Sử dụng dược phẩm, thực phẩm thức năng để chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… là thói quen của nhiều chị em. Nhưng đứng trước sự lựa chọn với nhiều sản phẩm tuy có được chiết xuất từ cùng một loại nguyên liệu nhưng nhãn mác gần giống nhau, cả về màu sắc, kiểu chữ, cách đóng gói…, nếu không chú ý và biết cách lựa chọn, rất có thể mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Một sản phẩm có tới hàng chục sản phẩm “tương tự”
Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Sở hữu trí tuệ Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, thực trạng hàng giả hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn hiệu đang tiếp tục gia tăng. Các mặt hàng tiêu thụ nhiều, có giá trị cao thì thường bị làm giả như: dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp… Quy mô và tính chất rất nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi…
Theo đánh giá của Hiệp hội Bản quyền thế giới, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, kiểu dáng và nhãn hiệu hàng hóa ở Việt Nam đã đến mức báo động. Gần như không còn mặt hàng dân dụng nào là không bị làm nhái, từ xe máy, hàng điện tử, điện lạnh, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm…
Lấy ví dụ ở thị trường thực phẩm chức năng, sản phẩm được nhiều chị em lựa chọn là những loại thực phẩm có công dụng tốt đối sức khỏe từ củ nghệ, quả gấc, củ tỏi, gừng… Cũng đã có rất nhiều các chế phẩm từ các nguyên liệu này đã ra đời, phục vụ từng nhu cầu nâng cao sức khỏe riêng biệt của mỗi người. Tuy nhiên, việc nhãn mác của nhiều sản phẩm “tương tự” nhau gây hoang mang cho chị em khi mua sản phẩm.
Ông Nguyễn Công Suất, giám đốc Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) chia sẻ thực tế ở doanh nghiệp mình: Trên thị trường, có tới hàng chục loại chế phẩm từ gấc có nhãn mác tương tự sản phẩm công ty ông đăng ký, họ chỉ thêm bớt chính tả vào tên thương hiệu trong khi vẫn giữ nguyên kiểu chữ, màu sắc bao bì… Những sản phẩm nhái nhãn mác này dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Những năm gần đây, tình trạng làm giả, nhái nhãn mác ngày càng trở nên phổ biến. Giải thích lý do, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết: Thực tế các doanh nghiệp ở nước ta chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Số doanh nghiệp thực hiện đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam chưa nhiều, dù hiện nay thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước đã rất cởi mở, lệ phí thấp... Điều này dẫn đến một thực tế, chỉ đến khi doanh nghiệp bị xâm phạm nhãn hiệu, họ mới nhận thức được giá trị của nhãn hiệu.
Nhãn mác bị làm giả ngày càng tinh vi
Theo ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi Cục phó Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, thực trạng vi phạm nhãn mác hàng hóa, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng đang ngày một gia tăng. Không loại trừ mặt hàng nào, hàng giả hàng nhái xuất hiện cả ở những sản phẩm giá thành thấp đến sản phẩm có giá cao. Đặc biệt, cùng với tốc độ phát triển vũ bão của khoa học, công nghệ, internet và mạng xã hội, phương thức sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng sự biến hóa linh hoạt và đa dạng.
Điều đáng nói là các đơn vị làm hàng giả, hàng nhái rất hiểu luật. Họ không làm sản phẩm y hệt vì sẽ bị xử phạt rất nặng, nhưng họ có thể lách luật bằng việc thay đổi cấu trúc nhãn hiệu để làm giả. Để chấm dứt tình trạng làm nhái nhãn hiệu, theo ông Trịnh Anh Tuấn, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, mà trước hết là thay đổi nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cung cấp cho người tiêu dùng những kiến thức về tác hại khi dùng hàng giả hàng nhái.
Cảnh báo đến người tiêu dùng
Thương hiệu càng uy tín, càng bị làm giả, làm nhái nhiều. Không chỉ nhà sản xuất bị ảnh hưởng uy tín, mà có thể gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ, là đối tượng chủ yếu mua và sử dụng các loại dược phẩm, thực phẩm chức năng.
Để tránh mua phải hàng giả, tiền mất, tật mang, chị em cần lưu ý cần:
- Tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi mua. Đặc biệt là khi mua các loại dược phẩm hay thực phẩm chức năng, không chỉ đọc kỹ thông tin trên bao bì, nhãn mác để mua đúng sản phẩm từ các công ty uy tín, đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu.
- Tìm hiểu kỹ về các thành phần, tỷ lệ, hoạt chất có trong sản phẩm… bởi tuy cùng sử dụng những nguyên liệu như nhau, nhưng tỷ lệ thành phần chính khác nhau, tỷ lệ các hoạt chất khác nhau… sẽ dẫn đến những tác dụng khác nhau đối với cơ thể.
- Ngoài việc sử dụng thành phần, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm còn tùy thuộc vào quy trình công nghệ sản xuất của mỗi công ty, nhà máy. Bạn nên tìm hiểu những thông tin này để chọn sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình khoa học, không pha trộn thêm các loại hóa chất, chất tạo màu… có hại cho cơ thể.