pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhập viện vì tiêm chất làm đầy để thẳng chân
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nghi tiêm chất làm đầy làm thẳng chân
Mới đây, BV Da liễu TƯ tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân L.T.M. (47 tuổi, ở Hà Nội) bị áp xe bắp chân nghi do tiêm filler nhằm làm thẳng chân tại một spa ở Hà Nội. Sau khi điều trị, tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên hiện các bác sĩ vẫn chưa xác định được nhân viên spa đã tiêm collagen hay filler cho bệnh nhân.
Bệnh nhân cho biết, khoảng gần một tháng trước, nghe theo lời tư vấn của nhân viên spa, chị quyết định tiêm collagen tươi với mục đích trẻ hóa đôi chân và giúp thẳng chân hơn. Nhân viên spa cho biết, sẽ tiêm collagen có nguồn gốc Thụy Sĩ để tạo mô vùng chân, giúp chân đẹp và thẳng. Thời hạn bảo hành cho liệu trình này là 20 năm. Nghe bùi tai, bệnh nhân đã đồng ý thực hiện liệu trình trên.
Sau khi nộp 60 triệu đồng, bệnh nhân được làm hợp đồng và thực hiện liệu trình tiêm 3ml collagen tươi vào hai bắp chân. Sau khi tiêm, bệnh nhân có cảm giác khó chịu vùng bắp chân. Tuy nhiên, nhân viên spa nói là do tác dụng của thuốc tê. Ngay đêm đầu tiên, bắp chân bệnh nhân sưng to, đỏ tấy... Hơn 10 ngày sau, thấy tình trạng của bản thân không ổn nên bệnh nhân đã đến bệnh viện thăm khám, điều trị.
Tại BV Da liễu TƯ, qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có ổ áp xe ở bắp chân nên chỉ định dùng ngay kháng sinh chống viêm, giảm đau. TS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc (BV Da liễu TƯ) cho biết, khi đã điều trị ổ áp xe ổn định, bác sĩ vẫn thấy rõ cục cứng lổn nhổn ở vùng được tiêm của bệnh nhân. Do đó, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân được tiêm filler chứ không phải collagen. Bệnh viện đã tiêm thuốc giải chất làm đầy cho bệnh nhân.
"Việc phát hiện và điều trị kịp thời nên chưa để lại hệ lụy nặng nề cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với các ca điều trị muộn, khi ổ áp xe lan rộng, phá hủy mô gây sẹo lồi lõm. Hoặc nếu muộn hơn nữa, có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong", bác sĩ Hà cảnh báo.
Không thể làm thẳng chân bằng tiêm collagen hay chất làm đầy
Theo bác sĩ Vũ Thái Hà, thông thường tiêm filler được chỉ định trong trường hợp tiêu vùng mỡ gây teo lõm do bệnh lý hay các thủ thuật nào trước đó, như vậy sẽ tiêm vào để làm đầy các mô khuyết. "Đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận điều trị cho trường hợp nghi tiêm filler làm thẳng chân. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định không thể làm thẳng chân bằng các thủ thuật tiêm vì liên quan đến xương, không thể khắc phục bằng tiêm chất làm đầy", bác sĩ Hà nói.
Bác sĩ Hà cũng cho biết, thời gian gần đây, BV Da liễu TƯ và nhiều bệnh viện lớn khác tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến sau tiêm filler. Hầu hết bệnh nhân đều thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép, dùng chất liệu filler trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Theo bác sĩ Hà, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ. Tuy nhiên, chị em không nên tiêm filler ở spa, cơ sở cắt tóc, gội đầu, nhà riêng... bởi rất nguy hiểm. Thông thường, những người thực hiện tại spa không có chuyên môn, khi xảy ra tai biến không biết cách sơ cứu. Hơn nữa, những chất làm đầy không có nguồn gốc, xuất xứ thì nguy cơ cao gây phản ứng, thường là phản ứng dị ứng, viêm mô hạt hay nhiễm độc…
"Chị em có nhu cầu tiêm filler nên thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa hoặc cơ sở y tế được cấp phép. Bởi nhân viên y tế có chuyên môn, được đào tạo bài bản, chất liệu filler có nguồn gốc rõ ràng. Trong trường hợp không may xảy ra tai biến khi làm đẹp, bệnh nhân sẽ được xử lý cấp cứu phù hợp, từ đó hạn chế những hậu quả về sau", bác sĩ Hà nói.