pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: "Nhớ về mùa thu Hà Nội, tôi không chỉ nhớ về cái đẹp"
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại
Trong không khí mùa thu Hà Nội, PNVN đã có cuộc trò chuyện với ông về những đề tài này.
+ Thưa nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, mùa thu - đất nước có thể coi là cảm hứng xuyên suốt trong các sáng tác của ông. Tại sao ngay từ khi mới sáng tác, thơ ông đã mang nhiều suy tư về đề tài này?
Phải nói rằng thế hệ chúng tôi sinh ra cùng với mùa thu Cách mạng. Trang thứ nhất của cuộc đời mình mở ra cùng với trang tươi sáng của đất nước. Thế hệ chúng tôi được "tắm sáng" bởi ánh sáng tươi đẹp của chế độ mới và điều đó gieo vào tâm hồn tôi sự lạc quan, yêu đời và niềm tin yêu trong sáng, đẹp đẽ.
Điều đó đã làm nên nhân cách, làm nên tình cảm và thái độ sống gần gũi, muốn cống hiến, vì thế đề tài Cách mạng, đất nước xuyên suốt trong sáng tác của tôi. Tôi viết về đất nước, về Cách mạng cũng như viết về tâm sự trong con người mình.
Tuy nhiên, tôi thấy bao nhiêu tác phẩm vẫn chưa đủ để nói hết lòng mình, chưa đủ nói hết sự vĩ đại của đất nước, của Cách mạng và cũng chưa nói hết được những khát vọng của bản thân mình.
Như tôi đã viết trong bài thơ "Đất nước - đời anh": "Anh một mình không đi hết Nguyễn Du/Đất nước bốn nghìn năm biển cả/Và em nữa, mắt nhìn đăm đắm quá/Đi bốn mùa không hết một tình yêu…".
+ Đọc những trang thơ của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại có thể thấy nhiều bài song hành trái tim, cảm xúc của một người lính khi nhớ về Hà Nội, nhất là những trang thơ viết trong thời chiến. Nỗi nhớ Thủ đô dường như rất đậm nét trong thơ ông?
Tôi may mắn được sống, học tập ở Hà Nội từ thời trẻ. Thuở ấy, Hà Nội rất thanh bình, rất đẹp, đầy màu sắc của hoa phượng, của những ước mơ lãng mạn. Tôi đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Khi đi vào Trường Sơn, tôi đã viết bài thơ "Thu nay, Hà Nội", bài thơ có câu: "Nẻo Trường Sơn, Tháp Bút dựng trong hồn". Khi tôi trở về, Hà Nội sau chiến tranh vẫn còn đổ nát rồi tiếp đó lại diễn ra cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt.
Người xưa có câu "Thăng Long phi chiến địa, Thiên hạ vạn đại xương" thể hiện khát vọng hòa bình của người dân nơi đây, thế nhưng đất nước ta đã trải qua bao cuộc chiến tranh quá nhiều đau thương.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại sinh năm 1955 tại xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, từng tham gia quân đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ, từng là phóng viên Báo Nhân Dân. Sách đã xuất bản: Nơi em về, Trái tim người lính, Dưới sắc cờ và trời thu Hà Nội... (thơ); Một số đặc trưng của thơ tứ tuyệt đời Đường (nghiên cứu), Khoảng trời con gái (kịch).
Tuy vậy, hãy thử đi trên đường Hà Nội mỗi buổi sáng hay mỗi đêm khuya thì sẽ cảm nhận Hà Nội hoàn toàn khác, linh thiêng, hào hoa như tên một nhạc phẩm của nhạc sĩ Lê Mây. Vào giây phút đó, con người mình tĩnh lặng, được tiếp thêm nguồn sống và càng cảm thấy sự bất diệt của Hà Nội, của dân tộc.
+ Trong nhiều năm sống và gắn bó với Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại còn nhớ câu chuyện nào mà ông trải qua hoặc nghe kể lại cho ông thấm thía và yêu hơn Thủ đô của đất nước?
Tôi nhớ năm 1972, 12 ngày đêm khói lửa ở Hà Nội thì nhà văn, nhà báo Thép Mới tiếp khách quốc tế tại Khách sạn Dân chủ. Nhiều nhà báo nước ngoài đã tỏ ra hoảng hốt trước loạt bom B52 đổ xuống Hà Nội, thậm chí một nhà báo đã thốt lên: "Thế này thì Hà Nội còn gì nữa. Chắc là Việt Nam sẽ trở về thời kỳ đồ đá, đúng như là Ních-xơn tuyên bố".
Lúc đó, một nhân viên khách sạn Dân chủ, đó là một cô gái Hà Nội đã nói rằng: "Không, Hà Nội vẫn còn. Đó là phẩm giá của con người". Sau đó, nhà báo Thép Mới đã viết một bài viết nhan đề "Hà Nội, Thủ đô phẩm giá của con người".
Nhớ về mùa thu Hà Nội, tôi không chỉ nhớ về cái đẹp, cái trong sáng, những kỷ niệm cá nhân mà tôi thường nghĩ tới và nhắc mình về phẩm giá con người, về niềm tự hào được làm người Việt Nam trong thời Cách mạng, được là người Việt Nam gắn bó với Hà Nội.
+ Gần đây, nguồn cảm hứng về đất nước, về Cách mạng trong sáng tác của ông có khác gì so với thuở đầu đời?
Gần đây, những cảm xúc non tươi của tuổi trẻ được thay thế bằng những suy nghĩ có chiều sâu hơn về đất nước. Tôi có câu thơ "Đảng mỗi ngày ở trong trái tim tôi" như một yêu cầu về những gì tốt đẹp hơn, trong sạch hơn của Đảng, Nhà nước và của bản thân mình.
Những bài thơ tôi viết về đất nước, về Cách mạng trong 10-20 năm gần đây, từ ngày Đổi mới, tôi thiên về thơ chính luận, nhận thức, phát hiện ra những chân lý cuộc đời.
+ Xin cảm ơn ông!
Thu nay, Hà Nội…
Như bài thơ mang từ thuở dời đô
Tôi ấp ủ với mùa thu Hà Nội
Ba mươi sáu đường cờ năm ấy
Sắc đỏ bay trong mắt mẹ sinh thành
Tôi lớn bên bờ Lê Thái Tổ me xanh
Trời thu sáng phơi một nền giấy trắng
Năm cửa ô cánh hoa xòe kiêu hãnh
Cỏ non tơ chạy hát dọc sông Hồng
Lòng như cờ không một nếp nhăn
Mười bảy tuổi nụ hôn đầu ngọt mãi
Giã trang sách trước mùa hoa phượng cháy
Nẻo Trường Sơn, Tháp Bút dựng trong hồn
Tôi trở về ba mươi sáu đường thơm
Mây thu trắng một vầng trên tóc mẹ
Em hiển hiện trong mắt nghìn thiếu nữ
Lối Cổ Ngư hoa tím nửa khung trời
Thắp hương trầm lên mái phố bom rơi
Nền thu cũ cao lên giàn giáo mới
Vẫn biết có một tình yêu đón đợi
Tôi mười năm trong phố bụi đi về...
Lời mùa thu em lại hát tôi nghe
Ô cửa nhỏ, đoá cúc vừa trổ thắm
Mùa thu nay, tôi đã đầy đặn lắm
Hà Nội ơi, Hà Nội giữa tay mình...
NGUYỄN SĨ ĐẠI