Nhân Ngày Di dân quốc tế 18/12: Giấc mơ, hy vọng và... không lối thoát

Nhu Thụy
18/12/2020 - 09:29
Nhân Ngày Di dân quốc tế 18/12: Giấc mơ, hy vọng và... không lối thoát

Nỗi khốn cùng của phụ nữ, trẻ em Rohingya

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, thế giới hiện có gần 80 triệu người tị nạn, mức cao nhất trong thập kỷ qua. Điều kiện sống khó khăn, phân biệt đối xử, hạn chế tiếp cận các dịch vụ cơ bản và dịch bệnh Covid-19 đã cướp đi hy vọng của họ về một tương lai tốt đẹp.

Đời tuyệt vọng của phụ nữ Rohingya

Jannat Ara bị buộc phải kết hôn với Nur Alam, một người đàn ông Rohingya sống ở Kuala Lumpur (Malaysia). Ara có 7 anh chị em và cả gia đình phải chia sẻ khẩu phần gạo 25kg/tháng. Ara chưa từng gặp người đàn ông mà cô kết hôn qua cuộc điện thoại từ trại tị nạn nhưng sau khi bị người thân ép, cô đã phải nghe theo. Ara là một trong số hàng nghìn người Rohingya không có quốc tịch và không thể ra nước ngoài hợp pháp. Họ buộc phải đặt niềm tin vào người chồng không quen biết và những người mà bọn buôn lậu đã trả tiền để vận chuyển họ.

Con đường bí mật đã đưa Ara qua xe kéo đến cảng rồi từ một chiếc thuyền nhỏ ra chiếc thuyền đánh cá ọp ẹp khác. Tuy nhiên, Malaysia đã từ chối cho Ara nhập cảnh sau 2 tháng lênh đênh trên biển. Cô bị ám ảnh vì chứng kiến nhiều người bị đánh đập bởi những kẻ buôn người, chứng kiến nhiều người thiệt mạng khi quay về trại tị nạn ở Bangladesh.

Somuda Begum có số phận tương tự với Ara. Người cha già của Begum là Mohammad Ledu đã giao cô cho một người trung gian, kẻ đã cam kết rằng với giá 30.000 taka (tương đương 350 USD), anh ta sẽ đưa cô đến Malaysia. Sau khi nhận tiền ngay lúc cô tới thuyền, hắn bỏ đi. Cô đã không đến được Malaysia và con tàu trôi dạt trên biển 2 tháng trước khi lực lượng bảo vệ bờ biển Bangladesh giải cứu họ. Do đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia đóng cửa biên giới khiến hành trình vượt biển của những người tị nạn như Ara, Begum càng trở nên khó khăn hơn. Kể từ đầu năm nay, một số con thuyền chứa hàng trăm người Rohingya lênh đênh ngoài khơi vì không được cập bến.

Nhân Ngày Di dân quốc tế (18/12): Giấc mơ, hy vọng và... không lối thoát - Ảnh 2.

Người vượt biên từ Bangladesh sang Malaysia

Các tổ chức từ thiện cảnh báo rằng, các gia đình trong trại tị nạn có thể dễ dàng bị lừa, nhầm những kẻ buôn người và ma cô thành người mai mối có thể mang đến tương lai tươi sáng hơn cho họ. Các tổ chức cứu trợ cũng đã cảnh báo rủi ro tiềm tàng của virus SARS-CoV-2 lên những người tị nạn Rohingya đang sống trong tình trạng chen chúc và thiếu nước sạch ở trại tị nạn lớn nhất thế giới tại Cox’s Bazar. Ông Manish Agrawal, Giám đốc Ủy ban cứu hộ quốc tế tại Bangladesh, chỉ ra rằng, có 40.000-70.000 người tị nạn sinh sống trên mỗi km2. Hàng nghìn người có thể chết vì Covid-19.

Trẻ em trong vòng xoáy thảm họa nhân đạo

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi các nước đóng góp 2,5 tỷ USD cứu trợ hơn 39 triệu trẻ em tại các nước Trung Đông và Bắc Phi đang là nạn nhân của chiến tranh, nghèo đói và đại dịch Covid-19. Tình trạng trẻ em tại các nước có xung đột vũ trang như Yemen, Syria và Sudan là rất đáng báo động. Theo thống kê, 12 triệu trẻ em tại Yemen cần giúp đỡ sau 5 năm xung đột. Số trẻ em tại Sudan cần được trợ giúp là 5,3 triệu, trong khi 1,9 triệu trẻ em Liban đang sống nhờ vào cứu trợ của quốc tế.

Nhân Ngày Di dân quốc tế (18/12): Giấc mơ, hy vọng và... không lối thoát - Ảnh 3.

Tổ chức Di cư quốc tế kêu gọi các chính phủ tạo cơ hội cho người tị nạn tiếp cận vaccine phòng Covid-19

Trong khi đó, con số này tại Syria là 4,8 triệu, chưa kể 2,5 triệu trẻ em Syria đang sống cùng người thân hoặc một mình tại các khu tị nạn. Khu trại Al-Hawl là nơi có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em đang tìm cách trốn khỏi đất nước bằng con đường tị nạn. Lúc cao điểm, khu trại này từng là nơi chứa hơn 70.000 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em (chiếm 94%), trong đó có 34.000 trẻ em dưới 12 tuổi. Mất an ninh lương thực đang làm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tăng cao, trong đó có tới 34% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi. Bất ổn và xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 10, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử với hàng trăm nghìn người thương vong, hàng triệu người mất nơi cư trú, phải tị nạn.

Nhân Ngày Di dân quốc tế (18/12): Giấc mơ, hy vọng và... không lối thoát - Ảnh 4.

Trẻ em tị nạn xếp hàng nhận thực phẩm ở Sudan

Với những người di cư đến từ châu Phi và Trung Đông, quê nhà nghèo đói và chiến tranh liên miên là nguyên nhân khiến họ sẵn sàng rời bỏ nhà cửa để đi tìm miền đất hứa châu Âu. Thế nhưng, hành trình di cư của họ đầy nước mắt. Tháng 10/2020, lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã vớt được 8 thi thể là phụ nữ, 3 thi thể là trẻ em ngoài khơi.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), hàng triệu người di cư đã tìm cách vượt Địa Trung Hải để sang châu Âu. Hành trình nguy hiểm này đã khiến hơn 1.200 người thiệt mạng. Theo thống kê của LHQ, số lượng người di cư chạy trốn khỏi Libya bằng đường biển đã tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày Di dân Quốc tế được Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức ngày 18/12 hàng năm để tuyên truyền nâng cao nhận thức về những đóng góp của di dân trên khắp thế giới cùng trách nhiệm phải bảo vệ các quyền lợi chính đáng của họ.
Nguồn: Bangkok Post, NYT
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm