Nhà trường đồng hành cùng phụ huynh giúp con vượt khủng hoảng tuổi dậy thì

Nguyễn Minh Châu
13/05/2024 - 14:50
Nhà trường đồng hành cùng phụ huynh giúp con vượt khủng hoảng tuổi dậy thì

Phụ huynh chia sẻ trong buổi tọa đàm “Đồng hành cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì” do trường THCS Dịch Vọng tổ chức tháng 4/2024.

Đến tuổi dậy thì, không ít đứa trẻ bỗng dưng "nổi loạn" khiến các bậc cha mẹ đau đầu trong việc trò chuyện cùng con. Đã có những nhà trường nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này và phối hợp cùng phụ huynh giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi mới lớn để các em "dậy thì thành công".

Điểm gặp giữa nhà trường và phụ huynh giúp trẻ vượt khủng hoảng tuổi dậy thì

 "Con tôi đang học lớp 7, mới bước vào giai đoạn dậy thì. Mặc dù luôn theo sát và dạy bảo con từng li từng tý từ việc học tập đến các nề nếp sinh hoạt nhưng không phải lúc nào con cũng lắng nghe. Có khi con chống đối ra mặt, làm cho xong theo kiểu đối phó và không có thái độ tiếp thu để thay đổi bản thân nên tôi luôn trong trạng thái căng thẳng, mẹ con xung đột", chị Thu Nga ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.

Cũng theo chị Nga, thời gian gần đây con thích tự làm theo ý mình và tỏ ra "bất hợp tác" với mẹ. Dù chị đã dùng rất nhiều biện pháp, lúc nhẹ nhàng, khi nghiêm khắc nhưng đứa con đang tuổi "ương ương dở dở" này vẫn không tiếp thu. "Nhiều lúc tôi cảm thấy rất khó khăn và không tìm ra phương pháp nào để giáo dục con trong giai đoạn này", chị Nga nói.

Trong khi đó anh Nguyễn Mạnh Tường, có con đang học lớp 8 trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: "Các con ở mỗi lứa tuổi đều có những áp lực riêng như lớp 6 mới chuyển cấp, con sẽ phải làm quen với bạn mới, thầy cô giáo mới, trong khi là phụ huynh chúng tôi cũng rất lo lắng con mình học có tốt không, có chia bè chia phái trong lớp không… Làm thế nào để các con học tập tốt, có những mối quan hệ lành mạnh luôn là câu hỏi khiến tôi trăn trở?".

Nhà trường đồng hành cùng phụ huynh giúp con vượt khủng hoảng tuổi dậy thì- Ảnh 1.

Thầy Lưu Văn Thông mong muốn, thầy cô và cha mẹ học sinh có thêm kiến thức khoa học về việc giáo dục con ở tuổi dậy thì.

Những bối rối chị Nga hay anh Tường gặp phải cũng là vấn đề mà rất nhiều các bậc cha mẹ phải đối diện khi có con bước vào độ tuổi dậy thì. Đó cũng là lý do cả chị Nga, anh Tường và hàng trăm phụ huynh khác đã có mặt tại buổi tọa đàm "Đồng hành cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì" do trường THCS Dịch Vọng tổ chức vừa tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua. Đây là lần thứ 2 trường tổ chức chương trình này và đến tháng 5 này, nhà trường sẽ thực hiện buổi thứ 3.

"Có nhiều bậc phụ huynh và cả giáo viên từ trước đến nay vẫn đang làm theo kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân. Chúng tôi tổ chức chương trình với mong muốn sẽ mang đến cho các bậc cha mẹ, thầy cô có thêm những kiến thức mang tính khoa học để đồng hành cùng con ở tuổi dậy thì".

Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng Lưu Văn Thông

Theo thầy Lưu Văn Thông – Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, tuổi dậy thì là thời điểm có nhiều khó khăn với các con và gia đình nhưng cũng là giai đoạn rất quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của các con. Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ cả về thể chất, cảm xúc và trí tuệ của học sinh. Với mong muốn giúp các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh vượt qua giai đoạn đầy thử thách này, nhà trường tổ chức chương trình "Đồng hành cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì. Đây là dịp để cha mẹ học sinh có cơ hội được chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi những băn khoăn, lo lắng của mình với sự tham gia của chuyên gia tâm lý để cùng các chuyên gia để tìm ra lời giải".

Nhà trường đồng hành cùng phụ huynh giúp con vượt khủng hoảng tuổi dậy thì- Ảnh 2.

Các phụ huynh tham dự chương trình “Đồng hành cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì” do trường THCS Dịch Vọng tổ chức.

Cha mẹ cần thấu hiểu tâm lý tuổi dậy thì

Th.s Chu Thúy Quỳnh (Giảng viên khoa Tâm lý – Giáo dục học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nói rằng: Lứa tuổi học sinh THCS có một vị trí đặc biệt trong các giai đoạn phát triển và trưởng thành của trẻ em. Do những đặc điểm đặc trưng mang tính nhạy cảm, thời kỳ này còn được các nhà tâm lý giáo dục gọi tên là "tuổi khủng hoảng", "tuổi quá độ", "tuổi ngã ba đường".

Trong giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì, trẻ sẽ khó tập trung trong học tập và các hoạt động khác. Bên cạnh đó các em thường dễ xúc động, xuất hiện các cơn bối rối, cáu bẳn, hay tỏ ra giận hờn, dễ tự ái hoặc biểu lộ cảm xúc một cách thái quá trong giao tiếp với mọi người.

Trẻ cũng khó khăn trong việc khẳng định vị trí bản thân trong mối quan hệ với người lớn (nhất là cha mẹ). Do vẫn chưa thực sự trưởng thành nên đôi khi người lớn vẫn đối xử với các em như một đứa trẻ, trong khi nhu cầu tự khẳng định mình đã lớn xuất hiện rất mạnh mẽ nên trẻ sẽ cảm thấy khó khăn trong việc lắng nghe, hợp tác với cha mẹ…

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Ánh Đặng (Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam) cho rằng, "lỗi" lớn nhất của bố mẹ là đặt quá nhiều kỳ vọng lên con cái. "Nhiều bậc phụ huynh coi con cái như một món đồ trang sức để làm đẹp mặt bố mẹ và yêu cầu con phải học thật giỏi, con phải học thật xuất sắc để bố mẹ hãnh diện, bố mẹ khoe với bạn bè họ hàng, để mát mặt với đời… trong khi không quan tâm đến sở thích cũng như năng lực của con", bà Ánh Đặng cho hay.

Đứng trước những sự thay đổi rất nhanh chóng cả về mặt thể chất, tâm lý và cách ứng xử của con trong giai đoạn tuổi dậy thì, nhiều cha mẹ cảm thấy khó kết nối với con; các cuộc trò chuyện – giao tiếp với con thường xảy ra mâu thuẫn – xung đột về quan điểm; mặt khác cha mẹ còn thấy con có sự thay đổi một cách khó hiểu, không biết thực sự con có mong đợi gì trong gia đình. Nhiều cha mẹ cảm thấy bế tắc, bất lực, không biết phải ứng xử hay trợ giúp cho con từ đâu.

Nhà trường đồng hành cùng phụ huynh giúp con vượt khủng hoảng tuổi dậy thì- Ảnh 3.

Th.s Chu Thúy Quỳnh chia sẻ cùng phụ huynh học sinh.

Cha mẹ cũng cần học cách kết nối cảm xúc với con

Theo Th.s Chu Thúy Quỳnh, điều nên làm khi gặp phải những tính huống "nổi loạn" của con cái tuổi dậy thì là cha mẹ tự thay đổi bản thân trước, bởi vì sự thay đổi của cha mẹ sẽ dẫn dến những thay đổi ở con cái. Cần tự trang bị cho mình kiến thức tốt hơn về tâm sinh lý tuổi dậy thì để "giải mã" những lời nói, thái độ và hành vi khó hiểu của con trong giai đoạn này.

Học cách kết nối cảm xúc với con tốt hơn để trở thành điểm tựa tâm lý vững chắc cho con. Cha mẹ đừng chỉ tập trung vào nhu cầu vật chất (cố gắng tạo điều kiện sống, học tập tốt nhất cho con), bởi con cần sự kết nối tình cảm nhiều hơn. Học cách làm bạn cùng con, đặt mình vào vị trí của con để hiểu được những khó khăn con đang phải trải qua liên quan đến những khủng hoảng lứa tuổi. Học cách chấp nhận, tôn trọng con mà không định kiến và áp đặt. Hãy tạo bầu không khí an toàn, thấu hiểu trong gia đình để con được là chính mình và được cảm thấy mình có giá trị.

Còn chuyên gia tâm lý Ánh Đặng đưa ra lời khuyên rằng, mỗi ngày bố mẹ nên dành ít nhất 15 – 20 phút để tâm sự với con, để hiểu con, coi con như một người bạn từ đó giữa cha mẹ với con cái có sự kết nối và các con sẽ lắng nghe, chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn. 

Nhà trường đồng hành cùng phụ huynh giúp con vượt khủng hoảng tuổi dậy thì- Ảnh 4.

Các bậc phu huynh chia sẻ kinh nghiệm cũng như nói lên những khó khăn gặp phải khi dạy con ở tuổi dậy thì

Cha mẹ nào cũng mong con học giỏi, sau này thành đạt và đó là mong muốn chính đáng. Thế nhưng, đứng "ép" con phải học giỏi, phải đứng đầu lớp, sau này phải làm "ông này bà kia"... Như vậy sẽ khiến đứa trẻ không hạnh phúc ngay khi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời.

Tuổi dậy thì, trẻ có tâm lý "nổi loạn" nhưng vẫn còn non nớt, nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Khi con bước vào tuổi này, phụ huynh cũng cần có sự chuẩn bị sẵn về kỹ năng và tinh thần tốt nhất bởi việc dạy con ở tuổi dậy thì rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển về nhận thức, tính cách và kiến tạo tương lai sau này.

Thạc sĩ Chu Thúy Quỳnh, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:

Trong công tác giáo dục học sinh, nhà trường - gia đình - xã hội đều đóng vai trò quan trọng. Để mang lại lợi ích tốt nhất cho học sinh, nhà trường cần trở thành “cầu nối” giữa các lực lượng giáo dục, trong đó cần có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh. Chương trình “Đồng hành cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì” là một cách làm hay để nối liền sợi dây liên kết giữa nhà trường với cha mẹ học sinh. Mô hình “câu lạc bộ cha mẹ học sinh” của trường THCS Dịch Vọng cần được nhân rộng, để các trường khác tham khảo và triển khai trên cơ sở thực tiễn giáo dục của nhà trường”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm