và người dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam, phát biểu
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam, cho biết, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới và trong khu vực diễn biến khá phức tạp. Tại Việt Nam, theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người của Bộ Công an, trong giai đoạn từ 1/2012 đến tháng 2/2023, có tổng số gần 1.800 vụ án về mua bán người được khởi tố với hơn 3.000 bị can; tiếp nhận, hỗ trợ gần 8.000 nạn nhân.
Tại tỉnh Bắc Giang, trong giai đoạn 2020-2023, lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang tiếp nhận, giải quyết 4 vụ việc về tội mua bán người, giải cứu 20 công dân là người Bắc Giang xuất cảnh sang các nước lao động bị các đối tượng xâm hại sức khỏe; tiếp nhận, giúp đỡ 4 nạn nhân bị mua bán trở về địa phương sớm hòa nhập với cộng đồng.
Theo thống kê, đầu năm 2023, Việt Nam có gần 78 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số; 89,8% người dùng internet tại Việt Nam đã có sử dụng ít nhất 1 mạng xã hội. Đây vừa là cơ hội cho người dân tiếp cận thị trường, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhưng cũng là nguy cơ trở thành nạn nhân của nhiều loại hình tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.
Trước thực trạng này, Hội LHPN Việt Nam đã phát huy vai trò của tổ chức, tính ưu việt của công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Các cấp Hội Phụ nữ hiện có khoảng 2 nghìn trang fanpage, hơn 11 nghìn nhóm zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức hoạt động Hội. Trong đó, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đã duy trì cổng thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh; 222 trang fanpage và facebook, trên 2.000 nhóm zalo của Hội LHPN tỉnh, 10 huyện, thành phố và cơ sở.
Các Cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội là diễn đàn quan trọng để Hội lắng nghe tâm tư của hội viên, phụ nữ, người dân đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hội viên, phụ nữ và nhân dân về phòng, chống mua bán người. Các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về phòng, chống mua bán người với các hình thức mới mẻ, nội dung hấp dẫn cũng được triển khai, đã thu hút được hàng triệu lượt tiếp cận từ công chúng trên khắp cả nước.
Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp cũng ưu tiên triển khai nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người tại cộng đồng, tư vấn cho phụ nữ có ý định di cư, định kết hôn với người nước ngoài, trực tiếp hỗ trợ nạn nhân, xây dựng các mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; hỗ trợ sinh kế tại chỗ để hội viên phụ nữ không nảy sinh ý định di cư hoặc xuất cảnh trái phép đi làm ăn, lao động, kết hôn… tại nước ngoài.
Các em học sinh tham dự sự kiện
"Tại sự kiện truyền thông hôm nay, thông qua hình thức "Sân khấu diễn đàn", trò chơi tương tác và thông tin cập nhật về tình hình mua bán người hiện nay, chúng tôi mong muốn cung cấp thêm những kiến thức về phòng, chống mua bán người, nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiệm trọng của tội phạm mua bán người.
Qua đó giúp người dân nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện ra các hành vi phạm tội mua bán người. Đặc biệt, đối với các em gái cần thận trọng khi làm quen, tiếp xúc, quan hệ với các nam thanh niên quen biết qua mạng xã hội.
Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý, nắm được các mối quan hệ bạn bè của các cháu để có sự giáo dục, phòng tránh bị các đối tượng phạm tội lợi dụng lừa gạt. Khi phát hiện các biểu hiện nghi vấn hoặc các hành vi mua bán người, cần kịp thời tố giác với cơ quan Công an nơi gần nhất để điều tra, xử lý. Hãy đừng im lặng bởi im lặng là tiếp tay cho kẻ xấu", bà Nguyễn Thị Kim Dung nói.
Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết: Thực tế các vụ việc mua bán người được phát hiện rất ít so với tệ nạn mua bán người. Độ tuổi nạn nhân ngày càng trẻ hóa, có em sinh năm 2009, 2010 đã bị mua bán, trở thành nạn nhân bị bóc lột tình dục.
Thủ đoạn chính vẫn là lợi dụng nhận thức hạn chế của người dân, lợi dụng sự "muốn đổi đời" nhanh chóng, một số nữ sinh, sinh viên, các em gái mới lớn chưa có kỹ năng sống, hoặc ham chơi đua đòi đã bị lợi dụng và trở thành nạn nhân mua bán người... Tôi rất đau lòng khi lấy lời khai của nạn nhân và biết chỉ vài câu đơn giản đối tượng đã dễ dàng dụ dỗ được nạn nhân.
Thượng tá Khổng Ngọc Oanh nói rằng, các vụ mua bán người rất khó phát hiện, rất khó xác minh, giải cứu. Bộ Công an rất cố gắng nhưng hiện nhiều nạn nhân vẫn mắc kẹt ở nước ngoài, đi dễ nhưng về rất khó. Cộng đồng dân cư sống ở nông thôn, miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, nhóm phụ nữ không có hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân, quá lứa lỡ thì mong lấy chồng nước ngoài, nhóm các em thanh, thiếu nữ mới lớn, mải chơi... đều dễ trở thành nạn nhân.
"Tôi mong người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ, các cháu thanh thiếu niên không vì khó khăn trước mắt, không vì tâm lý muốn giàu nhanh, muốn đổi đời mà bất chấp nguy cơ, hiểm nguy để mạo hiểm ra nước ngoài trái phép để rơi vào cạm bẫy tội phạm như vấn nạn Campuchia, Myanma vừa qua", Thượng tá Khổng Ngọc Oanh chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, để phòng, chống nạn mua bán người hiệu quả: "Mỗi chúng ta hãy luôn là một tuyên truyền viên, mỗi gia đình "lá chắn" vững chắc góp phần cùng toàn dân, toàn xã hội chung tay phòng chống tội phạm mua bán người. Chúng ta cùng đồng hành, chung sức tạo nên sự kiện truyền thông phòng, chống mua bán người ấn tượng và có sức lan tỏa rộng rãi".