Nguyễn Trọng Tạo được trả cát-xê ca khúc bằng... cái thủ lợn

04/09/2017 - 15:25
Có người nói, Nguyễn Trọng Tạo hội tụ đủ chất của kẻ sĩ Bắc Hà, ông đồ xứ Nghệ và anh Hai Sài Gòn! Xung quanh người nghệ sĩ đa tài, hào hoa, lịch lãm này có rất nhiều chuyện thú vị về âm nhạc, về tình yêu...
Nguyễn Trọng Tạo thường nói, ông sáng tác nhạc để chơi, viết báo để sống và làm thơ để... chết. Với ông, viết báo là công việc kiếm sống, thơ là con đường ông xác định đi đến cùng, còn nhạc là ngẫu hứng. Nhưng điều thú vị là, chính lĩnh vực ông coi chỉ là cuộc chơi, là sự ngẫu hứng lại khiến ông trở thành “người của công chúng”.

Trong cuộc chơi âm nhạc của mình, Nguyễn Trọng Tạo đã sáng tác được gần 100 bài hát. Nhưng không cần phải viện đến con số đáng kể kia, chỉ cần với ca khúc Làng quan họ quê tôi và đặc biệt là Khúc hát sông quê, ông cũng đã đàng hoàng có mặt trong danh sách những nhạc sĩ được mến mộ nhất Việt Nam. Rất nhiều người có thể chưa đọc câu thơ nào của Nguyễn Trọng Tạo nhưng thuộc từng chữ, từng lời trong bài hát da diết tình yêu quê hương này.

nhc-s-nguyn-trng-to-v-c-nhc-s-vn-cao1.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và cố nhạc sĩ Văn Cao 

Nhuận bút bài hát: Từ 10 ngàn đô đến cái thủ lợn

Chính Nguyễn Trọng Tạo cũng công nhận, nhờ có Khúc hát sông quê mà ông đi đâu cũng... sướng. Ông được mời đi giao lưu, trò chuyện ở nhiều nơi và tới chỗ nào cũng được tiếp đón nồng hậu. Khi ông sang châu Âu hay châu Mỹ, những người Việt xa xứ biết tin liền kéo ông về nhà mình chơi, bỏ thời gian đưa ông đi đây đó. “Tôi đến các nước như Ba Lan, Tiệp Khắc, Nga, Canada, Hoa Kỳ... đều rất thoải mái. Tiền chuẩn bị mang đi để chi tiêu có khi không phải đụng đến, bởi qua mỗi cuộc giao lưu khán giả lại tìm cách ủng hộ tôi và bày tỏ sự mến mộ, có khi đến cả ngàn đô”, nhạc sĩ cho biết.

Có một vị Bộ trưởng đương nhiệm rất mê nhạc Nguyễn Trọng Tạo. Có lần tiếp nhạc sĩ, ông mời các ca sĩ đến chỉ để hát nhạc Nguyễn Trọng Tạo. Nhưng nhạc dạo bài nào cất lên, ông cũng bảo “Bài này tôi thích, để tôi hát”. Cuối cùng ông ấy hát từ đầu đến cuối, khiến 3 cô ca sĩ ngồi... ngẩn tò te.

Hay như có một doanh nhân, có thể xếp vào hàng đại gia, thỉnh thoảng lại mời Nguyễn Trọng Tạo đến chơi, bảo có việc cần nhờ, rồi bày rượu, phục vụ chu đáo, mỗi lần về lại biếu nhạc sĩ phong bì 10 triệu và chai rượu đắt tiền. Sau vài ba lần như thế, Nguyễn Trọng Tạo hỏi anh ta: “Chú cần gì thì cứ nói nói, chứ lần nào cũng tặng quà thế này, anh khó xử quá”. Anh ta mới dám ngỏ lời: “Nhờ anh viết giúp cho em bài hát”. Khi ca khúc đặt hàng được thu thanh xong, vị doanh nhân nọ bày tiệc mời khách quý đến dự để nghe Nguyễn Trọng Tạo hát và tặng quà. Khi về, ông thấy trong túi quà có chiếc phong bì 10 nghìn đô. Nguyễn Trọng Tạo choáng, hỏi lại anh ta xem có nhầm không thì được trả lời rằng: Không nhầm đâu anh. Tác giả Khúc hát sông quê là trường hợp đặc biệt. “Thực ra tôi thấy bài hát ấy... không được hay cho lắm. Thành thử cứ mang cảm giác mình là người mắc nợ. Sau đó mỗi lần anh ta mời tôi cứ ngại đến”, Nguyễn Trọng Tạo cho biết.

10 nghìn đô la, tương đương hơn 200 triệu đồng, là cát-xê cao nhất cho một ca khúc mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận. Bên cạnh mức thù lao “khủng” như vậy, Nguyễn Trọng Tạo còn nhận được những khoản nhuận bút cực kỳ bất ngờ, thú vị. Ấn tượng nhất là lần ông được Công ty Thực phẩm Vinh mời viết ca khúc để làm hội diễn vào khoảng năm 1983-1984. Sau khi chương trình kết thúc, ông được cảm ơn bằng... một cái thủ lợn. Độc đáo hơn, trên chiếc thủ lợn ấy còn ghi rõ dòng chữ “Nguyễn Trọng Tạo” bằng bút mực xanh, chắc để phân biệt với mấy chiếc thủ lợn khác là quà tặng dành cho những người viết kịch và sáng tác ca khúc là Lê Thống Nhất, Lê Hàm và Hồ Hữu Thới.  

Hoặc một lần khác, ông được thông báo là sẽ nhận nhuận bút bằng... ngô cho bài Tình ca gửi người trồng cỏ viết về Đà Lạt. Nhạc sĩ vui vẻ nhận lời, bởi với ông, viết nhạc chưa bao giờ là để kiếm tiền. Tuy nhiên, sau đó đài phát thanh vẫn cảm ơn ông bằng tiền mặt chứ không đến nỗi bắt nhạc sĩ phải... chở hàng mấy chục gùi ngô từ Đà Lạt ra Hà Nội như họ “dọa” từ trước.

nhc-s-nguyn-trng-to-v-nhc-s-trnh-cng-sn.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 

Bị vợ ghen cả tháng sau một phút bốc đồng... buột miệng

Hỏi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, có khi nào ông được trả nhuận bút viết ca khúc bằng... “tình” không, ông khẳng định chắc nịch: Không! Ông nói, chưa bao giờ viết bài hát tặng riêng một cô gái nào, dù làm thơ tặng phái đẹp khá nhiều. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm, bài Non nước Cao Bằng của ông được rất nhiều người thích được viết từ cuộc gặp lại một cô gái 25 năm trước đã từng đưa ông đi ngược con đường chiến sự ác liệt từ thị xã Cao Bằng lên Quảng Hòa trong cuộc chiến tranh biên giới 1979. Cuộc hội ngộ khiến ông rơi nước mắt vì nhớ lại những cảnh đẹp và người dân Cao Bằng thời chiến tranh đã bị tàn sát dã man.

Nguyễn Trọng Tạo gặp người con gái ấy khi ông cùng nhà văn Chu Lai đeo ba lô ngược những đoàn người chạy giặc, lên biên giới phía Bắc. Đến thị xã Cao Bằng, hai người đi hai hướng, Nguyễn Trọng Tạo được một nữ cán bộ Đoàn dẫn đường. Năm 2004, nhạc sĩ trở lại Cao Bằng, hỏi thăm cô gái dẫn đường năm xưa thì biết chị đã là cán bộ tỉnh ủy, đang đi công tác ở huyện. Nghe tin Nguyễn Trọng Tạo về Cao Bằng, chị chạy về ngay lập tức, gặp nhạc sĩ là ôm chầm lấy, khóc. “Quen nhau từ khi cô ấy còn chưa lấy chồng, mà giờ gặp lại cô đã có 2 con đang là sinh viên học ở Hà Nội... Vậy là trên ô tô từ Cao Bằng về, tôi cứ ngồi trên xe lẩm nhẩm, rồi viết thành ca khúc”, nhạc sĩ cho biết.

Viết ca khúc này, Nguyễn Trọng Tạo chỉ hát khi... uống rượu cùng bạn bè thôi, chứ không công bố lên truyền thông. Nhưng hát ở đâu cũng được bạn bè thích và hát theo. Rồi mọi người “xúi” ông gửi bài hát cho truyền hình, thế là mãi 5 năm sau khi ra đời, ca khúc này mới lên sóng VTV, đi xa hơn những cuộc rượu...

Có một tác phẩm khác, Nguyễn Trọng Tạo “mang tiếng” là tặng một cô gái sau một lần... buột miệng. Cô gái ấy ở Sài Gòn, muốn nhạc sĩ viết bài hát tặng cô. Hôm đó ông đang ngồi ở nhà viết Tình khúc bốn mùa thì cô gọi điện trò chuyện, ông... tiện miệng bốc đồng bảo đang viết bài hát tặng cô. Cô ấy đòi nghe một đoạn, ông hát mấy câu, cô vui quá cũng bốc đồng trêu: “Cảm ơn anh! Em hôn anh!”. Ai dè vợ nhạc sĩ đứng đằng sau nghe thấy, lên cơn điên, khiến ông phải giải thích mãi cả tháng mới yên.

hoc-tro.jpg
Các em học sinh xin chữ ký của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo 

Khi yêu, chẳng khác gì đại gia!

Nguyễn Trọng Tạo được nhiều người yêu. Ngoài hai người vợ cũ, ông còn có không ít “bóng hồng”. Trái tim lắm yêu thương, dễ rung cảm, người nghệ sĩ đa tài, hào hoa lịch lãm có lắm mối tình cũng không phải chuyện lạ. Một người bạn gái “hiểu chuyện” của ông hơn một lần nói với tôi: “Trong con người Nguyễn Trọng Tạo hội tụ đủ chất của kẻ sĩ Bắc Hà, ông đồ xứ Nghệ và anh Hai Sài Gòn”, thì việc ông có lắm phụ nữ hâm mộ, say mê cũng là điều dễ hiểu.

Có người nói, khi yêu, Nguyễn Trọng Tạo chẳng khác gì một đại gia! Cách đây 3, 4 năm, ông có một mối tình đắm đuối. Có lần ông chở cô bằng xe máy qua cầu Vĩnh Tuy thì trời đổ mưa. Hai người dừng xe lấy áo mưa ra mặc mà vẫn không khỏi ướt. Ông hỏi cô: “Em có lái được ô tô không?”. Khi cô nói đã có bằng lái xe, ông bảo: “Vậy mai anh đi mua một cái cho em lái”. Và hôm sau, ông đưa cô đi mua một con xe hơi về...

Chính người viết bài này, cách đây 2 năm, khi đưa bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo lên trang cá nhân của mình, đã có một người con gái vào trò chuyện. Chị ấy còn khá trẻ, và rất xinh đẹp. Chị nói rằng, chị và Nguyễn Trọng Tạo đã có những tình cảm rất đẹp, nhưng hai người lại quyết định xa nhau để giữ mãi những điều đẹp đẽ nhất trong nhau... Khi tôi hỏi chuyện này với Nguyễn Trọng Tạo, ông chỉ cười cười...

2.jpg
Với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, âm nhạc chỉ là một cuộc chơi ngẫu hứng

Đêm nhạc đầu tiên và duy nhất

Vốn coi âm nhạc là một cuộc chơi, Nguyễn Trọng Tạo chưa bao giờ có ý định tổ chức một đêm nhạc của riêng mình, dù ông đã sáng tác gần 100 ca khúc. Nhưng bạn bè yêu mến cứ “xúi” ông nên làm, bảo sắp chết đến nơi rồi mà chẳng có riêng một đêm nhạc tử tế, lại còn đưa tiền để “ép” ông thực hiện nữa, khiến ông quá cảm động không thể từ chối. Nhưng ông cũng nói, chương trình Khúc hát sông quê sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 8/9 này không chỉ là đêm nhạc đầu tiên mà cũng là đêm nhạc duy nhất và cuối cùng của ông.

Clip ca sĩ Anh Thơ thể hiện "Khúc hát sông quê" của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo:



Khúc hát sông quê sẽ mang đến cho công chúng những ca khúc viết về quê hương, đất nước của Nguyễn Trọng Tạo qua 2 phần. Phần 1 là những sáng tác mang âm hưởng dân gian đương đại như Đôi mắt đò ngang, Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Trống hội cổng làng, Tình ca bên một dòng sông, Non nước Cao Bằng, Mẹ tôi... Phần 2 là những tác phẩm nhạc nhẹ theo phong cách semi-classic, thậm chí cả rock như Vầng mây bất hạnh, Nghe biển ru đêm, Tình khúc bốn mùa, Con dế buồn...

dem-nhac.jpg

Tham gia biểu diễn trong chương trình có các ca sĩ như Anh Thơ, Trọng Tấn, Phạm Phương Thảo, Lê Anh Dũng, Phương Anh Sao Mai, nhóm 5 Dòng Kẻ, nhóm Cỏ Lạ... Đặc biệt, 2 nhạc sĩ Phú Quang và Giáng Son cũng sẽ góp mặt với vai trò khách mời.


Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 ở Diễn Châu, Nghệ An. Bên cạnh âm nhạc, ông còn ghi dấu ấn đậm nét ở thơ và đã giành được nhiều giải thưởng văn học lớn. Ngoài ra, ông còn là một nhà báo, một họa sĩ chuyên vẽ bìa sách và một cây bút phê bình văn học nghệ thuật sắc sảo. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm