Nhà hàng đóng cửa về quê “ăn Tết sớm”

Nguyễn Long
31/12/2021 - 09:00
Nhà hàng đóng cửa về quê “ăn Tết sớm”

Nhiều nhà hàng đã đóng cửa sau khi có quy định chỉ được bán mang về

Trước tình hình dịch Covid-19 nóng lên nên các cửa hàng ăn uống tại các quận vùng lõi của Hà Nội chỉ được bán mang về. Không chịu được cảnh thua lỗ kéo dài, nhiều chủ cửa hàng đã trả lại mặt bằng về quê nghỉ Tết sớm.
Mở cửa hàng ngày nào lỗ ngày đó

Nhiều quận nội thành Hà Nội đã yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán hàng mang về sau khi địa bàn chuyển cấp độ dịch cao hơn. Nhiều cửa hàng chỉ mở ra mua bán cầm chừng, không ít cửa hàng đã tạm dừng kinh doanh.

Ghi nhận tại các con phố như Xã Đàn, Khâm Thiên, Hoàng Cầu… thuộc quận Đống Đa, các nhà hàng, quán ăn đã tuân thủ nghiêm việc dừng phục vụ khách ăn tại chỗ. Lực lượng công an phường phối hợp cùng bảo vệ dân phố đã sử dụng loa lưu động tuyên truyền cho người dân về chỉ thị mới của UBND quận. Bên cạnh đó, nhắc nhở người dân và các hộ kinh doanh tuân thủ.

Chị Nguyễn Thị Mai (chủ cửa hàng phở trên phố Khâm Thiên) cho biết, hơn chục ngày nay, sau khi có thông báo của chính quyền về việc chỉ cho bán hàng mang về, cửa hàng đã nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên lượng khách giảm đến 80% so với những ngày được phục vụ tại chỗ. "Trước đây mỗi ngày quán tôi bán được hơn 100 bát phở nhưng từ khi chỉ được bán mang về, mỗi ngày chỉ bán được từ 10-20 bát, chủ yếu bán cho hàng xóm. Mặt bằng thuê đang là 17 triệu đồng/tháng, với lượng bán như hiện tại thì chắc chắn là lỗ. Khi mở cửa hàng thì chủ nhà không giảm tiền thuê nhưng vẫn phải mở để giữ chân khách quen và cầm cự mong sớm qua dịch", chị Mai nói.

Cửa hàng bún ngan của chị Nguyễn Phương Hoài ở khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đang trong tình trạng vắng khách do không được bán tại chỗ trong khi lượng khách mua mang về rất ít. "Nếu mua mang về khách đa phần chọn xôi, bánh mỳ còn bún, phở rất ít mua. Quán tôi nhỏ, vốn không nhiều nên vẫn mở bán để cầm cự. Ở phố này, nhiều nhà hàng lớn đã đóng cửa rồi", chị Hoài chia sẻ.

Nhà hàng đóng cửa về quê “ăn Tết sớm” - Ảnh 1.

Nhiều nhà hàng đã đóng cửa sau khi có quy định chỉ được bán mang về

Ông Nguyễn Anh Tuấn (chủ một nhà hàng trên phố Ô Chợ Dừa) cho biết, từ ngày chính quyền ra thông báo chỉ được bán mang về, ông đã tạm dừng kinh doanh nhà hàng. Bởi mở cửa ngày nào là… lỗ ngày đó. "Quán của tôi có quy mô lớn, mở ra phải ít nhất từ 6-8 nhân viên. Với số lượng khách mua về rất ít nên tôi đã chọn cách đóng cửa tạm dừng kinh doanh, vì hàng bán không đủ trả tiền lương nhân viên, chứ không nói đến tiền thuê mặt bằng. Giờ tình hình dịch bệnh như vậy, mình phải chấp nhận. Nếu cố mở bán sẽ lỗ kép", ông Tuấn nói.

Về quê không có việc làm

Nhiều nhà hàng, quán ăn tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng tương tự như quận Đống Đa. Nhiều người đã chọn cách trả lại mặt bằng, về quê nghỉ Tết sớm. Họ mong rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát để sang năm mới bắt đầu lại.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (quê Hưng Yên) cho biết, cuối năm 2019, anh bắt đầu thuê mặt bằng ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm để mở quán phở bò, cơm rang. Nhưng suốt 2 năm qua, việc kinh doanh của gia đình anh liên tục bị ngắt quãng. "Nhớ hồi mới có dịch Covid-19, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhưng chỉ ít ngày thôi. Hồi đó, vẫn cầm cự được. Nhưng ở lần gần nhất, Hà Nội thực hiện giãn cách gần 3 tháng trời. Hàng không bán được, khiến kinh tế gia đình tôi cạn kiệt. Số tiền hơn 200 triệu đồng tôi đi lao động nước ngoài tích lũy được cũng đổ hết vào quán", anh Hùng chia sẻ.

Nhà hàng đóng cửa về quê “ăn Tết sớm” - Ảnh 2.

Anh Hùng đã treo biển sang nhượng cửa hàng do kinh doanh thua lỗ

Cũng theo anh Hùng, sau khi Hà Nội kết thúc giãn cách xã hội, anh bắt đầu mở bán được vài hôm thì phường Phú Đô lại xuất hiện ổ dịch, khiến anh lại phải đóng cửa hàng 1 tháng nữa. Sau khi phường Phú Đô hết phong tỏa, anh tiếp tục mở bán được một thời gian ngắn thì quận Nam Từ Liêm lại chuyển sang "vùng cam", chỉ được bán mang về.

Anh Hùng cho biết, bán mang về gần như không có lãi, mở ra chỉ để cầm cự, nhưng với tình hình như hiện tại anh Hùng lo rằng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hơn nên anh đã sang nhượng lại cửa hàng để về. "Tôi thuê mặt bằng theo hợp đồng, mỗi tháng 15 triệu đồng và trả tiền trước 6 tháng. Hiện tại quán tôi vẫn còn 2 tháng nữa mới hết hạn. Mấy hôm nay, tôi đã treo biển sang nhượng lại cửa hàng, nếu ai thuê lại tôi chỉ lấy 10 triệu đồng để giảm lỗ thôi…", anh Hùng nói.

Sau khi đi lao động nước ngoài về, có hơn 200 triệu đồng tiền vốn trong tay, anh Hùng đưa mẹ, vợ con lên Hà Nội kinh doanh với mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng suốt 2 năm qua, việc kinh doanh của gia đình liên tục gặp những biến cố, số tiền hơn 200 triệu đồng cũng đã bốc hơi hết. Đối với gia đình anh, 2 năm qua là những chuỗi ngày "không muốn nhớ" đầy khắc nghiệt. Hiện tại anh cùng gia đình đã trở về quê ở Hưng Yên, chưa có việc gì làm. "Ở Hưng Yên dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp, mỗi ngày hàng trăm ca F0 nên muốn tìm việc gì làm cũng khó. Tết nhất đến nơi rồi mà không có tiền, chán lắm. Giờ chắc cứ ở nhà nghe ngóng tình hình, nếu ra Tết dịch bệnh ổn hơn thì tôi sẽ lại ra Hà Nội buôn bán, chứ ở quê thì chả biết làm gì", anh Hùng tâm sự.

Chủ nhà cũng gặp khó

Ông Nguyễn Văn Xuân (người cho anh Hùng thuê nhà) cho biết, ngoài căn nhà cho anh Hùng thuê, ông còn 2 cái nhà khác cho thuê, thế nhưng cùng một lúc cả 3 người đều trả lại mặt bằng, khiến ông cũng bị ảnh hưởng về thu nhập. "Vợ chồng tôi đều đã già, không đi làm được. Chỉ có mấy cái nhà cho thuê, giờ cùng một lúc họ trả lại hết khiến vợ chồng tôi không có thu nhập, trong khi 3 cái nhà thì để không, thật sự rất phí. Nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện tại thì mình cũng phải thông cảm cho họ. Tôi cũng đã nói với những người thuê nhà là sẽ giảm một nửa tiền nhà cho 3 tháng tới, nhưng không ai chịu", ông Xuân chia sẻ.

Ông Xuân cho biết thêm, trước đây mỗi lần Hà Nội thực hiện giãn cách ông đều tự giác giảm một nửa tiền cho những người thuê nhà. Thậm chí, có lần còn cho khách thuê vay tiền để kinh doanh. Thế nhưng dịch bệnh căng thẳng quá, làm gì cũng khó khăn. "Cửa hàng cắt tóc gội đầu mọi năm dịp cuối năm làm ăn tốt lắm, nhưng năm nay cũng trả lại mặt bằng. Tôi thuyết phục mãi nhưng không được. Có thể họ sợ gần đến Tết dịch bệnh căng thẳng hơn. Lúc đó nếu Hà Nội phong tỏa thì lại không về quê được", ông Xuân nói.

Anh Hùng cho biết, điều anh mong muốn nhất lúc này là dịch bệnh sớm được kiểm soát, để hoạt động kinh doanh buôn bán trở lại như bình thường. Còn giảm một nửa tiền nhà vào thời điểm này thật sự không mang nhiều ý nghĩa vì không bán được hàng. Mở hàng ra bán tầm này còn không đủ tiền ăn thì tiền đâu mà đóng tiền nhà.

Ngày 25/12, UBND TP Hà Nội thông báo cấp độ dịch trên địa bàn, trong đó nhiều quận chuyển sang "vùng cam" do ghi nhận số lượng lớn ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Theo đó, toàn TP Hà Nội được xác định thuộc cấp độ 2, có 8 quận đạt cấp độ 3 gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm