pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhận bằng khen ở Thủ đô, nữ đại úy công an trào nước mắt khi nghĩ về lũ lụt tại quê nhà
Đại úy Nguyễn Hoài Thuận (hàng đầu, thứ 4, từ trái sang)), Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Nam và các tập thể, cá nhân điển hình "Dân vận khéo" giai đoạn 2016 - 2020.
Sáng 11/10, tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội), nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020), Ban Dân vận Trung ương tổ chức Gặp mặt, tuyên dương 72 tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2016 - 2020.
Đại úy Nguyễn Hoài Thuận, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Nam, là 1 trong số những nữ cá nhân điển hình "Dân vận khéo" được tuyên dương. Chia sẻ với phóng viên Báo PNVN ngay sau khi nhận được phần thưởng cao quý này, chị Thuận bày tỏ: "Công tác dân vận (CTDV) là lấy dân làm gốc, vì vậy khi được nhận phần thưởng vinh danh những người vì dân, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào".
Tuy nhiên, khi nghe phóng viên nhắc đến quê nhà Quảng Nam đang bị lũ lụt, Đại úy Thuận bỗng trào nước mắt. "Tuy rằng tiết trời ở Hà Nội rất đẹp nhưng tôi không có tâm trạng nào để trải nghiệm, vì ở quê nhà lũ rất lớn, đỉnh lũ rất cao. Toàn tỉnh Quảng Nam, ở những vùng đồng bằng dường như bị ngập hết, còn những vùng trung du và miền núi tuy không bị ngập nhưng phải đối diện với mưa lớn và lũ quét. Hiện tại đời sống của bà con rất khổ cực. Nhà tôi hiện tại cũng bị ngập rồi...", chị Thuận xúc động nói.
Phường Phước Hòa (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) ngập trong mưa. ngày 10/10. Ảnh: Thanh Nhật
Trong hoàn cảnh đó, chồng chị Thuận với vai trò là chiến sĩ cảnh sát giao thông vẫn đang tham gia điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân, ở nhà có 2 con nhỏ không người trông nom. Bởi vậy, "Từ sáng tới giờ, lòng tôi bồn chồn không yên. Quê tôi mà lũ xong thì hậu quả khổ lắm. Mới vừa dịch xong, giờ tới lụt nữa!", chị Thuận chia sẻ.
Sau những phút giây xúc động, chị Thuận dần trầm tĩnh hơn để chia sẻ về quá trình tham gia CTDV của bản thân. Năm 2016, chị Thuận được điều động về làm nhiệm vụ ở Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Nam. Với đặc tính ở mảng công tác này, chị và các đồng đội đi đến các địa phương, đặc biệt là những vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đưa trẻ em đến trường.
Bên cạnh đó, Hội còn vận động xã hội hóa để làm những vùng nước sạch cho trẻ vùng cao, hay xin kinh phí để xây dựng nhà ở, trường học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học. Không chỉ vậy, Hội đã vận động, quyên góp để xây dựng nhà tình nghĩa cho các cán bộ, người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Trong những lần đó, chị Thuận nhớ nhất về kỷ niệm đến xã Dang (huyện Tây Giang, Quảng Nam). Hôm đó dẫu thời tiết có mưa to gió lớn nhưng vì lịch trình đã đưa ra, hơn nữa Đoàn muốn đến kịp để trao quà cho các em học sinh nhân dịp năm học mới - trong đó có sách vở, học bổng, máy tính, nguyên vật liệu và kinh phí để xây trường học. Trên đường đi, đường núi bị sạt lở, xe bị mắc lầy, cả đoàn (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) phải cởi giày, xắn quần đến đầu gối để đẩy xe. Quãng từ xã tới huyện chưa đầy 20km nhưng đoàn phải đi 4 tiếng đồng hồ mới tới.
"Đến nơi, đã thấy bà con và các em học sinh đứng đợi. Lúc đó, ai cũng vui, không thấy mệt, không thấy ướt, không thấy lạnh đâu", chị Thuận bày tỏ.
Về công tác Hội và phong trào phụ nữ của Công an tỉnh, vì đặc thù của lực lượng vũ trang nên ngoài công tác Hội mà TƯ Hội LHPN Việt Nam và Tỉnh Hội đề ra, Hội Phụ nữ Công an tỉnh còn thực hiện theo nhiệm vụ, chương trình phát động của Hội Phụ nữ Bộ Công an. Trong đó có phong trào "Công an nhân dân đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", "Chủ động, trách nhiệm, kỷ cương sáng tạo vì an ninh Tổ quốc", "Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững"... Bên cạnh đó, Hội còn thực hiện các mô hình tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em; tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, bạo lực gia đình; tuyên truyền bình đẳng giới.
"So với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này, Công an tỉnh đã có sự thay đổi rất lớn, có 14 chị trong cấp ủy Đảng các cấp từ Chi bộ, Đảng bộ cơ sở và Đảng bộ Công an tỉnh. Trong đó, có 1 chị trong Ban Thường vụ, 2 chị trong Ban Chấp hành", chị Thuận chia sẻ. Được biết, thời điểm hiện tại, Hội Phụ nữ Công an tỉnh có 538 hội viên.
10 phút ngắn ngủi trôi qua, những chiếc xe ô tô đã đưa các tập thể, cá nhân điển hình "Dân vận khéo" rời Hội trường Bộ Quốc phòng. Ngoài sân còn một chiếc xe cuối cùng, thấy vậy, chị Thuận bèn xin phép cáo biệt phóng viên. Chiều nay, chị Thuận lên máy bay về Quảng Nam, về với người dân và gia đình bé nhỏ của mình. Lũ đã lên đến ngày thứ 8, trời vẫn chưa ngớt mưa...
Nhân dịp này, Ban Dân Vận Trung ương cũng tổ chức tổng kết, trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương "Dân vận khéo" giai đoạn 2017 - 2020 do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phát động.
Sau 3 năm triển khai, đã có 21.000 tác phẩm dự thi ở các cấp, trong đó có hơn 3.600 tác phẩm dự thi được sơ loại gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi. Năm 2020, Hội đồng Chung khảo đã chấm điểm, lựa chọn 31 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, có 1 giải A, 5 giải B, 10 giải C và 15 giải Khuyến khích.