Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố

Trường Hùng
12/09/2024 - 23:51
Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố

Bà Trần Lệ Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Phưa (xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), đại diện trao bánh chưng cứu trợ cho người dân ở TP Yên Bái.

Người dân một thôn đặc biệt khó khăn ở Văn chấn, Yên Bái đã ngày đêm gói gần 2.000 chiếc bánh chưng để chia sẻ, cứu trợ bà con vùng ngập lụt như thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên), phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái)...

Khe Phưa là thôn đặc biệt khó khăn của xã Minh An (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Tuy nhiên với tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều", chỉ trong hai ngày (11-12/9), nhân dân thôn Khe Phưa đã tổ chức nấu thành công gần 2.000 chiếc bánh chưng gù để ủng hộ bà con các vùng ngập lụt trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố- Ảnh 1.

Nhân dân thôn Khen Phưa trao bánh chưng, hàng hóa cứu trợ cho người dân vùng ngập lụt ở TP Yên Bái.

Lá rách ít đùm lá rách nhiều

Chia sẻ nguyên do lựa chọn bánh chưng gù làm đồ cứu trợ, ông Phùng Xuân Nhàn, Bí thư Chi bộ thôn Khe Phưa cho biết, "Bánh chưng gù là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong những dịp cúng, lễ tết của đồng bào người Dao ở thôn Khe Phưa – nơi có 70% dân số là người Dao".

"Bánh chưng gù tượng trưng cho sự no ấm, đầy đủ của mỗi gia đình. Đặc biệt trong hoàn cảnh của các hộ dân vùng ngập lụt ở Yên Bái hiện nay, không có nơi nấu nướng, những chiếc bánh chưng trở nên thiết thực hơn, giúp người dân no bụng, bình tĩnh tiếp tục khắc phục những khó khăn trước mắt", ông Nhàn chia sẻ.

Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố- Ảnh 2.

Ông Phùng Xuân Nhàn, Bí thư Chi bộ thôn Khe Phưa

Hướng về những đồng bào vùng tâm lũ, người dân thôn Khe Phưa không nề hà mưa gió lên rừng chặt cây giang về chẻ lạt. Họ lần góc vườn từng nhà để hái lá dong, cũng tổ chức những đoàn người lên rừng hái lá. Những người có điều kiện hơn thì tài trợ tiền để thôn mua gạo, thịt, đỗ xanh.

Mỗi người một công một việc, người rửa lá, người đãi gạo, rồi cùng nhau nổi lửa ở một căn nhà rộng rãi của một hộ dân trong thôn. Họ nấu 3 nồi, mỗi nồi trung bình được 70 bánh, cứ 6 tiếng là được một mẻ. Ngoài nấu ở điểm chung, mọi người còn chia nhau về nấu ở từng nhà.

Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố- Ảnh 3.

Nhân dân thôn Khe Phưa chung tay nấu bánh chưng cứu trợ người dân vùng lũ

Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố- Ảnh 4.

Mỗi nồi nấu được khoảng 70 chiếc bánh chưng.

Với quyết tâm cao độ, chỉ trong vòng một ngày, người dân thôn Khe Phưa đã nấu xong 600 chiếc bánh. Sáng 11/9, mọi người mang đi cứu trợ cho những hộ dân bị ngập lụt ở thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên), phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái),…

"Đoàn chúng tôi hôm đó có 13 người, đi vào những vùng ngập sâu, tận mắt chứng kiến mới thấy đời sống của đồng bào mình khổ quá. Có những người từ lúc lớn lên chẳng biết khóc là gì, mà hôm đấy cũng phải rơi lệ", bà Trần Lệ Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Phưa kể lại.

Cả trăm người xuyên đêm nấu 1.200 chiếc bánh chưng

"Cô ơi, mình về lại làm tiếp một đợt nữa nhỉ? Cô cứ tìm nhân lực, lá, lạt đi, cháu tài trợ gạo", một thành viên trong đoàn nói với bà Thu. Ngay sau đó, bà Thu cùng trưởng thôn, bí thư, các đoàn thể trong thôn họp khẩn cất trong vòng 30 phút, rồi đi đến quyết định tiếp tục nấu 1.200 chiếc bánh ủng hộ người dân vùng lũ.

"Các khoản khác đồng chí lo, còn riêng việc huy động người gói, tôi sẽ huy động toàn bộ chị em phụ nữ của thôn và người cao tuổi", bà Thu nói tại buổi họp. Đến đầu giờ chiều 11/9, chỉ trong vòng 1 tiếng, bà Thu đã huy động hơn 100 người đến hỗ trợ.

Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố- Ảnh 5.

Nhân dân thôn Khe Phưa chung tay nấu bánh chưng cứu trợ người dân vùng lũ

Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố- Ảnh 6.

Các cụ già trong thôn cũng tham gia nấu bánh chưng.

Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố- Ảnh 7.

Bếp lửa nấu bánh chưng của nhân dân thôn Khe Phưa

Con lợn 86kg được những người đàn ông to khỏe nhất trong thôn đứng ra xẻ thịt. Phụ nữ, người già, trẻ nhỏ đảm nhận công đoạn gói bánh. Cả thôn với quyết tâm cao nhất, hàng chục bếp lửa đỏ củi từ đầu giờ chiều tới 21 giờ tối cùng ngày, đã nấu xong 1.200 chiếc bánh chưng.

Trưa ngày 12/9, chị Thu cùng đoàn cán bộ, nhân dân thôn Khe Phưa đã có mặt tại TP Yên Bái để trao đồ cứu trợ sau gần 4 tiếng di chuyển, bị tắc đường do sạt lở ở xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên).

Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố- Ảnh 8.

Bà Trần Lệ Thu (áo da cam), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Phưa.

Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố- Ảnh 9.

Nhân dân thôn đặc biệt khó khăn đêm ngày đỏ lửa luộc bánh chưng gù chuyển tới vùng lũ ở thành phố- Ảnh 10.

"Thôn Khe Phưa là một thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nhưng với tấm lòng của mình, chúng tôi muốn gửi những chiếc bánh này tới bà con vùng lũ, mong bà con sớm vượt qua được trận lũ này, sớm ổn định đời sống", bà Thu chia sẻ.

Như vậy, kể từ ngày 11-12/9, nhân dân thôn Khe Phưa đã ủng hộ khoảng 2.000 chiếc bánh chưng cho người dân các vùng ngập lụt ở Yên Bái.

"Chúng tôi là những người tự nguyện tiếp nhận những chiếc bánh này để chuyển đến cho bà con vùng ngập lụt. Đặc biệt tại các xã Minh Quân, xã Báo Đáp, thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên); TP Yên Bái,…"

"Chúng tôi sẽ tìm đủ mọi cách, đi ô tô, đi xe máy, đi bộ, đi thuyền để trao gửi những tấm lòng này tới những hộ dân đang cần nhất", ông Triệu Tiến Thịnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái, đại diện tiếp nhận chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm