Nhật Bản: Những kỳ thị và thách thức khi làm mẹ đơn thân

Ngọc Nguyễn
20/06/2022 - 15:33
Nhật Bản: Những kỳ thị và thách thức khi làm mẹ đơn thân

Ảnh minh họa: Shutterstock

Mẹ đơn thân ở Nhật Bản thường chịu kỳ thị từ xã hội. Có những phụ nữ lặng lẽ sinh con trong bí mật vì lo sợ dư luận, có những người bỏ rơi hay tự tay giết chết chính con ruột sau khi sinh, song cũng có những người chọn nuôi con, chắt chiu tiền bạc vượt qua đại dịch.

Mang thai và sinh con chưa bao giờ là điều dễ dàng với phụ nữ độc thân ở Nhật Bản khi họ phải đối mặt với kỳ thị từ một xã hội coi thường các bà mẹ đơn thân. Họ người thường bị từ chối khi xin việc và thậm chí là thuê nhà. Cha mẹ xấu hổ khi con gái không chồng mà có thai, đôi khi đoạn tuyệt hoàn toàn quan hệ. Phụ nữ muốn phá thai phải được chồng đồng ý, một điều gần như không thể xảy ra với phụ nữ đơn thân hoặc nạn nhân của bạo lực gia đình.

Nhiều phụ nữ trong trường hợp này lựa chọn sinh con nhưng sau đó lại đưa ra những quyết định tuyệt vọng. Năm 2018, một sản phụ 25 tuổi một mình sinh con trong quán cà phê và sau đó giết chết đứa trẻ. Năm 2019, một phụ nữ trẻ bị bác sĩ từ chối phá thai đã sinh con trong phòng vệ sinh của sân bay ở Tokyo, em bé qua đời vì chết ngạt. Một phụ nữ 29 tuổi khác đã tuyệt vọng bỏ rơi đứa con mới sinh vẫn còn nguyên dây rốn trong bồn cầu của một khách sạn.

Hanaco, 39 tuổi, chia sẻ trải nghiệm làm mẹ đơn thân cách đây 5 năm rằng mọi người nhìn cô bằng ánh mắt kỳ thị. Hanaco rất sợ và xấu hổ khi phải thú nhận với gia đình việc bản thân mang thai và sẽ tự mình nuôi con vì bị người yêu bỏ rơi sau khi biết tin cô mang thai. Cô lo lắng sẽ không đủ tiền nuôi con vì thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 2.300 USD, trong khi thu nhập trung bình của một hộ gia đình lúc đó là 3.600 USD. "Tôi thực sự đã cân nhắc việc cho con trai làm con nuôi vì tôi không có nhiều tiền và không thể cho con một cuộc sống tốt đẹp. Tôi muốn ưu tiên hàng đầu cho hạnh phúc của con mình", Hanaco tâm sự.

Sự kỳ thị làm mẹ đơn thân và nuôi con một mình của dư luận khiến Hanaco sợ hãi, thậm chí ngay cả khi đến bệnh viện sinh con. "Tại bệnh viện, các y tá luôn hỏi bạn trai tôi làm nghề gì hoặc anh ấy là người ra sao. Họ liên tục hỏi tôi rất nhiều câu hỏi và nhìn tôi bằng ánh mắt khác lạ", cô nhớ lại.

Ngậm đắng nuốt cay sinh con trong bí mật

Takeshi Hasuda, bác sĩ phụ khoa tại Bệnh viện Jikei ở tỉnh Kumamoto (miền nam Nhật Bản), người đã mở dịch vụ giúp đỡ phụ nữ chưa kết hôn sinh con bí mật ở nước này, cho biết ít nhất 8 phụ nữ đã liên hệ với ông. Họ đều là nạn nhân của lạm dụng tình dục hoặc bị thiểu năng trí tuệ và không biết bản sẽ làm thế nào để nuôi con. Theo bác sĩ Hasuda, ngay cả trước khi mang thai, những phụ nữ phải đối mặt với những điều vô cùng khó khăn mà người bình thường có thể không trải qua. Họ không cảm thấy mình có quyền lựa chọn và sinh con trong bí mật là điều duy nhất họ có thể làm. "Những bà mẹ nói với chúng tôi rằng nếu không thể sinh con bí mật, họ có thể đã tự tử cùng đứa bé", bác sĩ Hasuda cho biết.

Ở Nhật Bản, phụ nữ không được phép phá thai sau tuần thứ 22 của thai kỳ và cần sự đồng ý của đối tác, có thể là người yêu hoặc chồng để tiến hành thủ tục - điều khiến Nhật Bản trở thành 1 trong số ít nhất 11 quốc gia yêu cầu sự đồng ý từ bên thứ 3 đối với việc phá thai. Nhật Bản gần đây đã quyết định phê duyệt thuốc phá thai cho nữ giới nhưng vẫn giữ điều khoản trên. Việc chậm trễ trong việc phê duyệt thuốc phá thai, vốn từ lâu đã có ở hơn 70 quốc gia, đã cho thấy sự bất bình đẳng của các cơ quan y tế trong việc ưu tiên sức khỏe phụ nữ. Quốc gia này phải mất 40 năm để phê duyệt thuốc tránh thai nhưng chỉ mất 6 tháng để phê duyệt loại thuốc trị rối loạn cương dương Viagra.

Nhật Bản: Những kỳ thị và thách thức khi làm mẹ đơn thân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đại dịch "làm khó" những bà mẹ đơn thân

Cuộc sống trong một xã hội bình thường vốn đã đầy thách thức với những bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản, chưa kể những điều họ phải đối mặt trong đại dịch Covid-19. Nhật Bản có khoảng 1,23 triệu hộ gia đình mẹ đơn thân và theo cuộc khảo sát của Hiệp hội các bà mẹ đơn thân được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 11/2020, 65,6% cho biết có thu nhập giảm hoặc sẽ giảm, trong khi 79,7% cho biết chi phí sinh hoạt tăng.

Trong đại dịch, mẹ đơn thân ở Nhật Bản phải đối mặt với căng thẳng tài chính vì thời gian ở nhà nhiều hơn, đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí sinh hoạt và thực phẩm trong khi làm việc ít giờ hơn do đại dịch ảnh hưởng đến kinh tế. Việc chuyển sang học trực tuyến cũng làm dấy lên lo ngại về gia tăng khoảng cách giáo dục khi cần đảm bảo kết nối internet ổn định, thiết bị công nghệ để học tập và chi phí cho các chương trình luyện thi, những điều đè nặng lên tài chính của gia đình mẹ đơn thân.

Một phụ nữ 38 tuổi làm mẹ đơn thân có con trai 3 tuổi ở Tokyo, cho biết: "Tôi không có thu nhập vào tháng 4 và tháng 5 trong năm đầu đại dịch. Vì được yêu cầu không đưa con đến trường mẫu giáo, tôi phải ở nhà chăm con và không thể tìm việc làm bán thời gian. Tôi đã phải chắt chiu tiền tiết kiệm để trang trải chi phí cuộc sống".

Về phần Hanaco, cuối cùng cô đã nói với bố mẹ về việc mang thai vài tháng trước khi sinh. Cô cảm ơn cuộc sống hiện tại hạnh phúc với con trai ở thành phố Hiroshima. Khi không làm việc hoặc nấu ăn, hai mẹ con cô cùng đi công viên hoặc cùng nhau vẽ tranh. Tuy nhiên, Hanaco cho biết còn một chặng đường dài để Nhật Bản ủng hộ các bà mẹ đơn thân. "Chủ nhà vẫn quay lưng với tôi khi biết tôi là mẹ đơn thân hoặc tệ hơn là mẹ đơn thân có con nhỏ. Sẽ thật tuyệt nếu chúng tôi được coi là bình thường chứ không phải là những người bị kỳ thị", cô bày tỏ.

Nguồn: Vice, The Diplomat
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm