pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trau dồi kỹ năng đưa tin về các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em
Ảnh minh họa
Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương nhận định, bạo lực với phụ nữ, trẻ em có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào kể cả trên không gian mạng. Thủ phạm có thể là bất kì ai, kể cả người thân trong gia đình, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bị bạo lực, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, việc tiếp cận với nạn nhân, đưa tin các vụ việc về bạo lực với phụ nữ và trẻ em đòi hỏi sự nhạy cảm và kỹ năng của các phóng viên, báo chí cao hơn, không chỉ là đưa tin sao cho không vi phạm quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến quá trình điều tra xử lý vi phạm mà còn phải có trách nhiệm định hướng đúng đối với dư luận xã hội, đảm bảo quyền bảo mật thông tin, hỗ trợ nạn nhân ổn định tâm lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của mình…
Theo báo cáo của Hội LHPN Hà Nội, trong những năm gần đây, tình hình bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về cả số lượng và tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Chỉ tính riêng trong 3 năm 2019-2021, theo báo cáo của Sở Văn hóa thể thao, toàn Thành phố có gần 390 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Báo cáo hàng năm của Tòa án nhân dân Thành phố, trong 3 năm 2019-2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tòa án đã thụ lý 283 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 305 bị cáo, năm sau số vụ tăng hơn năm trước.
Trong khuôn khổ chương trình, TS Đỗ Xuân Lân - Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Bộ Tư pháp và TS Nguyễn Thị Tuyết Minh - Giảng viên chính Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trình bày các chuyên đề về Quy định pháp luật phòng chống xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em và pháp luật liên quan đến việc lấy thông tin và kỹ năng tiếp cận, đưa tin về các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã tập trung lắng nghe, trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp để các hoạt động báo chí sẽ góp phần giúp cho công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em đạt hiệu quả cao hơn.
Được biết, trước yêu cầu cấp thiết của việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nhằm thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố về công tác phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, ngày 29/8/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3010, phê duyệt Đề án "Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026", trong đó giao cho Hội LHPN Hà Nội là đầu mối chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của phụ nữ, gia đình và cộng đồng trong phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, phát hiện và kịp thời hỗ trợ các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.