Nhân viên Gen Z hời hợt với bữa trưa

Như Quỳnh/ Thiết kế: Mai Linh
04/10/2022 - 10:02
Nhân viên Gen Z hời hợt với bữa trưa
Đối với người đi làm thế hệ Z, việc bỏ qua và hời hợt với giờ nghỉ trưa đang trở nên ngày càng phổ biến.

"Có thực mới vực được đạo", có lẽ ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của chuyện ăn uống, cả với sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng giữa một xã hội hối hả như hiện nay, nhiều người từ lâu đã không còn xem những bữa ăn là ưu tiên hàng đầu. Burnt out, quite quiting… là những hiện tượng và trào lưu đang xảy ra tại môi trường công sở với một thế hệ phải làm việc dưới nhiều áp lực, áp lực ấy thậm chí còn len lỏi cả vào những bữa ăn, một nhu cầu tối thiểu của con người. 

Một bộ phận không nhỏ lao động trẻ thuộc thế hệ Z ngày nay không những hời hợt với bữa sáng, mà thậm chí còn xem nhẹ cả bữa trưa và những giây phút nghỉ trưa quý giá của mình. Công việc quá nhiều, chi phí cho một bữa trưa quá đắt đỏ, sếp còn đang làm việc thì ai dám nghỉ… là một trong những nguyên nhân thường trực khiến các nhân viên trẻ trong công ty không chăm chút cho giờ nghỉ trưa của mình đàng hoàng. Họ nhanh chóng trở nên kiệt sức, mất kiểm soát trong công việc, thậm chí nghỉ việc vì cảm thấy thiếu sự gắn kết…

Bữa sáng quan trọng nhưng bữa trưa là thiết yếu

Vào tháng 4, ezCater, một công ty kinh doanh dịch vụ ăn uống, đã khảo sát 1.000 công nhân viên trên khắp Hoa Kỳ, từ các ngành khác nhau, để phân tích các kiểu ăn trưa của lao động ngày nay. Báo cáo của họ cho thấy 78% người lao động cho rằng nghỉ trưa cải thiện năng suất làm việc của họ. Tuy nhiên, cứ 10 nhân viên thì chỉ có 1 người rời bàn làm việc và nghỉ trưa đàng hoàng. 70% nhiên viên cũng ăn trong khi họ làm việc ít nhất một lần một tuần, loại bỏ thời gian cần thiết để phục hồi sức khỏe.

10 nhân viên Gen Z thì 9 người hời hợt với bữa trưa: Tìm hiểu lý do thấy vừa đáng thương vừa đáng trách! - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Tất cả chúng ta đều được nói rằng "bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày", tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bữa trưa là bữa ăn thiết yếu nhất.

Ăn trưa làm tăng lượng đường trong máu của bạn vào giữa ngày, cung cấp cho bạn năng lượng cần thiết cho thời gian còn lại trong ngày. Nó cũng cho phép bạn tập trung hơn trong suốt thời gian còn lại của buổi chiều. Theo Live Strong, nếu bạn đang cảm thấy uể oải, ăn dù chỉ một bữa trưa nhỏ cũng có thể tái tạo năng lượng, giúp bạn sảng khoái và nhiệt huyết hơn với công việc trong những giờ tới.

Bữa trưa quan trọng như vậy, tuy nhiên, thật không may, nhiều nhân viên Gen Z lại không nghỉ trưa và điều đó đang gây ra ảnh hưởng đến hiệu suất của họ.

Việc bỏ qua và hời hợt với giờ nghỉ trưa là rất phổ biến với những người đi làm thuộc thế hệ Z, hoặc do lượng công việc nhiều, hoặc do giá cả đắt đỏ hoặc là vì cả áp lực vô hình từ cấp trên…

Vì sao Gen Z xem nhẹ việc ăn trưa?

Một chủ đề lặp đi lặp lại của thế hệ người đi làm trẻ tuổi là khối lượng công việc của họ vượt quá ngày làm việc thực tế. 21% Gen Z cho biết họ không có đủ thời gian trong ngày để hoàn thành công việc nếu họ nghỉ ngơi. 19% Gen Z nói rằng họ có quá nhiều cuộc họp trong giờ ăn trưa và 27% nói rằng họ bỏ hẳn giờ nghỉ giải lao để có thể kết thúc ngày làm việc nhanh nhất có thể.

"Sẽ rất sai lầm nếu nghĩ rằng làm việc một mạch không cần nghỉ ngơi, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn, bạn cần chậm lại để sáng tạo và đổi mới trong công việc mình đang làm", Diane Swint, một trong những giám đốc của ezCater, nói với CNBC Make it.

10 nhân viên Gen Z thì 9 người hời hợt với bữa trưa: Tìm hiểu lý do thấy vừa đáng thương vừa đáng trách! - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Swint cho rằng việc loại bỏ văn hóa tham công tiếc việc có thể cho phép mọi người "làm việc thông minh hơn thay vì chỉ biết cắm đầu vào làm việc chăm chỉ". Nó cũng có thể giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa các nhân viên thông qua việc ăn chung và giao tiếp nhiều hơn trong bữa trưa, điều mà nhiều người đã bỏ lỡ khi làm việc online sau đại dịch.

"Có thể bắt đầu một thói quen như, vào thứ Năm hàng tuần, hãy tập hợp cả nhóm lại với nhau để cùng ăn trưa. Trong 'thế giới Zoom' hiện tại, chúng ta đã quen với những mối quan hệ chỉ dừng lại ở mức độ lợi ích. Đôi khi, nếu bạn hiểu đồng nghiệp của mình là ai, bạn sẽ nhận thức được nhiều hơn, và sẽ có thể cộng tác nhanh hơn và hiệu quả hơn", vị giám đốc này khuyên.

Bài toán kinh tế cho những bữa ăn trưa

Lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến xã hội, mà còn đang len lỏi vào nơi làm việc của mỗi người. Nhiều nhân viên nhận thấy bữa trưa tại văn phòng quá đắt đỏ. Thêm vào đó, tiền thuê nhà hàng tháng cũng là một bài toán khó. Với nhiều người, sau khi trừ tiền nhà đi, họ sẽ chỉ còn chưa đến một nửa tháng lương để xử lý các chi phí hàng tháng khác như điện nước, đi lại, bảo hiểm, nợ sinh viên, hóa đơn điện thoại, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Alex Fecioru, một người đang làm trong lĩnh vực sản xuất âm thành nói rằng tiền thuê hàng tháng tại căn hộ nhỏ ở Toronto của anh ấy là 820 đô la, một khoản tiền nhỏ theo tiêu chuẩn của thành phố, nhưng lại là một phần lớn trong toàn bộ thu nhập của anh. Nó khiến anh còn rất ít tiền để chi tiêu cho những thứ cần thiết khác, chẳng hạn như thức ăn. Có những tháng, anh thậm chí không chi quá 5 đô la một ngày cho thực phẩm.

Trong khi giá cả tiêu dùng đang thực sự là một bài toán khó với nhiều người lao động, Swint cho rằng các công ty nên cân nhắc việc thêm những ngày ăn trưa miễn phí tại văn phòng để thể hiện rằng họ xem trọng nhân viên ra sao, khuyến khích nghỉ trưa và thu hút nhiều nhân viên trở lại văn phòng.

"Không cần phải thực hiện những chương trình quá quy mô, chỉ cần làm đơn giản. Mục đích của nó chỉ đơn giản là, tôi gặp bạn, tôi muốn bạn nghỉ ngơi, và tôi đánh giá cao những gì bạn đang làm", Swint nói.

10 nhân viên Gen Z thì 9 người hời hợt với bữa trưa: Tìm hiểu lý do thấy vừa đáng thương vừa đáng trách! - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Áp lực vô hình từ cấp trên

Theo báo cáo, cấp trên có thể là những tấm gương xấu cho nhân viên của họ về thói quen ăn trưa. 56% nhân viên cấp giám đốc và 51% phó chủ tịch (trở lên) làm việc tại bàn của họ trong khi ăn trưa ít nhất 3 lần mỗi tuần. Và những nhân viên mới vào công ty - Gen Z cũng cảm thấy áp lực rằng họ phải làm điều tương tự.

Cứ 4 người lao động thế hệ Z thì có 1 người lo lắng rằng sếp của họ sẽ không có thiện cảm với mình nếu họ nghỉ ăn trưa. Swint cho rằng các nhà lãnh đạo phải là những tấm gương lành mạnh cho nhân viên của họ bằng cách khuyến khích nghỉ giải lao.

Các lãnh đạo công ty cần nhận thức được một điều rằng nghỉ trưa là điều cần thiết cho một ngày làm việc trôi chảy. Theo một nhà tâm lý học tại UC, Davis: "Ở trong nhà, hay ở cùng một vị trí, thực sự có hại cho tư duy sáng tạo". Sự đổi mới xảy ra khi mọi người thay đổi môi trường của họ. Do đó, việc di chuyển địa điểm, ngay cả khi chỉ là đến một phòng khác trong cùng tòa nhà, là điều quan trọng để giữ cho tâm trí của bạn hoạt động sáng suốt suốt cả ngày.

Ngoài việc nghỉ trưa, ăn một bữa đầy đủ và chậm rãi trong giờ nghỉ cũng là điều cần thiết. Theo một bài báo của Harvard Mental Health, điều này sẽ giúp bạn không bị đầy hơi, trào ngược axit và khó tiêu.

Tạm kết

Là một lãnh đạo công ty, ai cũng muốn nhân viên của mình làm tốt công việc chứ không chỉ đơn giản là hoàn thành cho xong. Và thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nhận ra được rằng một trong những nguyên nhân quan trọng không kém của những lá đơn xin nghỉ việc là việc thiếu sự gắn kết. Vì vậy, với tư cách là một lãnh đạo, làm thế nào để mọi người đủ sức khỏe để làm tốt công việc của mình? Làm thế nào để bạn đồng thời cũng có thể nắm bắt trái tim và tâm trí của các thành viên trong nhóm? Bạn có thể bắt đầu với bữa trưa lành mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm