pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhận thức đúng và rõ bạo lực gia đình
Ảnh minh họa
Khi nạn nhân "làm khó" cơ quan chức năng xử lý hành vi bạo lực gia đình
Cuối tháng 5/2023, dư luận cả nước bàng hoàng trước hình ảnh một thai phụ trên cơ thể chi chít các vết sẹo được lan truyền trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng vào cuộc và nhanh chóng xác định, người phụ nữ trên chị Bùi Thị Giang* (quê ở Hòn Đất, Kiên Giang).
Chị Giang lấy chồng ở Hải Dương. Chị Giang đã bị chồng là Trần Văn Luân (SN 1986, ở xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đánh đập dã man trong một thời gian dài khiến chị Giang phải bỏ trốn về nhà mẹ đẻ. Cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Thành đã quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can Trần Văn Luân về tội "hành hạ vợ".
Bản kết luận giám định tỷ lệ thương tích xác định, chị Giang có 62 vết bỏng da, 143 vết xước da, bầm tím trên khắp cơ thể (vết dài nhất lên tới 12cm). Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể là 29%.
Được biết, chị Giang và Luân quen biết nhau ở TP.HCM rồi nên duyên. Khi theo chồng về Hải Dương sinh sống, chị Giang mới biết Luân từng có 2 đời vợ, 7 người con đang sống cùng. Luân và chị Giang hiện có một con chung và chị Giang đang mang thai con thứ hai khoảng 7 tháng tuổi.
Do mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, Luân nhiều lần đánh đập, hành hạ chị Giang. Trước đó, từ khi mang bầu con đầu với Luân, chị đã bị chồng đánh đập. Luân nghiện game, nợ nần nhiều nên bắt chị Giang phải vay tiền họ hàng, người thân bên ngoại để trả nợ.
Mỗi lần chị Giang không vay được tiền hoặc phản ứng, liền bị Luân đánh đập, lột quần áo, trói tay chân rồi lấy dây điện, thắt lưng để đánh hoặc dùng cây móc quần áo nung nóng rồi gí vào mặt và khắp thân thể; cắt tóc, cạo trọc đầu...
Đã 3 lần Luân tưới cồn lên mặt và người chị Giang rồi đốt, khiến cơ thể nạn nhân chi chít các vết sẹo.
Chị Giang là người ít giao tiếp xã hội, không tham gia bất kì hoạt động nào của thôn, xóm, đoàn thể. Chị cũng hiếm khi ra ngoài, trừ lúc đi chợ và thường bịt khăn kín, mặc quần áo dài tay nên mọi người không nhận thấy điều bất thường.
Cuối năm 2022, thông qua nắm bắt tình hình, Công an xã đã đến gia đình, gặp riêng chị Giang để làm việc nhưng chị đã từ chối hợp tác, phủ nhận việc bị đánh, thậm chí còn đề nghị Công an không được can thiệp vào chuyện gia đình chị, "làm mất hạnh phúc" gia đình chị.
Chỉ đến tháng 5/2023, khi chị Giang trở về Kiên Giang với thân thể tàn tạ, vụ việc mới được người thân đưa ra ánh sáng…
Lực lượng hỗ trợ ở cơ sở cần có sự nhạy cảm giới
Theo GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển, nguyên nhân cốt lõi của bạo lực gia đình chính là bất bình đẳng giới và sự hiểu biết pháp luật còn kém. Trước ý kiến cho rằng các vụ bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng đang có xu hướng tăng. Theo GS Quý, với sự vào cuộc của truyền thông, sự hiểu biết của xã hội mà nhiều vụ việc bạo lực gia đình đã được phanh phui chứ không hẳn tăng về mặt cơ học.
Đấu tranh ngăn chặn các hành vi BLGĐ là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có các cấp Hội LHPN. Trước đây, giải quyết vụ việc BLGĐ gặp không ít khó khăn do nhiều người bị bạo lực còn e ngại, không báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng, sự thiếu hiểu biết pháp luật ở cả người bị bạo lực và người gây ra bạo lực… Trong những năm qua, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ đã được nâng cao. Những hoạt động của các cấp Hội tham gia phòng, chống BLGĐ được đa dạng hơn. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được triển khai dưới nhiều hình thức: Sinh hoạt nhóm, tổ phụ nữ, các mô hình “Gia đình hạnh phúc”, “Không bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý”… Cán bộ Hội các cấp luôn chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động, kịp thời nắm tình hình và tham gia giải quyết các vụ BLGĐ xảy ra trên địa bàn”.
Bà Trần Thị Định, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nam Định
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), cho rằng: Không thể nói các vụ BLGĐ tăng lên nhưng thời gian gần đây số vụ được đưa ra ánh sáng nhiều hơn. Điều này chứng tỏ nhận thức của người trong cuộc cũng như của xã hội đã tốt hơn trước.
Ngày trước, nhiều người bị bạo lực còn không biết là mình bị bạo lực nhưng giờ nhận thức đã thay đổi. Làm thế nào để người trong cuộc tự tin trình báo, đấy là cả một câu chuyện dài. Đầu tiên, phải làm sao để người trình báo cảm thấy họ không bị kỳ thị bởi cộng đồng và họ sẽ nhận được sự bảo vệ cũng như sẻ chia trên cơ sở có sự nhạy cảm giới của cơ quan công quyền và lực lượng hỗ trợ.
"Trường hợp của chị Giang bị bạo hành ở Hải Dương cho thấy, dù chính quyền vào cuộc khi biết tin từ trước đó nhưng chị này đã từ chối và phủ nhận. Ở đây không phải lỗi của chị Giang. Nếu có sự nhạy cảm giới sẽ hiểu, người bị bạo lực bị đe dọa, bị khống chế nên việc cần làm là theo dõi và tách họ ra thì mới nắm bắt được sự việc thật sự.
Một người suốt ngày đeo khẩu trang, mặc quần áo dài tay, đi đâu cũng có chồng kè kè bên cạnh, việc tìm hiểu chân tướng sự thật phải có sự nhạy cảm giới mới nắm bắt được. Nhạy cảm giới cần phải được tăng cường ở các tổ chức và cá nhân làm việc liên quan đến nạn nhân bạo lực gia đình", bà Vân Anh chia sẻ.
Theo luật gia Nguyễn Cao Hạnh (Hội luật gia Hà Nội), hiện nay "văn hóa im lặng" đã phần nào được xóa bỏ, quan điểm "đèn nhà ai nấy rạng" đã thay đổi so với trước. Đó là hiệu quả của truyền thông.
"Cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để mỗi thành viên đều ý thức được giá trị của bản thân, tôn trọng và đề cao những giá trị gia đình. Tăng cường công tác giáo dục về đạo đức, truyền thống gia đình đến với mọi người, mọi nhà.
Các tổ chức xã hội cũng phải tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm để ngăn chặn, xử lý kịp thời những vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào ốm đau, cơ thể không thể mạnh khỏe; ngược lại gia đình hạnh phúc thì xã hội sẽ phát triển", luật gia Nguyễn Cao Hạnh nói.
Có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có nhiều điểm mới. Điều 3 Luật này liệt kê các hành vi bạo lực gia đình. Đáng chú ý là hành vi "cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi...", người vi phạm có thể phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Đây là biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình mới được bổ sung tại Luật này.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 cũng nghiêm cấm "Hành hạ, đánh đập, ngược đãi, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, chì chiết hoặc cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cưỡng ép chứng kiến bạo lực với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý; bỏ mặc, không quan tâm; không chăm sóc, nuôi dưỡng thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng, người khuyết tật, người cao tuổi, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em; kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; ngăn cản thành viên gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội lành mạnh, hợp pháp hoặc hành vi khác để cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong gia đình giữa cha, mẹ và con; ông, bà và cháu; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau…
*Tên nạn nhân trong bài đã được thay đổi